1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 bài học sớm từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản

(Dân trí) - Nhật Bản đang chạy đua để ngăn chặn 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy sau trận động đất và sóng thần hồi tuần trước. Đây là một thách thức gần như không thể hình dung ra được.

 
5 bài học sớm từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản - 1

Nhà máy hạt Fukushima I trong một bức ảnh năm 2008.

Một tai nạn tương tự đã xảy ra tại một lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử “Three Mile Island” ở bang Pennsylvania, Mỹ nhiều năm về trước, nhưng nỗ lực cứu hộ của Nhật Bản đang diễn ra trong các điều kiện không khác gì một chiến trường.

Các lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy Fukushima I và II đã tự động ngừng hoạt động sau động đất. Nhưng do nguồn điện bên ngoài bị mất và các thiết bị dự phòng tại chỗ bị hư hỏng do sóng thần, các hệ thống làm mát khẩn cấp không hoạt động. Điều này đã khiến giới chức Nhật Bản phải ứng biến và tìm các biện pháp khác để giữ các lò phản ứng không quá nóng, ngăn áp suất gia tăng bên trong các thùng chứa nhiên liệu và ngăn các lõi lò phản ứng tan chảy đáng kể.

Dưới đây là 5 bài học sớm mà thế giới có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.

- Thế giới cần xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân hiện đại. Các quốc gia cần xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân sử dụng công nghệ mới nhất, an toàn nhất và các tiêu chuẩn cấp phép cần được nâng cấp thường xuyên. Các lò phản ứng tại Fukushima đã 40 năm tuổi và giới chức Nhật Bản cho tới nay chưa từng bật đèn xanh cho việc xây dựng các lò phản ứng mới. Hồi tháng 2, chính phủ Nhật còn chuẩn bị cho phép các lò phản ứng nhiều tuổi nhất tại nhà máy Fukushima hoạt động thêm 10 năm nữa khi giấy phép hết hạn vào năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ, 2 cường quốc có kế hoạch đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân, đang sử dụng các thiết kế 25 năm tuổi cho việc xây dựng các lò phản ứng mới.

- Các nước không nên quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Trận động đất hồi tuần trước và một trận động đất khác năm 2007 đã gây mất điện tại 15 trong tổng số 17 lò phản ứng do Công ty điện Tokyo vận hành tại 2 địa điểm ở phía bắc Nhật Bản. Nếu một đất nước phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hạt nhân để sản xuất điện, một tai nạn hạt nhân lớn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung điện. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể đối mặt với sức ép lớn nhằm tiếp tục vận hành các lò phản ứng dưới các điều kiện không an toàn nếu một nước quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.

- Phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân đòi hỏi các nguồn lực và hiểu biết chuyên môn. Với mối đe dọa về sự ấm lên của khí hậu toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, năng lượng hạt nhân ngày càng được quan tâm. Hàng chục quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tới việc khởi động các chương trình năng lượng hạt nhân và các nhà điều hành hiện thời đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động. Nhưng cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản đã cho thấy rằng việc sản xuất điện bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi phải có chuyên môn, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm quản lý tốt nhất và các nguồn lực sẵn có. Các nhà máy mới phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết cần thiết về sự an toàn và hợp tác quốc tế cần đảm bảo rằng các nhà máy có thể đứng vững trong các trường hợp khẩn cấp.

- Các công ty và quốc gia phải lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Cả hai trận động đất từng làm ảnh hưởng tới công ty điện Tokyo đều mạnh hơn những gì con người có thể tưởng tượng. Rõ ràng là cần phải đánh giá lại xem các phân tích rủi ro địa chấn đã được thực hiện như thế nào để đảm bảo rằng các nhà máy hạt nhân được xây dựng có thể vượt qua các mối đe dọa tồi tệ nhất mà các nhà máy phải đối mặt.

- Các mối lo ngại an toàn không được đặt sau sản xuất năng lượng hay uy tín. Đối với nhiều quốc gia hạt nhân mới - đặc biệt là những nước đang đối mặt với nhu cầu năng lượng cấp bách, mong muốn có được nhà máy điện hạt nhân mới đi vào hoạt động càng nhanh càng tốt là rất lớn. Những mặt trái của các chương trình hạt nhân, vốn không đóng góp vào lợi nhuận hay tạo ra điện - như việc quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải, sự sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp - không thể bị xem nhẹ bởi các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp đang mong muốn đạt được các kết quả sớm hoặc tiết kiệm tiền.

Do ảnh hưởng toàn cầu của các thảm họa hạt nhân, các nước phải đảm bảo rằng các nhà khai thác hạt nhân có thể xử lý hiệu quả những sự cố không thể báo trước và thậm trí từ bên ngoài vốn có thể ảnh hưởng tới các nhà máy của họ. Cần có thời gian mới hiểu được toàn bộ quy mô của cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản, nhưng có những bước đi có thể thực hiện ngay hôm nay để các chương trình hạt nhân của thế giới trở nên an toàn hơn.

An Bình
Tổng hợp