1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

6 năm sau "Mùa xuân Arab": chật vật với xung đột và khủng hoảng

Các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi đang đứng trước đầy khó khăn và bất ổn về chính trị, an ninh và kinh tế sau đợt “càn quét” của “Mùa xuân Arab”.

Như tên gọi ban đầu của làn sóng này là “Cách mạng hoa nhài” nhưng hoa thơm chưa thấy mà chỉ thấy có đổ máu và nước mắt, chiến tranh và xung đột. Dường như kỳ vọng về mùa xuân của người dân ở các quốc gia này vẫn mờ mịt.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi tháng 7/2013. Ông bị quân đội truất quyền sau cuộc đảo chính ngày 3/7/2013. Đây được coi là một dư chấn của Mùa xuân Arab tại Ai Cập. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình phản đối Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi tháng 7/2013. Ông bị quân đội truất quyền sau cuộc đảo chính ngày 3/7/2013. Đây được coi là một "dư chấn" của "Mùa xuân Arab" tại Ai Cập. Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ Tunisia vào cuối năm 2010, cuộc nổi dậy đã lan sang một số quốc gia khác, bao gồm Libya, Ai Cập, Syria, Yemen, Bahrain, Oman, Jordan và Morocco. Tình hình đã vượt ngoài vòng kiểm soát của cộng đồng quốc tế khi các cuộc xung đột vũ trang liên tiếp xảy ra sau đó tại Libya, Syria và Yemen. Sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực đã khiến các quốc gia này phải trả một giá khá đắt về nhân mạng và phúc lợi.

Tính đến nay đã có hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người khác buộc phải rời bỏ nhà cửa bởi các cuộc xung đột vũ trang ở khu vực. Chiến tranh cũng đã tác động tiêu cực, làm tồi tệ thêm tình hình chính trị, kinh tế và xã hội ở các quốc gia này, từ đó khiến các cuộc khủng hoảng tị nạn ngày càng trở nên trầm trọng và khó kiểm soát hơn.

Nhiều quốc gia như Ai Cập, Tunisia rơi vào tình trạng an ninh mất ổn định, kinh tế suy giảm, bộ máy nhà nước yếu kém, pháp luật lỏng lẻo, xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Giới lãnh đạo ngày càng mất ảnh hưởng và niềm tin đối với người dân, trong khi đó hầu hết các nước Arab vẫn bị chia rẽ về chính trị, kinh tế và vai trò của tôn giáo.

Tunisia từng được xem là quốc gia sớm ổn định chính trị sau “Mùa xuân Arab”, nhưng cho đến nay, việc giải quyết các vấn đề nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng vẫn là một bài toán khó.

Trong khi đó, với Ai Cập, mặc dù không để xảy ra chiến tranh, nhưng những hệ quả tiêu cực của làn sóng này đã khiến quốc gia Bắc Phi “chao đảo” khi phải trải qua hai cuộc chính biến vào năm 2011 và năm 2013, kéo theo một nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội bất an và an ninh thiếu đảm bảo. Đó là chưa kể sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố ở bán đảo Sinai và nhiều địa phương trên toàn lãnh thổ Ai Cập.

Nhìn lại những gì đã và đang xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi thì dường như nền văn hóa dân chủ vẫn và sẽ còn là một tương lai bất định đối với những người dân ở khu vực này.

Chật vật đối phó với khủng bố

Ban đầu, phong trào dân chủ kiểu phương Tây mang tên “Mùa xuân Arab” chỉ đơn thuần là tụ tập để trút nỗi thất vọng về những chính phủ kém năng lực và tham nhũng, chứ không có quan điểm chính trị thống nhất.

Tuy nhiên, tình hình đã vượt ngoài vòng kiểm soát của cộng đồng quốc tế khi các cuộc biểu tình biến thành bạo lực vũ trang, nổ ra liên tiếp tại Libya, Syria, Yemen và Ai Cập.

Mùa xuân Arab càn quét qua Syria, để lại một khung cảnh hoang tàn và những cơn mưa bom đến nay vẫn chưa ngớt. Ảnh: AFP.
"Mùa xuân Arab" càn quét qua Syria, để lại một khung cảnh hoang tàn và những cơn mưa bom đến nay vẫn chưa ngớt. Ảnh: AFP.

Cùng với những xung đột về lịch sử, tôn giáo, sắc tộc, văn hóa, lãnh thổ… vốn đã tồn tại từ nhiều năm trước đây nhưng chưa được giải quyết triệt để, thì “Mùa xuân Arab” đã thổi bùng thêm ngọn lửa chiến tranh, tạo ra nhiều lỗ hổng an ninh.

Các nhóm cực đoan lợi dụng diễn biến này để củng cố, phát triển lực lượng, trở thành mối đe dọa chung đối với toàn khu vực.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những toan tính và chính sách can thiệp của các nước lớn... đối với các quốc gia bị khủng hoảng, dẫn tới tình hình an ninh và bất ổn xã hội càng thêm gay gắt hơn.

Hệ quả là bạo lực leo thang và sự can thiệp từ bên ngoài

Syria là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ làn sóng “Mùa xuân Arab”, chủ yếu giữa hai lực lượng là quân đội chính phủ của Tổng thống Al-Assad và phe đối lập. Điều đáng nói ở đây là cả hai cùng nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài - gồm Mỹ, Nga, Iran, Arab Saudi và giờ đây thêm Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, trong suốt 6 năm qua, các cường quốc bên ngoài không những không tạo ra cơ chế kiến tạo hòa bình mà còn khiến cuộc nội chiến tại Syria càng trở nên bế tắc hơn. Theo đó, mỗi khi phe được ủy nhiệm mất lợi thế trên chiến trường, các quốc gia hậu thuẫn bên ngoài lại tăng cường can dự nhằm cân bằng hoặc đảo ngược thế trận.

Sau mỗi lần như vậy, cuộc xung đột lại bị đẩy cao hơn và hậu quả là dân thường ở Syria phải gánh chịu. Số người dân thương vong cũng tăng lên.

Ngoài ra, dù sao Syria vẫn chỉ là một con bài chiến lược tại Trung Đông để các cường quốc bên ngoài xem xét, mặc cả, cho nên nếu trong trường hợp một bên giành thắng lợi trên thực địa thì một lộ trình chính trị cũng chưa thể có ngay một bước thay đổi đột phá.

Như tình hình hiện nay, mặc dù giành được nhiều lợi thế trên thực địa sau khi tái chiếm Aleppo, nhưng sự can thiệp của Nga cũng chỉ đủ để cho chính quyền tổng thống Al-Assad duy trì quyền lực, chứ chưa thể thay đổi hay làm chủ cục diện chính trị./.

Theo PV/VOV-Cairo