Alibaba của tỷ phú Jack Ma bị phạt nặng chưa từng có
(Dân trí) - Trung Quốc phạt đế chế thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma gần 2,8 tỷ USD vì cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Cơ quan Quản lý Thị trường Trung Quốc (SAMR) hôm nay 10/4 thông báo phạt Alibaba 18 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2,75 tỷ USD) vì bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.
Đây là mức phạt kỷ lục tương đương 4% doanh thu nội địa của Alibaba năm 2019 và vượt xa mức phạt gần 1 tỷ USD mà chính phủ Trung Quốc áp lên tập đoàn Qualcomm của Mỹ năm 2015.
Đây cũng là hình phạt nghiêm khắc nhất của chính phủ Trung Quốc trong chiến dịch thắt chặt giám sát với các "gã khổng lồ" trực tuyến ở nước này. Tuy nhiên, án phạt này dường như không làm ảnh hưởng nhiều đến giá trị thị trường của Alibaba - doanh nghiệp đạt lợi nhuận hơn 12 tỷ USD chỉ riêng trong quý 4 của năm 2020.
Phản ứng về án phạt, Alibaba cho biết sẵn sàng chấp nhận án phạt này và cam kết cải thiện hệ thống nội bộ để thực hiện tốt hơn các trách nhiệm xã hội. Công ty này cũng cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần tới để thảo luận về án phạt.
Trong một thập niên qua, hoạt động kinh doanh của Alibaba đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực mua sắm trực tuyến, lấn sang các mảng như hậu cần, giải trí, truyền thông xã hội và nhiều mảng khác. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, quy mô của Alibaba làm giảm dư địa cho các đối thủ cạnh tranh và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp của tỷ phú Jack Ma - người từng giữ ngôi vị giàu nhất châu Á - gần đây đã vào "tầm ngắm" sau bài phát biểu chỉ trích các cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái.
Đầu tiên, thương vụ IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group, một công ty do ông sáng lập ra, đột ngột bị hủy chỉ vài ngày trước khi diễn ra. Tiếp đến, Alibaba bị điều tra chống độc quyền. Cũng kể từ đó, Jack Ma gần như "biến mất" trước công chúng. Việc Jack Ma đột ngột bị trừng phạt khiến giới công nghệ Trung Quốc bắt đầu dè chừng.
Trung Quốc bắt đầu siết quản lý đối với các "ông lớn" công nghệ, đặc biệt các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài chính, từ năm ngoái. Cơ quan quản lý thị trường của nước này đã đề xuất sửa đổi luật chống độc quyền trong đó có các điều khoản nghiêm ngặt hơn đối với các nền tảng trực tuyến lớn như của Alibaba.