1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

5 quốc gia có lục quân mạnh nhất thế giới đến năm 2030

(Dân trí) - Tạp chí National Interest mới đây đã đưa ra danh sách 5 quốc gia có lực lượng lục quân mạnh nhất thế giới trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030.

(Ảnh minh họa: Conservative Post)
(Ảnh minh họa: Conservative Post)

Để đưa ra bảng xếp hạng 5 quốc gia có lực lượng lục quân mạnh nhất thế giới từ nay đến năm 2030, chuyên gia quân sự Robert Farley của tạp chí National Interest đã căn cứ trên ba tiêu chí, cũng là ba câu hỏi đặt ra đối với lực lượng lục quân của các nước, gồm: Khả năng tiếp cận với các nguồn lực quốc gia, trong đó có nền tảng công nghệ sáng tạo tới đâu? Có hay không sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan trong bộ máy chính trị mà không can thiệp tới tính độc lập của tổ chức? Khả năng tiếp cận với các bài tập trải nghiệm, cơ hội để học hỏi và sáng tạo trong điều kiện thực địa như thế nào?

Sau khi xem xét tất cả các yếu tố nêu trên, 5 quốc gia gồm Ấn Độ, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc đã được đưa vào danh sách những nước có lực lượng lục quân mạnh nhất tới năm 2030.

Ấn Độ

Lục quân Ấn Độ (Wikipedia)
Lục quân Ấn Độ (Wikipedia)

National Interest đánh giá lục quân Ấn Độ hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với những lực lượng tác chiến trên bộ tinh nhuệ nhất thế giới tới năm 2030. Lục quân Ấn Độ đã triển khai nhiều chiến dịch với cường độ tác chiến cao ở cả trong và ngoài nước. Nếu như ở trong nước, lực lượng này phải kiểm soát và dập tắt các cuộc nổi loạn cũng như những chiến dịch quy mô nhỏ thì ở nước ngoài, lục quân Ấn Độ phải đương đầu với quân đội nước láng giềng Pakistan trong những trận chiến căng thẳng và phức tạp. Tất cả những điều này đã giúp Ấn Độ phát triển lực lượng quân lớn mạnh, trở thành một công cụ hiệu quả trong chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia.

Tuy nhiên, quân đội New Delhi có một điểm yếu đó là về chất lượng vũ khí. Hiện dàn vũ khí của Ấn Độ vẫn còn khá lạc hậu so với các đối thủ trong khu vực dù đã được tiếp cận với hầu hết công nghệ quân sự hiện đại trên thế giới. Nga, châu Âu, Israel và Mỹ đã bán vũ khí cho Ấn Độ, từ đó góp phần giúp các tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong nước phát triển mạnh hơn. Trong tương lai, lục quân Ấn Độ sẽ được tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại hơn dù lực lượng này phải cạnh tranh với lực lượng hải quân và không quân.

Pháp

Lục quân Pháp (Ảnh: AFP)
Lục quân Pháp (Ảnh: AFP)

Trong số các nước châu Âu, Pháp nhiều khả năng vẫn được xem là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ và thiện chiến nhất so với các nước còn lại, bởi Pháp vẫn phải đóng một vai trò then chốt trong nền chính trị thế giới. Vì vậy, Pháp rất cần lực lượng lục quân hùng mạnh và hiệu quả để có thể làm tốt vai trò này. Bên cạnh đó, Pháp sẽ nắm quyền kiểm soát lớn hơn trong hệ thống an ninh và quân đội của liên minh châu Âu, nên việc xây dựng một lực lượng quân đội phát triển mạnh càng mang ý nghĩa nhiều hơn với Paris.

Các doanh nghiệp quốc phòng của Pháp vẫn hoạt động mạnh, cả trong lĩnh vực xuất khẩu và cung cấp nội địa. Lục quân Pháp được trang bị hệ thống liên lạc và chỉ huy tối tân, đóng vai trò nòng cốt trong các lực lượng đa phương của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, lục quân Pháp còn được cấp nhiều thiết bị công nghệ hiện đại dùng cho các hoạt động tác chiến trên chiến trường như xe tăng và pháo binh.

Lục quân Pháp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu thông qua các chiến dịch từ cường độ thấp tới cao. Ngoài ra, lực lượng này còn nhận được sự hỗ trợ từ 2 lực lượng tinh nhuệ khác là thủy quân lục chiến và không quân Pháp.

Nga

Lục quân Nga (Ảnh: Moscow Times)
Lục quân Nga (Ảnh: Moscow Times)

Vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, lục quân Nga gặp nhiều khó khăn do không thể tiếp cận các nguồn lực chủ yếu, suy giảm ảnh hưởng chính trị và thiếu hụt nhân lực. Ngoài ra, số lượng vũ khí mà lực lượng này tiếp nhận được cũng rất ít ỏi và lạc hậu do các tổ hợp công nghiệp quốc phòng từng hậu thuẫn Hồng quân Liên Xô trước đó bị suy sụp.

Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế Nga cũng cho phép quân đội được đầu tư bài bản hơn. Việc cải cách, đặc biệt trong lực lượng tinh nhuệ, đã giúp Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Chechnya, sau đó đánh bại quân đội Gruzia vào năm 2008 và gần đây nhất là sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Lực lượng lục quân hiện vẫn đóng vai trò trung tâm trong chính sách quản lý của Nga đối với các nước láng giềng. Đến năm 2030, lục quân Nga sẽ vẫn là một lực lượng tinh nhuệ dù phải đối mặt với một số vấn đề. Khả năng tiếp cận với các công nghệ cao và duy trì nguồn nhân lực là hai trong số những vấn đề mà Moscow sẽ phải tính đến nếu muốn phát triển lực lượng lục quân. Mặc dù vậy, các nước láng giềng vẫn phải tiếp tục để mắt tới và cảnh giác trước sức mạnh và quy mô của lục quân Nga trong thời gian dài.

Mỹ

Lục quân Mỹ (Ảnh: Sputnik)
Lục quân Mỹ (Ảnh: Sputnik)

Lục quân Mỹ đã được xem là đại diện cho tiêu chuẩn vàng về lực lượng tác chiến trên bộ từ sau năm 1991. Từ đó tới nay, lục quân Mỹ chủ yếu tham gia các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan, còn lực lượng đặc nhiệm được điều động tới các chiến trường xa hơn nhiều.

Trong tương lai, lục quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục được tiếp cận với một hệ thống công nghệ quân sự khổng lồ. Mặc dù phải chia sẻ nguồn lực với hải quân, không quân và thủy quân lục chiến nhưng lục quân Mỹ vẫn được đầu tư nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại. Hầu hết các vũ khí và trang thiết bị từ thời Chiến tranh Lạnh đều được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn tác chiến thời kỳ mới, đó là chiến tranh mạng hiện đại.

Lục quân Mỹ vẫn là lực lượng có số máy bay trinh sát không người lái lớn nhất thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, lục quân Mỹ đã có 15 năm kinh nghiệm chống khủng bố và hàng loạt các chiến dịch khác. Như vậy, đến năm 2030, lục quân Mỹ sẽ vẫn nằm trong nhóm lực lượng bộ binh hùng mạnh nhất thế giới.

Trung Quốc

Lục quân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Lục quân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Lực lượng lục quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã trải qua quá trình cải cách và đang tham vọng trở thành một lực lượng hiện đại.

Theo đó, lục quân Trung Quốc đã thực hiện các các dự án hiện đại hóa các trang thiết bị, huấn luyện trên thực địa và chuyên nghiệp hóa từng bước. So với lục quân Mỹ, lục quân Trung Quốc không được đầu tư nhiều bằng, nhưng Trung Quốc có lợi thế là nguồn nhân lực gần như không bao giờ bị hạn chế.

Quân đội Trung Quốc được đánh giá là thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Mặc dù vậy, trong tương lai, lục quân Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh với chương trình cải cách quân đội và hiện đại hóa về trang thiết bị cũng như vũ khí chiến đấu, từ đó có thể bám đuổi lục quân Mỹ và các nước đối thủ khác.

Thành Đạt

Theo National Interest