1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai Cập: Khó thay hai chữ bình yên

(Dân trí) - Với quyết định hủy bỏ tuyên bố hiến pháp ban hành hôm 22/11, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã đẩy lùi một bước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang nhấn chìm đất nước. Nhưng sự nhượng bộ của ông chưa đủ làm hài lòng phe đối lập và người dân.

Ai Cập: Khó thay hai chữ bình yên
  Người biểu tình thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình sau quyết định hủy bỏ Tuyên bố hiến pháp hôm 22/11.

Trong động thái được xem là có thể giúp tạm thời đẩy lùi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Ai Cập, Tổng thống Mohamed Morsi đã ban bố sắc lệnh mới hủy bỏ Tuyên bố hiến pháp ban hành hôm 22/11.

"Tổng thống Morsi đã ban hành sắn lệnh mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay", Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil loan báo hôm 9/12.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Qandil, cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới (được Hội đồng Lập hiến thân phe Hồi giáo thông qua đêm 29/11) vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch.

"Tổng thống Morsi chấp thuận đề xuất của các lực lượng chính trị về việc hủy bỏ sắc lệnh 22/11 và thành lập Ủy ban sửa đổi hiến pháp với điều kiện cuộc trưng cầu dân ý vẫn sẽ được tiến hành theo lịch định vào ngày 15/12 tới", ông Quadil nói.

Dự kiến, Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm có cựu ứng cử viên Tổng thống của phe Hồi giáo Selim Al-Awa, Lãnh đạo đảng Hồi giáo Al-Wasat Mohamed Mahsoob, Chủ tịch đảng Tương lai Cách mạng Ayman Nour, chuyên gia hiến pháp Tharwat Badawi, Giáo sư luật Ahmed Kamal Aboulmajd và thành viên Hội đồng Lập hiến Gamal Gibril.

Giới phân tích Ai Cập nhận định việc hủy bỏ sắc lệnh 22/11 chẳng qua chỉ là giải pháp tạm thời của Tổng thống Morsi trong bối cảnh quân đội đã chính thức ra mặt, vì vậy sẽ khó lòng nhận được sự hưởng ứng của phe đối lập.

 Quân đội Ai Cập ra tối hậu thư

 Quyết định hủy bỏ sắc lệnh 22/11 được Tổng thống Morsi đưa ra chỉ một ngày sau khi giới quân sự Ai Cập ra tối hậu thư yêu cầu chính phủ của Tổng thống Morsi và phe đối lập phải ngồi vào bàn đàm phán. Đây là lần đầu tiên quân đội Ai Cập "ra mặt" can thiệp kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối sắc lệnh thâu tóm quyền lực của Tổng thống Morsi kéo dài suốt hai tuần qua.

Ai Cập: Khó thay hai chữ bình yên
 Quân đội Ai Cập điều xe tăng bảo vệ Phủ Tổng thống sau khi xảy ra các vụ đụng đột gây chết người giữa người biểu tình và lực lượng an ninh làm 5 người thiệt mạng.

"Giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng hiện nay phải phù hợp với hiến pháp và các quy định về dân chủ, phải coi đối thoại là biện pháp duy nhất nhằm đạt được thỏa thuận vì lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân Ai Cập”, tối hậu thư của quân đội nêu rõ.

Văn bản này cũng nhấn mạnh đến vai trò của quân đội trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm sự tồn tại của thể chế nhà nước, làm dấy lên hoài nghi về khả năng quân đội sẽ "xuất chinh tiếm quyền" như trước đây.

“Quân đội Ai Cập đang thúc giục phe đối lập tham gia đối thoại và yêu cầu ông Morsi phải cố gắng hơn nữa để có thể thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có sự can thiệp trực tiếp của quân đội trong các tiến trình chính trị hiện nay”, chuyên gia Hassan Abu Taleb thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược al-Ahram của Ai Cập nhận định.

Một số nhà phân tích khác cũng nhận định về khả năng quân đội sẽ tạm thời can thiệp để giải cứu Ai Cập khỏi cuộc xung đột dân sự hiện nay, nếu tình hình trở nên cấp bách.

“Tối hậu thư của quân đội thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Morsi, song cũng báo hiệu việc quân đội sẽ lại can dự vào cuộc xung đột chính trị tại Ai Cập”, ông Mahmoud Ghozlan, người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng đang chi phối mạnh mẽ chính trường Ai Cập, nhận định.

Nguy cơ tái khủng hoảng

Bất chấp việc hủy bỏ sắc lệnh 22/11 và những động thái can dự của quân đội, sức nóng biểu tình trên đường phố Cairo vẫn chưa chấm dứt khi cả hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi chưa từ bỏ ý định kêu gọi người dân xuống đường biểu tình.

Đa số người biểu tình phe đối lập cho rằng họ vẫn không hài lòng về sắc lệnh mới của Tổng thống Morsi.Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức đối lập hàng đầu quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả ở Ai Cập, còn ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp.

“NSF quyết định không công nhận cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cũng như bản dự thảo Hiến pháp lố bịch”, tuyên bố của NSF nói rõ.

NSF cho rằng việc tổ chức trưng cầu ý dân vào lúc này sẽ chỉ làm chia rẽ thêm xã hội Ai Cập và đẩy đất nước vào tình trạng đối đầu bạo lực. Cũng theo NSF, bản dự thảo Hiến pháp hiện nay không phản ánh hy vọng cũng như nguyện vọng của người dân Ai Cập sau cuộc cách mạng đầu năm 2011, đồng thời làm tăng sự "độc tài" của Tổng thống. Tổ chức đối lập này còn kêu gọi tổ chức biểu tình trong ngày 11/12 trên phạm vi cả nước để phản đối Tổng toonsg Morsi.

 

Ai Cập: Khó thay hai chữ bình yên

Hàng triệu người hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình của NSF để phản đối dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân.

Trong khi đó, Liên minh các lực lượng Hồi giáo, tổ chức quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo ủng hộ Tống thống Morsi, cũng kêu gọi tổ chức biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và tỉnh Assiut.

Ngoài ra, nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan Salafi cũng hiệu triệu người ủng hộ tham gia cuộc biểu tình trước Trung tâm Truyền thông ở Cairo với yêu cầu hủy các chương trình đối thoại trên truyền hình và kêu gọi tẩy chay các tờ báo bị cho là có quan điểm chống lại người Hồi giáo.  

Trước bối cảnh đó, Tổng thống Morsi đã phải ban hành điều luật cho phép quân đội bắt giữ người biểu tình quá khích. Điều luật này được áp dụng đến hết ngày 15/12.

Theo các nhà phân tích, tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Morsi và phe đối lập có nguy cơ đẩy quốc gia với hơn 90 triệu dân rơi trở lại vòng xoáy phức tạp và nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới. Giới quan sát cũng cho rằng việc Tổng thống Morsi chịu nhượng bộ phe đối lập là một bất ngờ nhưng chưa đủ để dẫn đến đột phá trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Cộng đồng quốc tế quan ngại

Những diễn biến ở Ai Cập hiện nay khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại, nhất là khi nội dung dự thảo Hiến pháp mới của Ai Cập có nhiều chi tiết khiến nhiều nhà luật học và tổ chức nhân quyền phải bận tâm.

 

Ai Cập: Khó thay hai chữ bình yên

Người biểu tình chống ông Morsi giơ dấu hiệu chiến thắng trước lực lượng an ninh đang chặn đường dẫn đến Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo ngày 6/12.


Theo ông Mustafa el Labbad, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề khu vực và chiến lược al Sharq, nhiều người khó có thể chấp nhận nôi dung của bản dự thảo Hiến pháp khi mà nó được thông qua một cách vội vã bởi một ủy ban không được ngành tư pháp hậu thuẫn.

“Ủy ban Lập hiến do phe Hồi giáo kiểm soát đã vội vã thông qua bản dự thảo này trong phiên họp suốt đêm 29/11. Nhưng tính chất hợp pháp của ủy ban này lại là điều đáng phải bàn cãi”, ông Mustafa el Labbad nói.

Ông Labbad cho rằng nếu được đưa ra trưng cầu dân ý vào thứ 7 này, đa số dân chúng ở Ai Cập sẽ bỏ phiếu tán thành Hiến pháp mới. Nhưng một bản hiến pháp không thể chỉ dựa vào ý chí của đa số.

“Ai Cập có thể soạn thảo, ban hành Hiến pháp mới dựa trên sự thỏa hiệp của phần đông phe nhóm và đảng phái. Nhưng không thể chỉ vì chiếm thế đa số với mức chênh lệch chút ít mà giới chức cầm quyền có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”, ông El Labbad nói thêm.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 6 vừa qua, ông Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được hơn 50% phiếu bầu trong tổng số khoảng một nửa cử tri tham gia bỏ phiếu. Nếu xét về kết quả bầu cử, ông Morsi đã giành chiến thắng để trở thành tổng thống dân cử đầu tiên ở Ai Cập thời hậu Hosni Mubarrack. Tuy nhiên, nếu xét về sự ủng hộ của dân chúng, ông chỉ giành được lá phiếu của 1/4 số cử tri trong cả nước.

Vì vậy, điều tối quan trọng đối với Tổng thống Morsi là ông phải biết cân bằng lợi ích giữa các thành phần khác nhau và phải đưa ra được những quyết định đại diện cho người dân Ai Cập.

“Nó có một số yếu tố tích cực, một số yếu tố tiêu cực. Nó cũng có những điều thiếu sót và cả cạm bẫy”, Giáo sư chính trị xã hội học Said Sadek của trường Đại học American ở thủ đô Cairo đánh giá về bản dự thảo Hiến pháp mới sắp được thông qua.

Theo Giáo sư Sadek, trong lúc Ai Cập đang bị chia rẽ về dự thảo Hiến pháp mới, cách thức tốt nhất là tạm thời phục hồi Hiến pháp cũ, với một số điều khoản tu chính đã được thông qua hồi năm ngoái.

“Nước Mỹ đã phải mất 10 năm. Nhiều nước khác cũng vậy. Nếu hiến pháp mới có thể đưa tới tai họa lớn hay sự chia rẽ sâu sắc cho đất nước thì chúng ta nên hoãn lại”, Giáo sư Sadek cho biết.

Tuy nhiên, với cuộc trưng cầu dân ý sẽ được kiên quyết tổ chức vào thứ Bảy này, rõ ràng Ai Cập không có nhiều cơ hội để có được hai chữ bình yên cũng sự đồng thuận cần thiết trong một xã hội có nhiều đảng phái.

Linh Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm