1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Syria?

Cục diện Syria đang bị chi phối chính bởi các cường quốc, nhất là Mỹ và Nga. Theo giới phân tích, một khi hai nước trên chưa thống nhất được lợi ích, quốc gia Trung Đông này sẽ khó có được hòa bình.

Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Syria? - 1

Tình hình Syria hiện đang tập trung vào 2 vấn đề. Thứ nhất là nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn của cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái. Thứ hai là tình hình chiến sự tại Aleppo. Hai vấn đề trên quan hệ mật thiết với nhau theo kiểu nhân quả. Phe đối lập Syria đang đóng tại Aleppo, nơi quân chính phủ Damas đang chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô lớn nhằm chiếm lại quyền kiểm soát thành phố này. Đối lập Syria cho rằng nếu bị tấn công họ sẽ cắt đứt mọi cuộc thảo luận hòa bình tiếp theo. Ngày 28/4, cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneve kéo dài hai tuần đã kết thúc mà không có bất cứ tuyên bố nào được đưa ra.

Ngày 29/4, Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện rất lâu với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về tương lai của tiến trình hòa giải ở Syria, vốn cần thiết cho cuộc chiến chống IS. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Moskva hãy tạo thêm áp lực lên chính quyền Damas cũng như đồng minh của họ là ngưng, hay ít nhất là giới hạn các cuộc tấn công ở Aleppo.

Mặc dù Ngoại trưởng Lavrov không đáp ứng ngay yêu cầu của đồng nghiệp Mỹ nhưng Nga đã có câu trả lời chính thức. Nga sẽ không yêu cầu chính quyền Damas ngừng oanh kích thành phố Aleppo, hiện đang là chiến trường chính tại Syria. Thông tin trên được thứ trưởng Ngoại giao Nga Guennadi Gatilov tuyên bố ngày 30/4 để trả lời yêu cầu do Mỹ đưa ra.

Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Nga Interfax, ông Gatilov khẳng định: “Không, chúng tôi sẽ không gây sức ép (với chế độ Damas để ngừng tấn công) vì cần phải hiểu đây là một cuộc chiến chống mối đe dọa khủng bố”.

Sở dĩ Mỹ phải cầu viện đến Nga vì Aleppo hiện là nơi phe đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn đang chiếm đóng. Phe này đang đứng trước nguy cơ bị quân đội chính phủ Syria đánh bật khỏi Aleppo. Mỹ muốn Nga kêu gọi quân chính phủ Syria ngừng tấn công vì làm như thế sẽ đe dọa tới tiến trình hòa giải giữa các phe phái ở Syria nhưng Nga cho rằng phiến quân do Mỹ bảo trợ ở Aleppo là quân khủng bố, cần phải tiêu diệt.

Bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro ra ngày 1/5 cho rằng thông qua trận địa Aleppo, một lần nữa Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng minh khả năng làm chủ cuộc chơi tại Syria và “dắt mũi” phương Tây. Theo tờ báo, thành phố Aleppo là canh bạc quan trọng với Tổng thống Nga. Nếu quân chính phủ Damas chiếm lại được thành phố chiến lược, nằm ở phía bắc và giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ, thì đây sẽ là thắng lợi giúp Tổng thống Al Assad thay đổi cục diện.

Như vậy, sự phối hợp ăn ý giữa Nga và Mỹ đang gặp trục trặc. Trên bình diện quân sự, kể từ khi Nga tham chiến ở Syria, chưa có một sự cố nào xảy ra giữa các chiến đấu cơ của Nga và liên quân. Đôi bên cùng nhau trao đổi thông tin các kế hoạch bay và sử dụng chung một tần số radio cho những cuộc gọi viện binh. Sự cẩn trọng này còn được áp dụng trong việc chọn lựa các mục tiêu tấn công. Nếu như IS nằm trong tầm ngắm của liên quân quốc tế, thì quân nổi dậy chống ông al-Assad, mặt trận al-Nosra lại là mục tiêu tấn công của Nga.

Về mặt ngoại giao, Washington và Moskva cuối cùng cũng đã đưa ra được một lệnh ngừng bắn vào ngày 27/2/2016. Nhưng để tránh khỏi bị sa lầy, hai bên hiện đang tìm cách gây áp lực lên phe cánh của mình: Washington dường như đã thuyết phục được phe đối lập tham gia đàm phán hòa bình tại Geneve. Trong khi đó Nga đứng ra bảo đảm việc Damas tôn trọng lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nhận định, Mỹ vẫn chưa thực hiện cam kết gây ảnh hưởng tới phe đối lập ôn hòa để lực lượng này rút ra khỏi các khu vực giao tranh trên lãnh thổ Syria. Theo ông Lavrov, một thời gian dài Washington đứng trước vấn đề các căn cứ của tổ chức khủng bố Mặt trận al-Nusra trà trộn lẫn giữa các vị trí đóng quân của những phe nhóm đối lập ôn hòa và đồng ý tham gia thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. “Vấn đề này đã được đề cập tới và chính Ngoại trưởng John Kerry đã đồng ý rằng, nếu những nhóm này (phe đối lập ôn hòa) muốn tham gia thỏa thuận ngừng bắn và không muốn được coi là đồng lõa của bọn khủng bố thì họ cần thực hiện một việc rất đơn giản: đó là tách mình rời xa khỏi các căn cứ của quân khủng bố.

“Người Mỹ đã nhiều lần cam kết với chúng tôi sẽ tham gia vào quá trình này: họ sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với lực lượng đối lập ôn hòa để tách họ ra khỏi khu vực này (nơi quân khủng bố chiếm đóng) và sẽ không gây khó khăn cho cuộc chiến chống lại nhóm al-Nusra. Nhưng cho đến nay Washington vẫn chưa thực hiện lời hứa của mình”-Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Chuyên gia tình hình Trung Đông của Viện nghiên cứu Mỹ Carnegie ở Washington, Joseph Bahout, nhận định: Mỹ và Nga đã nắm thế chủ động và độc tôn về hồ sơ Syria.

Thật ra thì không phải Nga, Mỹ muốn bắt tay nhau để chia sẻ quyền lợi bất chấp đồng minh khu vực. Theo chuyên gia địa chính trị Nga Fyodor Lukiakov, tổng biên tập tạp chí “Nga trong chính sách toàn cầu” và cũng là chủ tịch “Ủy ban chính sách ngoại giao và quốc phòng” thì 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga và Mỹ đều nhận thấy chỉ có họ mới hợp tác được với nhau như thời còn Liên xô cũ. Đây là “trật tự mới" của thế giới hiện nay. Các nước khác, hoặc không muốn hoặc không đủ sức làm.

Như vậy xét về tổng thể, tình hình Syria hiện nay vẫn chưa có cửa nào thật sáng cho khả năng chấm dứt nội chiến. Cả về chính trị lẫn quân sự, sự giằng co vẫn luôn tiếp diễn và không biết đến khi nào mới kết thúc.

Theo AFP, AP, Reuters, CNN

PetroTimes