1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

4 điểm đáng chú ý từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024

Nguyên Long

(Dân trí) - Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện 2024 đã làm "rung chuyển" chính trường nhiều nước châu Âu, khiến diện mạo đời sống chính trị của châu lục này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong ít nhất 5 năm tới.

4 điểm đáng chú ý từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 - 1

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (giữa) và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2024 (Ảnh: Euro News).

Kết quả bầu cử Nghị viện Liên minh châu Âu năm 2024 đã tạo ra những thay đổi lớn trên chính trường EU với sự gia tăng đáng kể của các đảng phái cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, tiềm ẩn sự phân cực gia tăng trong nội khối, sự khó khăn trong thời gian tới đối với việc thông qua các chính sách quan trọng nhất là an ninh, di trú và môi trường cùng vai trò và vị thế của liên minh châu Âu trên trường quốc tế, cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tối 9/6 giờ địa phương, 27 quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2024 .

Số liệu cập nhật kết quả bầu cử EP đến ngày 11/6 cho thấy, đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm trung hữu, tiếp tục giữ vị trí lớn nhất với 189 ghế, tăng 13 ghế so với kỳ bầu cử trước; Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D), khối trung tả, đứng thứ hai với 135 ghế, giảm 4 ghế; Nhóm Đổi mới châu Âu (RE), khối trung dung, chứng kiến sự sụt giảm mạnh, chỉ còn 80 ghế, mất 22 ghế so với kỳ trước; Nhóm Cải cách và Đổi mới châu Âu (ECR), nhóm bảo thủ, giữ 76 ghế, tăng nhẹ so với kỳ trước; Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), nhóm cực hữu, đạt 58 ghế, tăng 9 ghế. Trong khi đó, Nhóm Xanh (EFA) bị tổn thất nặng, giảm còn 52 ghế, mất 18 ghế so với kỳ trước.

Kết quả bầu cử cho thấy, EP khóa mới sẽ có nhiều thành viên cánh hữu hơn bao giờ hết, chiếm gần 1/4 trong tổng số 720 ghế.

Đây được coi là kết quả bất ngờ, tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện chính trị của EU, đồng thời làm "rung chuyển" chính trường một loạt các quốc gia thành viên EU, trong đó có các đảng, liên minh cầm quyền tại các nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Áo, Hà Lan, Bỉ, Séc và Slovakia....

Theo kế hoạch, trong những tuần tới các nhóm nghị viên sẽ được thành lập để tham gia Phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp châu Âu khóa 10, dự kiến tổ chức từ ngày 16 đến 19/7 tại trụ sở của EP tại thành phố Strasbourg của Pháp. Nhiệm vụ quan trọng là bầu ra Chủ tịch Nghị viện và các Phó Chủ tịch khóa mới, đồng thời quyết định số lượng đại biểu của mỗi ủy ban trực thuộc; bầu Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu (EC) và xem xét ứng cử viên cho các vị trí ủy viên trong thể chế này.

Hiện, các chính đảng lớn tại EU đang bắt đầu cuộc đua tìm kiếm liên minh mới trong bối cảnh chính trị khó khăn hơn bao giờ hết với sự hiện diện đông đảo của các đảng phái cực hữu.

Thấy gì từ kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu?

Mặc dù EP có quyền lực tương đối hạn chế trong các chính sách về đối ngoại, an ninh và quốc phòng, nhưng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, định hình các cuộc tranh luận chính trị và phân bổ nguồn lực tài chính. EP là trụ cột của hệ thống lập pháp EU và các đạo luật được thông qua tại cơ quan này có giá trị tại tất cả 27 quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia thành viên chỉ được siết chặt thêm chứ không được phép nới lỏng các quy định đã được thông qua tại EP và chính điều này đã tạo nên sức mạnh chung vốn có của EU trong suốt thời gian qua.

Kết quả bầu cử EP vừa qua đã tạo ra những rung chuyển lớn trên chính trường châu Âu với sự gia tăng đáng kể của các đảng phái cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, cho thấy những bất ổn về chính trị, những khó khăn về kinh tế, đồng thời dự báo nhiều thay đổi và thách thức mà liên minh sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Thứ nhất, mặc dù nhóm trung hữu EPP, trung tả S&D và khối Renew vẫn là ba đảng lớn nhất trong EP nhưng sự trỗi dậy của các nhóm cực hữu, dân tộc chủ nghĩa cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng đối với các chính sách hiện tại của EU, nhất là trong các vấn đề liên quan đến di trú, an ninh và kinh tế. Mặc dù không giành số ghế cao nhất tại EP, các đảng cực hữu lại giành số phiếu cao nhất ở Pháp, Italia, Áo và cao thứ nhì ở Đức.

Các chuyên gia cho rằng, phe cực hữu đã nắm bắt được tâm lý của cử tri châu Âu về những mối lo ngại liên quan đến chi phí sinh hoạt, vấn đề nhập cư, chi phí của quá trình chuyển đổi xanh đối với nền kinh tế cũng như sự bất mãn với việc xử lý của EU đối với căng thẳng địa chính trị hiện nay, nhất là liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Do đó, phe cực hữu đã đưa ra những hứa hẹn với cử tri về giải pháp thay thế và khiến họ được lòng cử tri.

Tại nhiều thành phố lớn như Berlin, Paris và Madrid, nhiều người dân và các nhóm nhân quyền đã tổ chức biểu tình để phản đối kết quả bầu cử do lo ngại sự gia tăng của các đảng phái cực hữu có thể dẫn đến việc thắt chặt các chính sách về di trú và tăng cường các biện pháp an ninh hà khắc, từ đó ảnh hưởng đến các vấn đề về nhân quyền, dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền lợi của người di cư và các nhóm thiểu số cũng như tác động lớn đến sự đa dạng văn hóa vốn có của EU.

Thứ hai, kết quả bầu cử cho thấy sự phân cực ngày càng gia tăng trên chính trường EU. Sự cách biệt giữa phe cực hữu với phe trung dung và cánh tả bị thu hẹp sẽ khiến cho việc thông qua các qua các dự luật chung của châu Âu, nhất là đối với các vấn đề liên quan đến di trú và an ninh trở nên khó khăn. Các đảng phái cực hữu, với lập trường cứng rắn về di trú và an ninh có thể không đồng thuận với các đảng phái trung dung và tiến bộ vốn ủng hộ các chính sách nhân đạo và bảo vệ quyền lợi của người di cư.

Sự suy giảm đáng kể của phe cánh tả và đảng Xanh nhiều khả năng sẽ khiến Thỏa thuận Xanh châu Âu vấp phải sự tranh luận kịch liệt trong những tháng tới bởi phe cực hữu và dân tộc chủ nghĩa vẫn luôn bất mãn với dự án chống biến đổi khí hậu này.

Thứ ba, tiến trình mở rộng của EU sẽ trở nên phức tạp hơn bởi nhiều nhà lãnh đạo EU đã thể hiện rõ quan điểm cần tiến hành các cải cách đồng thời với quá trình mở rộng liên minh, bao gồm việc chuyển sang bỏ phiếu đa số trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính sách thuế và chính sách đối ngoại, thay vì dựa trên nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp khó do các đảng cánh hữu và cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc thường phản đối các cải cách này vì coi là làm xói mòn chủ quyền quốc gia.

Nhà phân tích Mario Bikarski và Laurent Balt thuộc Công ty tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) đánh giá, chính sách mở rộng của EU sẽ vẫn tiếp tục được thảo luận nhưng ý chí chính trị yếu và chính sách chủ nghĩa dân tộc của nhiều quốc gia thành viên có thể ngăn cản việc chấp nhập thêm thành viên mới trong nhiệm kỳ tiếp theo. Hơn nữa, tiến độ đàm phán gia nhập EU khá chậm, do đó, nhiều khả năng trong 5 năm tới liên minh chưa chắc đã kết nạp thêm được thành viên mới.

Thứ tư, về vấn đề kinh tế, những thay đổi của EP vẫn có tác động đáng kể lên chính sách kinh tế của liên minh. Các chuyên gia dự báo mặc dù châu Âu vẫn là một nền kinh tế mở, phụ thuộc vào thương mại nhưng EC và EP nhiệm kỳ mới có thể sẽ tiếp tục xu hướng chủ nghĩa bảo hộ và can thiệp nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chiến lược. Châu Âu những năm tới được cho sẽ cứng rắn hơn trong các chính sách bảo hộ kinh tế, phòng vệ thương mại, kiểm soát xuất khẩu, tăng thuế carbon ở biên giới, thậm chí là bãi bỏ các hiệp định đã ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác bên ngoài.

Nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định, sự thắng thế của phe cực hữu trên chính trường châu Âu sẽ dẫn đến nhiều rào cản thương mại hơn giữa EU và Trung Quốc.

Tác động đối với khu vực

Sự bất ổn về chính trị và kinh tế của EU có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa liên minh với các nước láng giềng trong khu vực như Na Uy, Thụy Sĩ và các nước Balkan, khiến các nước này phải có những điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Mặc dù các nước như Na Uy, Thụy Sĩ không phải là thành viên EU nhưng họ có mối quan hệ chặt chẽ với liên minh thông qua các hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế. Sự bất ổn của EU có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ này và làm giảm mức độ tin cậy của các hiệp định và thỏa thuận hiện có.

Trong khi đó, các nước Balkan đang trên tiến trình gia nhập EU có thể phải đối mặt với các thách thức mới trong quá trình đàm phán và hội nhập. Đặc biệt, sự gia tăng của các đảng phái cựu hữu trên chính trường EU có thể sẽ làm chậm quá trình mở rộng liên minh, đồng thời tạo ra các khó khăn cho các quốc gia muốn gia nhập trong việc đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của EU.

Hơn nữa, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự bất ổn về kinh tế và chính trị của EU, các quốc gia láng giềng có thể tăng cường quan hệ song phương với các thành viên cụ thể của liên minh; từ đó thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận thương mại và hợp tác song phương nhằm duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị cũng như giảm sự phụ thuộc vào các quyết định chung của EU.

Về xung đột Nga - Ukraine, Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) đánh giá, kết quả cuộc bầu cử EP 2024 khó có thể có tác động ngay lập tức đến sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine bởi nhiều nghị sĩ bảo thủ đang ủng hộ Kiev.

Tuy nhiên, về lâu dài, sự gia tăng các đảng phái cực hữu trên chính trường EU có thể làm suy yếu sự thống nhất của liên minh đối với các biện pháp với Nga, từ đó tạo ra nhiều khó khăn hơn cho Ukraine trên chiến trường. Các đảng phái cực hữu trong EU thường có quan điểm thân Nga hoặc ít có cam kết hơn trong việc hỗ trợ Ukraine. 

Giáo sư Panayiotis Ioakimidis, chuyên gia về các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Athens (Hy Lạp), nhận định sự thắng thế của làn sóng cực hữu, đặc biệt ở Pháp và Đức sẽ tác động lớn tới sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine và mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn khi quá trình bầu chọn các vị trí lãnh đạo tại Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu hoàn tất.

Trong khi đó, đa số các chuyên gia đánh giá, sự hội nhập kinh tế của Ukraine sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Các đảng cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc sẽ khó có thể ủng hộ việc Ukraine tiếp cận thị trường nhiều hơn nếu việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của các cử tri mà họ coi là quan trọng như nông dân. Bên cạnh đó nhiều đảng cực hữu cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine bởi họ quan điểm rằng, những khoản này nên dành chi vào việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động EU hơn.

Mặc dù chính sách của EU đối với Ukraine không phải được quyết định bởi sự phân bổ của các đảng phái trong EP mà là lập trường của các quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào về ủng hộ của EU đối với Ukraine cũng sẽ tác động đến các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở nước này.