1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Ấm áp” và nghi kỵ

Chỉ kéo dài vẻn vẹn có hai ngày nhưng chuyến thăm của tân Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tại Moscow, chuyến thăm đầu tiên nước Nga trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận quốc tế.

Không chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị cho những vấn đề sẽ được bàn thảo trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Mỹ George W. Bush vào hai ngày 8 và 9/5 tới đây, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ là thước đo đáng tin cậy về thực trạng của mối quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh những sự kiện xảy ra mới đây tại một số nước cộng hòa trong thành phần của Liên Xô cũ.

 

Một trong những nhiệm vụ của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm này là bàn bạc với Nga về biện pháp ngăn chặn những phần tử có vũ trang chống Mỹ có khả năng đánh cắp nguyên liệu hạt nhân của Nga.

 

Đây quả là một vấn đề đang hết sức nhạy cảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn chưa chấm dứt, đồng thời Mỹ cũng đang ra sức gây sức ép đối với chương trình hạt nhân của Iran.

 

Đi kèm với những lời cáo buộc đây đó về việc “xuất khẩu” công nghệ và nguyên liệu hạt nhân, Mỹ không bỏ lỡ cơ hội để nắn gân Nga quanh vấn đề này, nhất là khi cả hai đều cùng trên một chiến tuyến chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trong đó có cả nguy cơ khủng bố hạt nhân.

 

Nhưng có thể xác định mục đích chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ không giới hạn ở những vấn đề mang nặng tính kỹ thuật như thế. Ngay trước khi tới thăm Nga, bà Ngoại trưởng Mỹ, một người thường xuyên phản ánh một cách trung thành các quan điểm của Tổng thống đương nhiệm G. Bush, đã không úp mở gì mà nói toạc ra rằng: “Một nước Nga dân chủ, đầy sức sống và phồn vinh là sự quan tâm của tất cả mọi người”.

 

Bà Rice còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng một trong những trách nhiệm chính của Mỹ ở châu Âu là “tìm ra cách thức đưa Nga đến với phương Tây để nước này tiếp tục thực hiện quá trình tiến tới một xã hội dân chủ hơn, với một nền kinh tế thị trường mở và tự do hơn”. Thế là rõ. Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ chính là nhằm “đưa nước Nga đến với dân chủ”.

 

Tuy nhiên, khi đã đưa ra một nhiệm vụ về việc “đưa nước Nga đến với dân chủ” như vậy, người ta hoàn toàn có thể đặt ra một phản đề: “Vậy nếu như nước Nga không đến với dân chủ theo con đường của Mỹ thì phải chăng Mỹ sẽ mang nền dân chủ đến cho nước Nga?!”.

 

Chính ở đây, người ta sẽ bắt gặp một trong những khúc mắc lớn nhất trong quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, đó chính là hiện tượng virus “cách mạng đường phố” đang có nguy cơ lan nhiễm khắp vùng Trung Á và nhiều nhà phân tích chính trị của Nga đã không phải không có lý khi cho rằng kẻ phát tán loại virus này chính là Mỹ và các đồng minh phương Tây của mình, còn người bị thua thiệt nhiều nhất chính là nước Nga.

 

Chỉ trong vòng 15 tháng, những cuộc “cách mạng màu” đã liên tiếp diễn ra tại không gian hậu Xô Viết: “Cách mạng hoa hồng” ở Georgia, “cách mạng cam” ở Ukraine, “cách mạng vàng chanh” ở Kyrgyzstan. Tất cả đều diễn gần như theo cùng một kịch bản: khởi đầu bằng việc phe đối lập tố cáo gian lận bầu cử, tổ chức những cuộc biểu tình trên đường phố và kết thúc bằng sự thay đổi chính quyền.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng những mục tiêu tiếp theo của Mỹ và phương Tây nhắm tới trong việc “xuất khẩu dân chủ” ở vùng sân sau của nước Nga sẽ là Azerbaijan, Uzbekistan, Tajikistan, có thể cả Moldova. Nhưng trước hết là Belarus.

 

Đây cũng chính là một điểm nóng trong chuyến thăm được bà Rice mô tả là “ấm áp” này. Vốn không bao giờ để cho người ta nghi ngờ về sự thẳng thắn của mình, bà Rice đã tuyên bố rằng Tổng thống Belarus Alexander. Lukashenko đang điều hành “chế độ độc tài thực sự cuối cùng ở châu Âu” và mặc dù khẳng định Washington sẽ không can thiệp vào Belarus để thúc ép có sự thay đổi (?), thế nhưng vẫn sẽ tìm cách để “rọi sáng cho những nơi mà người dân vẫn không được hưởng tự do”(!).

 

Rõ ràng đây là một chiếc găng tay được ném ra võ đài và nước Nga buộc phải có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn đà thu hẹp không gian ảnh hưởng của mình, khi một số nước không những không còn là đồng minh nữa mà còn có thể lựa chọn con đường phát triển quá ngả sang phương Tây.

 

Người đồng nhiệm của bà Rice, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố: “Chúng tôi (tức Nga) tất nhiên sẽ không ủng hộ cái mà một số người gọi là thay đổi chế độ ở bất kỳ đâu”. Ngay trong ngày bà Rice đang ở thăm Moscow, tại thủ đô Minsk của Belarus đã diễn ra cuộc họp liên hợp của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga - Belarus nhằm “đối phó với âm mưu một số nước dùng sức mạnh để giải quyết mọi vấn đề!”.

 

Với tất cả những diễn biến trước, trong và sau chuyến thăm tiền trạm của Ngoại trưởng Mỹ, có thể thấy chuyến công du Nga của Tổng thống Mỹ Bush diễn ra vào đầu tháng tới sẽ không hoàn toàn êm ả. Chắc hẳn sẽ có thừa những lời phát biểu ngoại giao nồng ấm và cũng sẽ không thiếu những nghi kỵ...

 

 

Theo Phạm Đan Thành

Người lao động