1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ai trả tiền cho chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt?

Hầu hết chi phí cho chiến dịch đưa đội bóng Lợn hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai – Thái Lan ra ngoài do chính phủ Thái Lan đảm trách.

Có vẻ họ cũng nhận được sự đóng góp từ nhiều nước khác. Chẳng hạn, kinh phí cho 30 binh lính không quân Mỹ tới giúp sẽ do Washington đảm trách – được xem như nghĩa cử thiện chí.

Nhiều doanh nghiệp Thái Lan tham gia hỗ trợ về việc đi lại và ăn uống. Hai hãng hàng không Thai Airways và Bangkok Airways cho một số thợ lặn nước ngoài bay miễn phí tới Thái Lan.


Lực lượng SEAL Thái lên máy bay ở sân bay quân sự Chiang Rai hôm 12-7 để trở về căn cứ Sattahip trên vịnh Thái Lan. Các thợ lặn nước ngoài cũng đang bắt đầu về nước. Ảnh: AP

Lực lượng SEAL Thái lên máy bay ở sân bay quân sự Chiang Rai hôm 12-7 để trở về căn cứ Sattahip trên vịnh Thái Lan. Các thợ lặn nước ngoài cũng đang bắt đầu về nước. Ảnh: AP

Dĩ nhiên, với một chiến dịch khổng lồ như vậy, Thái Lan không thể đảm đương một mình (và ngay cả tuyệt đại đa số nước khác cũng bó tay). Lặn hang động cực kỳ khó và những chuyên gia lặn hang rất hiếm hoi.

Thái Lan rất may mắn khi hang Tham Luang đã được nhà lặn hang kỳ cựu Vern Unsworth khám phá kỹ càng trước đây. Ông Unsworth cũng đang sống gần đó nên ngay sau ngày đội bóng mất tích, ông lập tức có mặt và đề nghị chính phủ Thái mời các chuyên gia lặn hang quốc tế đến giúp.

Lời khuyên này nhanh chóng được áp dụng, sau khi các thợ lặn của hải quân Thái đánh vật trong hang một cách khó nhọc. Cả kinh nghiệm lẫn thiết bị của họ đều dành cho lặn biển, khác rất nhiều với lặn hang. Họ liên tục bị dòng nước xiết trong hang đẩy ngược ra ngoài, khiến hy vọng sớm tìm thấy bọn trẻ trở thành tuyệt vọng.

Khi các thợ lặn nước ngoài có mặt, giới chức Thái để họ lên kế hoạch tìm kiếm và sau đó là cả kế hoạch giải cứu phức tạp. Đó là một chiến dịch cực lớn, bao gồm hàng trăm người chung tay lắp đặt hệ thống dây thừng dẫn đường và ròng rọc, kéo đường điện và cáp viễn thông vào hang cũng như đặt bình dưỡng khí, bơm hút nước. Nhưng sau lưng đội ngũ quốc tế là khả năng tổ chức, điều phối tuyệt vời của chính phủ Thái Lan và họ không hề có động thái nào "dìm" công lao của lực lượng quốc tế.


Nhiều thợ lặn quốc tế khi hay tin đã tình nguyện đến giúp. Ảnh: AP

Nhiều thợ lặn quốc tế khi hay tin đã tình nguyện đến giúp. Ảnh: AP


Một số người đang sinh sống bằng nghề dạy lặn ở Thái Lan cũng nhanh chóng sắp xếp công việc để bay tới Chiang Rai. Ảnh: Facebook

Một số người đang sinh sống bằng nghề dạy lặn ở Thái Lan cũng nhanh chóng sắp xếp công việc để bay tới Chiang Rai. Ảnh: Facebook

Vì sao bọn trẻ vào hang sâu như thế?

Câu trả lời chỉ có được khi các em và huấn luyện viên (HLV) Ekkapol "Ake" Chantawong, 25 tuổi, chính miệng kể ra. Huấn luyện viên trưởng Nopparat Kanthawong cho hay trận đấu ngày 23-6 bị hủy bỏ nên các em có chương trình tập luyện thay thế. Và Ekkapol cho các em đạp xe đến sân tập.

23-6 cũng là sinh nhật 16 tuổi của Pheeraphat 'Night' Sompiengjai. Một chủ tiệm địa phương kể các cậu nhóc mua hơn 700 baht bánh kẹo (khoảng 22 USD, khoản tiền lớn ở Chiang Rai) để ăn mừng. HLV Nop nói Ekkapol rất thương bọn trẻ và có thể đã bị chúng thuyết phục đi theo vào hang. Hang Tham Luang rất nổi tiếng trong khu vực và bọn trẻ đã ra vào đây nhiều lần.

Giả thuyết phù hợp nhất là chúng đi vào hang khá sâu (đi dễ dàng trong điều kiện khô ráo) nhưng trận mưa lớn sau đó làm nước dâng ngập hang, khiến chúng không những ra không được mà còn phải đi ngày càng sâu vào hang để tránh nước.


Đội bóng Lợn hoang đã vào rất sâu trong hang Tham Luang. Đồ họa: Guardian

Đội bóng "Lợn hoang" đã vào rất sâu trong hang Tham Luang. Đồ họa: Guardian

Vì sao mắc kẹt 9 ngày nhưng chỉ sụt trung bình 2 kg/người?

Bọn trẻ có thể có chút thức ăn mà chúng mua mừng sinh nhật Night. Tuy nhiên, bọn trẻ chơi thể thao từ nhỏ, rất khỏe mạnh và đoàn kết. Có thể nhờ đó mà chúng biết cách phân chia thức ăn cẩn thận cũng như giúp đỡ nhau.

Các thợ lặn SEAL Thái kể HLV Ekkapol dạy học trò ngồi thiền (anh từng đi tu 12 năm), uống nước từ thạch nhũ (thay vì nước dơ dưới đất) và nhường cả thức ăn cho chúng. Sau khi được tìm thấy đêm 2-7, đội bóng được cung cấp thực phẩm năng lượng cao rồi tiếp đó là thức ăn bình thường. Nhờ đó, cả đội bắt đầu tăng cân chút ít trước khi bắt đầu hành trình lặn ra ngoài vào ngày 8-7.

9 ngày mắc kẹt trong bóng tối (dù sau đó có đèn pin do lực lượng cứu hộ mang vào) nhưng bọn trẻ vẫn phải đeo kinh mát khi được đưa ra.

Bọn trẻ có bị đánh thuốc mê không?

Giới chức Thái rất kín tiếng về việc này. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói đội bóng được dùng thuốc an thần nhẹ. Nhưng nhiều người tham gia cứu hộ nói với đài BBC rằng bọn trẻ dùng thuốc an thần mạnh và được cứu ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê.

Lực lượng cứu hộ chọn cách làm này để đảm bảo đội bóng không hoảng loạn khi lần đầu mặc đồ lặn chìm xuống làn nước tối mịt và lạnh cóng trong hang. Sự hoảng loạn này có thể hại cả những thợ lặn đi kèm, đặc biệt là ở những đoạn hẹp và dốc trong hang.

Trong hành trình thoát ra, nhiều lúc các em được cột vào người thợ lặn, nhiều lúc được bó trên cáng và chuyển đi bằng hệ thống ròng rọc gắn trên trần hang. Quãng đường quá nặng nhọc này khiến những thợ lặn hạt nhân của chiến dịch giải cứu được xem như siêu nhân.


Những hình ảnh trong đoạn video của SEAL Thái công bố hôm 11-7, cho thấy các cậu bé được bó trong cáng đưa ra. Ảnh: 9 News

Những hình ảnh trong đoạn video của SEAL Thái công bố hôm 11-7, cho thấy các cậu bé được bó trong cáng đưa ra. Ảnh: 9 News

HLV Ekkapol có bị trừng phạt không?

Lúc này thì có vẻ là không. Cha mẹ các em đều tha thứ cho HLV trẻ tuổi và biết ơn anh vì giúp các em trụ vững trong thời gian mắc kẹt trong hang. HLV Nop nói Ekkapol có thể sẽ quay lại tu hành một thời gian để thanh tẩy tâm hồn.

Theo BBC, người Thái cơ bản không có "văn hóa đổ lỗi". Họ thường chấp nhận chuyện đã rồi và dư luận ít khi kêu gào đòi ai đó phải chịu trách nhiệm. Cách họ tình nguyện phục vụ đồ ăn, nước uống, kể cả mát-xa cho lực lượng cứu hộ cũng cho thấy họ hướng về việc cứu người hơn là đổ lỗi.

Theo Hải Ngọc

Người Lao Động