1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

6 vấn đề “nóng” trên bàn nghị sự lãnh đạo Mỹ, Trung

(Dân trí) - Sáu vấn đề “nóng” bao gồm an ninh mạng, Biển Đông, biến đổi khí hậu cho tới nhân quyền, kinh tế và Triều Tiên sẽ nằm trong chương trình nghị sự giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama trong trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của ông Tập vào ngày 25/9.

 


Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama (ảnh: AP)

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama (ảnh: AP)

An ninh mạng

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và các cơ quan chính phủ Mỹ đang là vấn đề nóng hổi trong khi Trung Quốc đang bị nghi là thủ phạm đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm đánh cắp dữ liệu của hàng triệu quan chức chính phủ Mỹ. Các cuộc tấn công này khác xa so với các cuộc tấn công mạng thông thường. Phía Mỹ cáo buộc chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn cho các cuộc tấn công trên vì lợi ích kinh tế của các công ty của Trung Quốc. Tháng 5 năm ngoái, các nhà chức trách Mỹ đã ra phán quyết hình sự đối với 5 kẻ tấn công mạng quốc tịch Trung Quốc với lý do đánh cắp thông tin từ các công ty Mỹ.

 


5 nghi phạm tấn công an ninh mạng (ảnh: AFP)

5 nghi phạm tấn công an ninh mạng (ảnh: AFP)

Biển Đông

Trung Quốc đang thách thức các quốc gia láng giếng trong khu vực khi nước này tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo nhằm tuyên bố chủ quyền về các rặng san hô và các bãi đá ngầm tại Biển Đông. Cho đến nay Bắc Kinh đã bồi đắp khoảng 1.213,8 ha trong vòng hơn 1,5 năm qua, tàn phá môi sinh quanh khu vực bồi đắp. Trong khi đó, Mỹ không nằm trong các nước tham gia tranh chấp tại Biển Đông. Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động bồi đắp trên, cho rằng các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo đang làm gia tăng căng thẳng và đe dọa an ninh hàng hải tại Biển Đông. Các nhà lập pháp Mỹ đã liên tục gây sức ép đối với hải quân Mỹ trong việc triển khai lực lượng tuần tra áp sát các đảo nhân tạo để tỏ rõ Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên.

 


Trung Quốc đang ráo riết xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Trung Quốc đang ráo riết xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

 

Biến đổi khí hậu

Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc xả thải lớn nhất thế giới, tác nhân trực tiếp gây ra quá trình nóng lên của trái đất. Do vậy, vấn đề biến đổi khí hậu sẽ cần hai cường quốc bắt tay nhau để tìm lời giải chung. Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình ra thông báo chung cam kết giảm thải, trong một động thái nhằm hối thúc lãnh đạo các quốc gia khác cùng chung tay để giải quyết vấn đề trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 12 năm nay tại Paris, Pháp nhằm đi đến một hiệp định chung. Trung Quốc và Mỹ đều tuyên bố sẽ nghiên cứu và yêu cầu các thành phố lớn giảm khí thải nhà kính.

 


Biến đổi khí hậu tại bang Alaska, Mỹ (ảnh: AP)

Biến đổi khí hậu tại bang Alaska, Mỹ (ảnh: AP)

Kinh tế

Thương mại hai chiều hàng năm giữa Trung Quốc và Mỹ đạt gần 600 tỷ USD. Điều này cho thấy quan hệ về kinh tế và thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng sâu rộng và cán cân đang nghiêng về phía Bắc Kinh. Mỹ đã từ lâu hối thúc Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào cầu tiêu dùng nội địa thay vì dựa vào xuất khẩu và đầu tư như hiện nay. Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc mở cửa hơn nữa cho các công ty của Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện những bước đi thận trọng về cải cánh kinh tế theo cơ chế thị trường. Sự chậm chạp cải cách trên đã gây ra hệ lụy của sự suy giảm kinh tế nước này. Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường tài chính bằng cách bơm nhiều tỉ USD nhằm ngăn chặn sự suy giảm của thị trường chứng khoán và liên tiếp phá giá Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này khiến giới đầu tư đặt nghi vấn về cách điều hành kinh tế của Bắc Kinh và là nguyên nhân chính gây ra sụt giảm của thị trường tài chính toàn cầu.

Nhân quyền

Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã ngăn cản việc thành lập xã hội dân sự tại Trung Quốc. Đây là một phần của chủ trương của ông nhằm ngăn chặn tự do theo kiểu phương Tây trong một xã hội thịnh vượng và kết nối tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát hoạt động của các nhóm tôn giáo thiểu số tại Tây Tạng và vùng Tân Cương. Trong khi chính quyền Tổng thống Obama lại chỉ trích đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc và hối thúc vào tháng trước rằng Bắc Kinh cần cải thiện vấn đề nhân quyền.

Triều Tiên

Triều Tiên gần đây tuyên bố nối lại thử hạt nhân trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 của Đảng Lao động Triều Tiên cũng như việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Điều này đang gây trở ngại cho mối quan hệ bang giao truyền thống của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh cũng như khiến Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau để tìm lời giải cho vấn đề Triều Tiên. Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thảo luận giải pháp nhằm ngăn chặn sự khiêu khích tiếp theo của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Mỹ muốn Trung Quốc áp dụng các đòn phạt kinh tế Triều Tiên trong khi Trung Quốc lại muốn Mỹ nối lại vòng đàm phán 6 bên cho vấn đề Triều Tiên.

Vũ Duy

Theo AP/SCMP

 

6 vấn đề “nóng” trên bàn nghị sự lãnh đạo Mỹ, Trung - 5