Ai chiếu laser vào phi công Australia trên Biển Đông?
(Dân trí) - Một học giả đã đưa ra phán đoán về lực lượng bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công bằng tia laser nhằm vào các phi công lái trực thăng Hải quân Australia khi bay qua Biển Đông.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, học giả Euan Graham cho biết ông là người có mặt trên soái hạm HMAS Canberra của Hải quân Hoàng gia Australia trong chuyến hải trình từ Việt Nam tới Singapore. Ông Graham cho biết các phi công lái trực thăng hải quân Australia đã bị chiếu tia laser và buộc phải hạ cánh trong cuộc diễn tập trên Biển Đông.
“Một số phi công đã bị chiếu tia laser vào mặt khi bay ngang qua các tàu đánh cá, buộc họ phải hạ cánh khẩn cấp vì lý do y tế”, Euan Graham, nhà nghiên cứu thuộc Viện chính sách chiến lược Australia, cho biết.
Euan Graham nói với CNN rằng ông không trực tiếp chứng kiến vụ việc, song các phi công Australia đã kể lại với ông rằng họ từng nhiều lần trở thành mục tiêu của laser thương mại trong khi thực hiện các sứ mệnh trên Biển Đông.
Euan Graham, giám đốc trung tâm La Trobe Asia thuộc Đại học La Trobe, Australia, đã có mặt trên tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra khi tàu này hoạt động trên Biển Đông và Ấn Độ Dương trong chuyến hải trình kéo dài 3 tháng vừa kết thúc vào tuần này. Các phi công bị chiếu laser đã lái trực thăng cất cánh từ soái hạm này.
Học giả Graham cho biết những tia laser được chiếu từ các tàu đánh cá đang hoạt động trên Biển Đông khi tàu HMAS Canberra bị một tàu chiến Trung Quốc bám đuôi tại vùng biển này.
“Liệu có phải các ngư dân bị giật mình đã phản ứng với tình huống bất ngờ (bằng cách chiếu laser)? Hay đây là hành động quấy nhiễu phối hợp cố ý của dân quân biển Trung Quốc? Rất khó để nói chính xác, nhưng những vụ việc tương tự như vậy đã từng xảy ra ở tây Thái Bình Dương”, học giả Graham viết trên trang mạng The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia, một viện nghiên cứu độc lập tại Canberra.
Theo CNN, khi hoạt động trên biển, các ngư dân thường sử dụng laser để cảnh báo các tàu khác không tới gần, tránh gây va chạm.
“Việc chiếu laser có tác dụng để tránh xung đột giữa các tàu với nhau, nhưng trực thăng rõ ràng không thể đe dọa trực tiếp các tàu trên Biển Đông. Tôi nghĩ, đó chỉ có thể là dân quân biển và đây là một chiến thuật được thực hiện một cách cố ý”, học giả Graham nhận định.
Tàu HMAS Canberra của Hải quân Australia (Ảnh: ABC)
Ông Graham cho biết khi tàu HMAS Canberra và các tàu khác của Australia di chuyển trên Biển Đông, chúng liên tục bị các tàu chiến Trung Quốc đeo bám dù các tàu Australia không áp sát bất kỳ đảo hay đá nào do quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Theo học giả Graham, trong khi quá trình trao đổi thông tin liên lạc giữa soái hạm Australia và phía Trung Quốc diễn ra “lịch sự”, Trung Quốc vẫn yêu cầu các tàu Australia phải thông báo trước cho họ nếu có bất kỳ sự đổi hướng nào khi di chuyển trên Biển Đông. Ông Graham cho rằng đây là điều mà hải quân Australia “không chấp nhận khi họ đang thực thi quyền tự do hàng hải” tại vùng biển quốc tế.
Cũng theo ông Graham, sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc để đeo bám các tàu nước ngoài tại Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có hạm đội tàu đủ lớn để triển khai và sẵn sàng chờ lệnh. Ông Graham nhận định các hành động bám đuôi tàu nước ngoài cho thấy năng lực trinh sát của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, một phần nhờ sự hậu thuẫn của các công nghệ do Bắc Kinh triển khai phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đang duy trì một lực lượng dân quân biển hùng hậu trên Biển Đông, trong đó có các tàu đánh cá được vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ khi xung đột xảy ra. Bắc Kinh nhiều lần phản đối hoạt động của các tàu nước ngoài trên Biển Đông, đặc biệt là tàu Mỹ và các đồng minh như Australia.
Tại đảo Hải Nam trên Biển Đông, các ngư dân Trung Quốc đã hỗ trợ hơn 250 chiến dịch thực thi pháp luật trên biển trong giai đoạn 3 năm trước năm 2016.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc bắt đầu được tăng cường từ năm 2015 và được huấn luyện cùng với lực lượng hải quân và tuần duyên Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh sử dụng lực lượng dân quân biển vì việc triển khác các tàu cá ít có khả năng vấp phải phản ứng quân sự từ Mỹ.
“Rõ ràng động cơ phía sau cách tiếp cận của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm gây khó khăn cho các tàu chiến và máy bay nước ngoài ở khu vực này”, ông Graham nhận định.
Giới chức quân sự Mỹ năm ngoái tiết lộ rằng có ít nhất 20 vụ chiếu laser do Trung Quốc thực hiện ở tây Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 6/2018.
Tháng 5/2018, các quan chức quân sự Mỹ cũng xác nhận quân nhân Trung Quốc tại căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti đã sử dụng laser để chiếu vào một máy bay quân sự Mỹ hoạt động tại căn cứ gần đó.
Các phi công bị tấn công bởi tia laser cho biết họ bị rối loạn thị giác, chói mắt, đau mắt và xuất hiện các đốm đen khi nhìn. Theo Giáo sư tại Viện Mắt thuộc Đại học London, hiệu ứng lóa mắt do tia laser gây ra có thể gây mù tạm thời và để lại những hệ quả “thảm họa”.
Thành Đạt
Tổng hợp