1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

9 tình nguyện viên Mỹ bắt đầu chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhóm 9 tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình đã tuyên thệ giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam trong 2 năm.

9 tình nguyện viên Mỹ bắt đầu chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam - 1

Nhóm 9 tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam tuyên thệ sáng 30/12 (Ảnh: Thành Đạt).

Sáng nay 30/12, Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình Carol Spahn đã tới chủ trì và chúc mừng buổi Lễ tuyên thệ của nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa Bình tại Việt Nam. Tham gia buổi lễ có đại diện các cơ quan Bộ, ban ngành của Chính phủ Việt Nam, trong đó có ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; phía đại diện Chính phủ Mỹ có bà Melissa A. Bishop, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội; cùng ban giám hiệu và giáo viên từ các trường nơi mà các tình nguyện viên sẽ đồng giảng dạy.

"Năm mới sắp tới, và buổi lễ tuyên thệ hôm nay là lúc chúng ta dành thời gian lắng đọng khỏi cuộc sống thường nhật bận rộn để trân trọng và nhận thấy sức mạnh của sự kết nối giữa con người. Là quốc gia đối tác thứ 143 của Chương trình Hòa Bình, chúng tôi chào đón Việt Nam tham gia vào mạng lưới toàn cầu của chúng tôi, và tôi mong chờ được thấy các tình nguyện viên và giáo viên cùng nhau làm việc truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo", bà Spahn phát biểu.

9 tình nguyện viên Mỹ bắt đầu chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam - 2

Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình Carol Spahn phát biểu tại lễ tuyên thệ (Ảnh: Peace Corps).

Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoan nghênh tinh thần và ý nghĩa của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam.

"Việt Nam rất coi trọng việc giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh - ngôn ngữ được sử dụng rất nhiều hiện nay. Sự hỗ trợ, hợp tác của Chương trình Hòa bình dù ở quy mô nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp", ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

9 tình nguyện viên Mỹ bắt đầu chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam - 3

Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình Carol Spahn (thứ hai từ trái sang) thực hiện nghi thức đánh cồng tại lễ tuyên thệ (Ảnh: Thành Đạt).

Tại buổi lễ, 9 tình nguyện viên trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam đã đồng loạt tuyên thệ dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục học ngôn ngữ và văn hóa trong 2 năm tới. Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh, nhưng chúng tôi cũng là học trò trên đất nước Việt Nam", đại diện nhóm tình nguyện viên phát biểu bằng tiếng Việt tại buổi lễ sau nghi thức tuyên thệ.

Chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam của Chương trình Hòa Bình chính thức được thành lập sau lễ ký kết hiệp định thực thi vào tháng 7/2020, là sự hợp tác giữa Chương trình Hòa Bình và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Từ khi tới Việt Nam vào tháng 10, 9 tình nguyện viên dạy Tiếng Anh đã xuất sắc hoàn thành chương trình đào tạo đa văn hóa, ngôn ngữ và chuyên môn. Chương trình đào tạo được thiết kế toàn diện để trang bị cho các tình nguyện viên sự hiểu biết và tuân thủ các chính sách và quy định của hệ thống giáo dục Việt Nam, cũng như để có thể đồng giảng dạy cùng các giáo viên Việt Nam trong 2 năm công tác.

9 tình nguyện viên Mỹ bắt đầu chương trình giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam - 4

"Chúng tôi sẽ tiếp tục học ngôn ngữ và văn hóa trong 2 năm tới. Tuy chúng tôi là giáo viên tiếng Anh, nhưng chúng tôi cũng là học trò trên đất nước Việt Nam", đại diện nhóm tình nguyện viên phát biểu bằng tiếng Việt sau nghi thức tuyên thệ (Ảnh: Thành Đạt).

Sau lễ tuyên thệ, các tình nguyện viên sẽ bắt đầu nhận công tác tại các trường trung học phổ thông trên các quận huyện ở Hà Nội cùng các giáo viên và các học sinh Việt Nam. Họ sẽ gia nhập gần 900 tình nguyện viên khác của Chương trình Hòa Bình hiện công tác tại 45 quốc gia ở châu Phi, châu Âu, Địa Trung Hải và châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương để góp phần hỗ trợ các ưu tiên của các chính phủ và cộng đồng địa phương.

Theo Tổng Giám đốc Chương trình Hòa Bình Carol Spahn, 9 tình nguyện viên tới Việt Nam lần này đều đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Họ được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là thái độ, sự cởi mở, khả năng thích nghi với môi trường mới và nền văn hóa mới. Bà Spahn cho biết, trong năm 2023, chương trình dự kiến sẽ đưa thêm 20 tình nguyện viên nữa tới Việt Nam, trong đó có 10 người ở Hà Nội và 10 người ở TP HCM, đồng thời mở rộng sang các địa phương khác.

Nhóm tình nguyện viên đầu tiên tới Việt Nam đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, vốn được xây dựng trên nền tảng ngoại giao nhân dân và quan hệ đối tác chặt chẽ trong nhiều thập niên nhằm thúc đẩy công tác giảng dạy tiếng Anh.

Chương trình Hòa Bình là cơ quan độc lập thuộc ngành hành pháp của chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm vận hành chương trình tình nguyện nhằm hỗ trợ chính phủ các nước sở tại trong công tác thực thi các ưu tiên phát triển. Kể từ khi Tổng thống John F. Kennedy thành lập Chương trình Hòa Bình vào năm 1961, cho đến nay đã có hơn 240.000 tình nguyện viên là công dân Mỹ phục vụ tại trên 142 quốc gia trên thế giới. 

Sứ mệnh của Chương trình Hòa Bình là thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị thế giới thông qua 3 mục tiêu: hợp tác với người dân tại các quốc gia có nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo, tăng cường hiểu biết của người dân Mỹ về các quốc gia họ đã phục vụ, đồng thời tăng cường hiểu biết về người dân Mỹ của nhân dân các quốc gia tiếp nhận tình nguyện viên.