1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai Cập cho phép tàu chiến Iran qua kênh đào Suez

(Dân trí) - Ai Cập đã nhất trí cho phép 2 tàu hải quân Iran qua kênh đào Suez để tới Địa Trung Hải, quan chức quân sự cấp cao Ai Cập hôm qua cho hay, chấm dứt nhiều ngày đồn đoán về kế hoạch mà Ngoại trưởng Israel cho là “khiêu khích” này.

 
Ai Cập cho phép tàu chiến Iran qua kênh đào Suez - 1
Tàu chiến Alvand của Iran trên Vịnh Péc-xích năm 2009.

Một quan chức ngoại giao Iran cho biết các tàu hải quân nước này đang hướng tới Syria để tập luyện và yêu cầu được đi qua qua kênh đào Suez của họ là phù hợp với quy định của quốc tế.

 

Đây sẽ là lần đầu tiên tàu hải quân Iran qua kênh đào Suez để tới Địa Trung Hải kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran 1979.

 

Tuy nhiên việc tàu Iran đi qua vùng biển của Israel khiến Israel đặc biệt lo ngại, do từ lâu nước này đã coi Iran là mối đe dọa hiện hữu. Lo ngại này xuất phát từ chương trình hạt nhân, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của Iran cùng những đe dọa hủy diệt Israel của Iran.

 

Trước những diễn biến trên, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ theo dõi sát đường đi của các tàu, hiện đang ở Biển Đỏ. Tàu hải quân Iran được triển khai qua kênh đào Suez vào đúng thời điểm các cuộc biểu tình chống chính phủ, đòi thay đổi thể chế lan rộng khắp khu vực, trong đó có các cuộc biểu tình đã khiến Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức một tuần trước và quân đội tạm thời nắm quyền điều hành đất nước.

 

Hiện chưa rõ chính xác khi nào các tàu hải quân Iran qua kênh đào Suez, kênh đào đã bị đóng cửa vào ngày quyết định phê chuẩn của giới chức Ai Cập được công bố trên báo chí nhà nước.
 
 
Ai Cập cho phép tàu chiến Iran qua kênh đào Suez - 2
Quyết định cho phép tàu chiến Iran qua kênh đào Suez được đưa ra một tuần sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã khiến Tổng thống Mubarak phải từ chức.

Theo một quan chức quân sự giấu tên của Ai Cập, các tàu hải quân, gồm một tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế, nhận được sự đồng ý của Ai Cập sau khi các thủ tục kiểm tra thông thường cho thấy không có gì bất hợp pháp ở trên tàu.

 

Trước đó, nhiều người cũng ước đoán Ai Cập sẽ đồng ý. Các quan chức kênh đào cho biết, theo thỏa thuận quốc tế quy định về giao thông trên kênh đào, Ai Cập chỉ có thể từ chối các tàu trong trường hợp có chiến tranh hoặc nếu các tàu không đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn.

 

Tuy vậy, vào đầu tuần này nhiều người cho rằng sự việc là dấu hiệu đầu tiên cho thấy giới chức cầm quyền quân sự Ai Cập đang vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao. Ai Cập cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran tại Trung Đông và không có mối quan hệ ngoại giao với nước này kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel từ chối bình luận về quyết định của Ai Cập. Trước đó, vào ngày thứ tư, Ngoại trưởng Lieberman đã gọi kế hoạch cho tàu hải quân Iran qua kênh đào là “một khiêu khích, chứng tỏ sự trơ tráo và ngang nhiên ngày càng lớn của Iran”.

 

Phan Anh

Theo AP