9 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới
Trong công tác quân sự cũng như đảm bảo an ninh, trật tự, các quốc gia đều có những đơn vị tinh nhuệ để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt, trọng yếu.
Qua thực tiễn chiến đấu và hoạt động, nổi bật nhất là 9 lực lượng đặc nhiệm "khét tiếng" của một số quốc gia. Những lực lượng này đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc và thể hiện sức mạnh đáng vị nể trong "cộng đồng đặc nhiệm" thế giới.
Đặc nhiệm quốc gia Pháp (GICN)
Ngay sau khi thảm kịch thảm sát con tin xảy ra tại Thế vận hội Munich (Đức) vào năm 1972, Chính phủ Pháp xét thấy cần phải thành lập ngay một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ để đối phó với các tình huống khẩn cấp về an ninh, trật tự. Đến nay, GICN có quân số khoảng 400 sỹ quan.
Đây là những sỹ quan ưu tú của cảnh sát Pháp, được đào tạo bài bản, có khát khao cống hiến tột cùng và không ngại hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí tính mạng để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân Pháp.
Đặc nhiệm quân đội Pakistan (SSG)
Năm 1956, quân đội Pakistan thành lập lực lượng đặc nhiệm mang tên SSG theo mô hình của đặc nhiệm Anh và Mỹ. Việc tuyển lựa thành viên SSG rất khắt khe khi cứ 4 ứng viên là các sỹ quan ưu tú đang phục vụ trong quân đội Pakistan ứng tuyển thì chỉ chọn được 1 người để tiếp tục tham gia khóa đào tạo kéo dài 9 tháng.
Các học viên phải trải qua hàng loạt bài học lý thuyết và thực hành về chiến thuật, kỹ năng chiến đấu tay không, sử dụng các loại vũ khí, nhảy dù, thể lực… tại đa dạng các địa hình từ sa mạc, rừng sâu, đầm lầy cho tới khu vực đô thị hoặc trên biển trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.
Lực lượng đặc nhiệm Sayeret Matkal của Israel
Đây là lực lượng đặc nhiệm của quân đội Israel chuyên làm nhiệm vụ trinh sát, chống khủng bố và giải thoát con tin bên ngoài lãnh thổ Israel. Được thành lập từ năm 1957, Sayeret Matkal quy tụ những sỹ quan ưu tú được tuyển lựa kỹ càng từ những ứng viên xuất sắc đã trải qua khóa huấn luyện sàng lọc kéo dài tới 18 tháng.
Lực lượng đặc nhiệm này bắt đầu tham gia những chiến dịch lớn chỉ ít lâu sau khi được thành lập. Trong đó, vang danh nhất là chiến dịch năm 1960 giải cứu con tin bị bọn khủng bố bắt giữ trên chuyến bay từ Israel tới Uganda tại sân bay Entebbe (Uganda).
Đặc nhiệm EKO của Áo
Đây là lực lượng đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố thuộc quân số của cảnh sát quốc gia Áo, được thành lập từ năm 1972 với biên chế ban đầu là 450 sỹ quan. Trước khi được phiên chế chính thức về các đơn vị, học viên EKO phải trải qua khóa đào tạo 12 tháng về các kỹ năng chiến đấu với vũ khí và tay không, huấn luyện thể lực và chiến thuật, tâm lý, ngoại ngữ… với nhiều bài kiểm tra loại lọc khắt khe.
Sau một thời gian ngắn phục vụ tại đơn vị, sỹ quan EKO được tiếp tục cử tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt phù hợp với khả năng nổi trội của từng người như chuyên gia chất nổ, lặn, trinh sát, bắn tỉa…
Đặc nhiệm Delta của Mỹ
Trước nguy cơ các cuộc khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày càng gia tăng, năm 1977, Mỹ thành lập một lực lượng đặc biệt chuyên trách mang tên Delta. Ngoài nhiệm vụ chính là chống khủng bố, Delta còn tham gia giải cứu con tin, chống bạo loạn, trinh sát và các chiến dịch đặc biệt khác. Đây là lực lượng quy tụ những tinh hoa nhất của các đơn vị khác nhau thuộc quân đội Mỹ.
Tiêu chuẩn cứng cho ứng viên của lực lượng Delta phải là nam quân nhân trên 21 tuổi đang phục vụ trong quân đội Mỹ, cấp hàm thấp nhất là Trung sỹ, được đánh giá thành tích xuất sắc và phải vượt qua được các kỳ sát hạch đầy khắc nghiệt trong khóa huấn tuyển kéo dài 6 tháng mà chỉ số rất ít các ứng viên có thể thành công.
Đặc nhiệm JTF2 của Canada
Được thành lập năm 1993 và được nâng cấp đặc biệt sau sự kiện 11-9-2001, JTF2 trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Canada chuyên trách chống khủng bố và các chiến dịch bí mật. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tuyệt đối an ninh cho Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại Canada năm 2010.
Sỹ quan JFT2 cũng thực hiện nhiều chiến dịch đặc biệt thành công như giải cứu con tin tại Iraq, bắt giữ tội phạm chiến tranh ở Serbia và Bosnia, tấn công sở chỉ huy Taliban ở Afghanistan. Trong một số chiến dịch khác, JFT2 sát cánh cùng đặc nhiệm SEALs của hải quân Hoa Kỳ.
Lực lượng Alpha của Nga
Được thành lập từ những năm 1970 và đã lập nhiều chiến công trong nước, nhưng chiến công vang dội ngoài nước đầu tiên của Alpha được ghi nhận là năm 1985. Biệt kích Alpha được phái cử tới thủ đô Beirut (Li băng) để giải cứu 4 nhà ngoại giao Liên Xô đang bị bọn khủng bố bắt giữ làm con tin.
Đặc nhiệm Alpha cũng vang danh trong các chiến dịch lớn giải cứu con tin bị bọn khủng bố bắt cóc tại Nhà hát Moscow năm 2002 và tại Trường học Beslan năm 2004…
Đặc nhiệm SEALs của Mỹ
SEALs được thành lập năm 1962 và thuộc biên chế Hải quân Mỹ. SEALs lừng danh khắp thế giới với các chiến dịch xuất sắc, trong đó có chiến dịch Ngọn giáo Hải vương vào tháng 5-2011 khi đặc nhiệm SEALs bí mật sử dụng trực thăng di chuyển tới một khu nhà tại Abbottabad (Pakistan) và tiêu diệt thành công Bin Laden, trùm của mạng lưới khủng bố Al Qaeda.
Việc tuyển lựa ứng viên với các điều kiện ngặt nghèo và khóa huấn tuyển kéo dài tới 12 tháng với vô số các bài kiểm tra khác nhau, đảm bảo cho SEALs có được các thành viên ưu tú nhất, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Đặc nhiệm SAS của Anh
Ra đời từ năm 1941, đây là một trong những lực lượng đặc nhiệm có bề dày truyền thống nhất trong thế giới hiện đại. Để trở thành thành viên của SAS, các ứng viên phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt đẩy con người tới giới hạn của sự chịu đựng.
Trong đó có bài thử thách hành quân liên tục 60km với đầy đủ quân trang trong vòng 20 giờ, bơi 2,6km trong 1 giờ 30 phút hoặc chạy 6km trong vòng 30 phút… Căng thẳng nhất là bài kiểm tra cuối cùng thử thách ý chí tột cùng của ứng viên trong suốt 36 giờ đồng hồ liên tục.
Theo Tú Oanh
Cảnh sát toàn cầu