1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 diễn biến chính trong chiến dịch không kích tròn 1 năm của Nga tại Syria

(Dân trí) - Vào đúng ngày 30/9 một năm về trước, Nga đã mở chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria theo đề nghị của Damascus. Trong khi tiêu diệt hàng nghìn phần tử khủng bố, Nga cũng hứng chịu các tổn thất về quân sự, nhưng cũng trở thành một trong những lực lượng đi đầu trong các nỗ lực tiến tới tiến trình tái hòa giải dân tộc.


Máy bay Nga ném bom các mục tiêu khủng bố tại Syria (Ảnh: EPA)

Máy bay Nga ném bom các mục tiêu khủng bố tại Syria (Ảnh: EPA)

Các máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu khủng bố tại Syria bắt đầu từ ngày 30/9/2015, tấn công các vị trí của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) gần thành phố Homs và Hama.

Vào thời điểm đó, liên quan do Mỹ đứng đầu đã hoạt động tại Syria trong hơn 1 năm. Tuy nhiên, Nga là quốc gia duy nhất nhận được đề nghị chính thức từ Tổng thống Syria Bashar Assad nhằm tiến hành các cuộc không kích tại nước này. Các máy bay của Nga xuất kích từ căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia.

Giải phóng thành cổ Palmyra

Trong chiến dịch quân sự, Không quân Nga đã hỗ trợ quân đội Syria giải phóng một trong những thành phố then chốt của nước này và một di sản thế giới - Palmyra. Thành cổ này đã nằm dưới sự kiểm soát của IS kể từ tháng 5/2015 trước khi các lực lượng chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Nga giành lại nó hồi tháng 3/2016.

Phiến quân IS đã phá hủy nhiều địa điểm lịch sử trong thời gian chiếm đóng thành phố, trong khi gài mìn khắp các con đường, quanh nhà cửa và các công trình lịch sử. Các lực lượng Nga và Syria đã vô hiệu hóa hàng nghìn quả mìn kể từ khi Palmyra được giải phóng.


Thành cổ Palmyra đã bị hư hại một phần sau khi bị chiếm đóng (Ảnh: Time)

Thành cổ Palmyra đã bị hư hại một phần sau khi bị chiếm đóng (Ảnh: Time)

Vụ bắn rơi Su-24

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là một cú sốc đối với chiến dịch can thiệp quân sự của Nga. Vụ tấn công đã khiến một phi công thiệt mạng, trong khi phi công thứ 2 được cứu sống. Thổ Nhĩ Kỳ nói máy bay Nga vi phạm không phận, nhưng Moscow nói Su-24 bị tấn công trên biên giới Syria. Vụ việc đã dẫn tới sự “đóng băng” trong quan hệ giữa Ankara và Moscow. Cuối cùng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xin lỗi về vụ tấn công trong một tuyên bố bằng văn bản, mở đường để hai nước bình thường hóa quan hệ.

Chiến dịch không kích của Nga tại Syria cũng khiến Moscow mất thêm 3 trực thăng, một trong số đó là bị bắn rơi tại tỉnh Idlib hồi tháng 7.

Máy bay Su-27 của Nga không kích các mục tiêu khủng bố tại Syria

Giảm hiện diện quân sự

Vào ngày 15/3, Tổng thống Putin đã yêu cầu rút phần lớn các máy bay chiến đấu và quân nhân khỏi Syria, thông báo rằng phần chính của chiến dịch tại Syria đã kết thúc.

Khi đó, giới chức cho biết các máy bay Nga đã tiến hành trên 7.000 cuộc không kích, phá hủy nhiều mục tiêu của các phần tử khủng bố và tiêu diệt 13.000 kẻ khủng bố. Các đơn vị còn lại của Không quân Nga tiếp tục trợ giúp quân đội chính phủ Syria chiến đấu với khủng bố trên khắp cả nước.

Trợ giúp nhân đạo

Trong chiến dịch tại Syria, Nga đã thiết lập Trung tâm Tái hòa giải tại quốc gia Trung Đông, với nhiệm vụ trợ giúp giám sát việc chấm dứt các hành động thù địch và thực thi các đề xuất hòa bình quốc tế trên bộ.

Vào tháng 7 năm nay, trung tâm trên và chính phủ Syria đã mở 3 hành lang an toàn để phục vụ các dân thường muốn rời khỏi thành phố Aleppo, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Moscow cũng vận chuyển hàng chục nghìn tấn hàng viện trợ tới Aleppo.

Binh sĩ Nga vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Aleppo

Tiến trình hòa bình

Song song với việc chiến đấu với các phần tử khủng bố, Nga đã phối hợp với Mỹ trong việc đàm phán một giải pháp chính trị cho thế bế tắc tại Syria. Sau các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài ở Geneva hồi tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.

Thỏa thuận, có hiệu lực ngày 27/2, bao gồm việc dừng các hành động quân sự ở cả hai phía, chính phủ Syria và phe nổi dậy. Tuy nhiên, chỉ tuần sau đó, thỏa thuận đã đổ vỡ.

Một thỏa thuận ngừng bắn mới đã được Ngoại trưởng Nga và Mỹ thông báo tại Geneva hôm 9/9. Thỏa thuận này nằm trong một kế hoạch hòa bình lớn hơn, vốn cũng bao gồm việc trợ giúp nhân tạo, đặc biệt tại Aleppo. Tuy nhiên, thỏa thuận này, có hiệu lực vào ngày 12/9, lại một lần nữa đổ vỡ khi quân đội chính phủ và phe nổi dậy tố nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

An Bình

Theo RT