Ấn Độ âm thầm hoàn thiện sức mạnh hạt nhân
(Dân trí) - Ấn Độ đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng một tàu ngầm hạt nhân do nước này tự đóng có tên INS Arihant. Sự góp mặt của tàu ngầm mới đã giúp New Delhi trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Trang Diplomat dẫn nguồn tin truyền thông địa phương cho biết Hải quân Ấn Độ đang sở hữu một tàu ngầm tự đóng mới có tên INS Arihant. Chiếc tàu này được hoàn thiện trong tháng 8 vừa qua. Hiện Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.
Báo The Hindu dẫn một nguồn tin giấu tên khẳng định quân đội Ấn Độ tuyên bố đã thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí trên tàu ngầm INS Arihant. Đến tháng 8 vừa qua, chiếc tàu này đã được đưa vào vận hành.
Với sự góp mặt của INS Arihant, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, cùng với Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên còn quá sớm để gọi New Delhi là một cường quốc về hạt nhân.
INS Arihant giúp quân đội Ấn Độ hoàn thiện bộ ba hạt nhân có khả năng tấn công từ trên bộ, trên không và trên biển. Tàu INS Arihant được phát triển dựa trên tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula của Nga.
INS Arihant nặng 6.000 tấn, được trang bị 4 tên lửa K-4 mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn lên tới 3.500km. Ngoài ra, tàu INS Arihant sẽ mang được thêm 12 tên lửa K-15 với tầm bắn từ 700-750km.
Tàu ngầm được trang bị định vị thủy âm USHUS (do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ phát triển) để phát hiện và theo dõi tàu ngầm, tàu mặt nước, và ngư lôi của địch. Thiết bị định vị thủy âm này còn được sử dụng để liên lạc dưới nước và tránh chướng ngại vật.
Tàu INS Arihant là bước đầu tiên trong kế hoạch phát triển 4-5 tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của Ấn Độ. Trung tâm đóng tàu tại Vishakhapatnam cho biết đang bắt tay vào sản xuất thêm hai tàu ngầm loại này. Chiếu tàu ngầm thứ hai mang tên INS Aridhaman dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2018. So với INS Arihant, tàu ngầm thứ 2 có thể mang gấp đôi số tên lửa với sức mạnh lớn hơn.
Việc Ấn Độ đạt được bước tiến mới trong sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc đề phòng, nhất là khi Bắc Kinh đang một mực phản đối nguyện vọng của New Delhi xin gia nhập Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG). Chính sách phát triển hạt nhân của Ấn Độ cũng là một “cái gai” trong mắt Trung Quốc, dễ thấy nhất là sự phản đối của Trung Quốc đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ năm 2008.
Nhật Minh
Theo Diplomat