1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai thống trị biển cả?

Hải quân Mỹ có cơ hội kiểm nghiệm sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc (TQ) bằng cách tiến hành tuần tra vào trong vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

TQ sẽ phản đối, nhưng hiện tại, đó có lẽ là điều duy nhất nước này có thể làm. Các cuộc tuần tra như trên là một sự khẳng định rõ ràng về sức mạnh trên biển của Mỹ (cường quốc biển). Sức mạnh đó tuy vẫn tối thượng nhưng không còn duy trì vị thế không bị thách thức.

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, sức mạnh bá chủ của Mỹ trong việc duy trì quyền tiếp cận các khu vực hàng hải chung toàn cầu chỉ bị thử thách một lần duy nhất và trong một thời gian ngắn.

Trong những năm 1970, Liên Xô đã phát triển một lực lượng hải quân biển xanh đầy ấn tượng nhưng với chi phí quá lớn đến nỗi một số nhà sử học coi đó như là một trong những nhân tố dẫn đến sự sụp đổ của Xô Viết chưa đầy hai thập kỷ sau đó.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, phần lớn hạm đội tốn kém đó bị bỏ hoen gỉ, bị lãng quên ở các căn cứ Bắc Cực.

Thực tế đó hiện nay có thể đang dần thay đổi.

Hồi đầu tháng, Nga bắn phô diễn 26 tên lửa hành trình từ các tàu chiến ở Biển Caspian nhằm vào các mục tiêu ở Syria.

Các nhà hoạch định quân sự của phương Tây bây giờ lại phải đối phó với khả năng đã được trình diễn của Nga trong việc tấn công phần lớn châu Âu bằng tên lửa hành trình tầm thấp từ các vùng biển riêng của Nga.

Tuy nhiên, cho đến nay, một thách thức hải quân nghiêm trọng hơn đến từ TQ.

Từ mức khởi đầu khiêm tốn, TQ đã phát triển hải quân từ một lực lượng thuần túy hoạt động ven bờ thành lực lượng có tiềm lực to lớn ở các “vùng biển gần”, tức là, nằm trong chuỗi đảo thứ nhất từ Nhật Bản đến Philippines.

Ai thống trị biển cả? - 1

Hải quân TQ giờ lại đang phát triển tiếp, trở thành một lực lượng thậm chí còn đầy tham vọng hơn.

Trong thập kỷ qua, các hoạt động xa bờ của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã trở nên thường xuyên hơn và đòi hỏi khắt khe về mặt kỹ thuật.

Cùng với việc duy trì một đội tàu chống cướp biển thường xuyên ở Ấn Độ Dương, TQ tiến hành các cuộc diễn tập hải quân vươn xa ở phía tây Thái Bình Dương.

Tháng trước, một nhóm 5 tàu hải quân TQ đã đi qua gần quần đảo Aleutian sau một cuộc diễn tập quân sự Nga-TQ.

Tâm lý đất liền hơn biển lỗi thời

Tháng 5, TQ đã công bố sách trắng quốc phòng, trong đó chính thức hóa việc bổ sung cái gọi là “bảo vệ vùng biển mở”vào vai trò “quốc phòng các vùng biển ngoài khơi” Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân.

Một chiến lược mà từng đặt ưu tiên trước hết vào kiểm soát vùng biển địa phương thì giờ lại đặt trọng tâm vào ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ngày càng mở rộng của TQ. Vị thế hàng đầu mà TQmột thời trao cho các lực lượng trên bộ nay đã kết thúc.

Tâm lý truyền thống rằng đất liền quan trọng hơn biển phải bị từ bỏ và tầm quan trọng rất lớn phải được gắn liền với việc quản lý các vùng biển và đại dương, bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải.

Ai thống trị biển cả? - 2

TQ cần thiết phải phát triển một cơ cấu lực lượng trên biển hiện đại tương xứng với an ninh quốc gia của mình.

Đài Loan vẫn là trung tâm của những mối quan ngại quân sự này. TQ đã không quên sự bẽ mặt của nước này vào năm 1996 khi Mỹ gửi 2 biên đội tàu sân bay tiến công (gồm tàu sâu bay và các tàu hộ tống), trong đó một biên đội đi qua eo biển Đài Loan, để ngăn chặn các vụ thử tên lửa của TQ nhằm đe dọa chính quyền Đài Loan.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó William Perry đã huênh hoang rằng, mặc dù TQ là một cường quốc quân sự, “cường quốc quân sự mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương vẫn là Hoa Kỳ”.

TQ hiện quyết tâm thay đổi cán cân đó.

Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào mọi thứ từ tên lửa chống tàu đặt trên bờ, cho đến tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tuần tra trên biển hiện đại, để cố kiềm giữ Mỹ ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất và mục tiêu cuối cùng là giữ chân Mỹ ở ngoài chuỗi đảo thứ hai.

TQ cũng đang tìm kiếm các khả năng để tuần tra các nút thắt mà cho phép tiếp cận đến Ấn Độ Dương - nơi hầu hết lượng dầu nhập khẩu của TQ đi qua (khoảng 40% đi qua eo biển Hormuz và hơn 80% qua eo biển Malacca).

Các mục tiêu TQ dường như đã tự xác lập bao gồm việc: bảo vệ các tuyến đường biển thiết yếu về mặt kinh tế; thiết lập sự hiện diện mang tính chi phối ở Biển Đông và biển Hoa Đông; và đảm bảo có thể can thiệp bất cứ nơi nào mà sự hiện diện đang ngày càng lớn của TQ ở nước ngoài (dù là về đầu tư hoặc con người) có thể bị đe dọa.

Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc công bố Chiến lược an ninh biển châu Á-Thái Bình Dương mới.

Theo đó nhấn mạnh 3 mục tiêu: “bảo vệ sự tự do trên biển; ngăn ngừa xung đột và ép buộc; và thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế”.

Ai thống trị biển cả? - 3

Đồng thời khẳng định rằng Mỹ đang bám sát tiến độ “tái cân bằng”các nguồn lực bằng cách triển khai ít nhất 60% lực lượng hải quân và không quân đến châu Á-Thái Bình Dương trước năm 2020 - một mục tiêu được công bố vào năm 2012.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã yêu cầu Quốc hội tăng 8% cho ngân sách hải quân lên 161 tỷ USD trong năm tài chính tiếp theo; ông muốn hải quân sẽ tăng từ 273 tàu lên ít nhất 300 tàu. Một số thành viên đảng Cộng hòa nói rằng 350 tàu mới là con số đúng.

Liệu Mỹ có cần lo lắng như vậy? Cách TQ sẽ trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu khác đôi chút so với thời gian mở rộng hải quân ấn tượng của Liên Xô.

Ngoại trừ hạm đội tàu ngầm hùng mạnh của Liên Xô (mục đích chính của nó là tấn công hạt nhân chiến lược và ngăn chặn quân tiếp viện Mỹ vượt qua Đại Tây Dương để đến cứu viện cho Châu Âu), hải quân Liên Xô chủ yếu quan tâm thể hiện vị thế siêu cường và mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô trên thế giới thông qua các sứ mệnh “hiện diện”gây ấn tượng với đồng minh và đánh chặn các kẻ thù.

(Tiếp: Cuộc chơi quyền lực trên biển: Ẩn số TQ).

Theo Hà Phúc

Vietnamnet

Ai thống trị biển cả? - 4