1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2.000 người biểu tình phản đối căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Australia

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Ít nhất 2.000 người dân bang New South Wales, Australia đã tham gia biểu tình phản đối việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại cảng Kembla.

2.000 người biểu tình phản đối căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Australia - 1

Người dân Australia biểu tình phản đối dự án xây căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Cảng Kembla, bang New South Wales (Ảnh: News.com.au).

Reuters hôm 6/5 đưa tin ít nhất 2000 người dân bang New South Wales, Australia đã tham gia cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại Cảng Kembla, cách thành phố Sydney khoảng hơn 100km. Căn cứ này là một phần của thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân lịch sử trị giá khoảng 244 tỷ USD mà chính phủ Australia ký kết với Mỹ và Anh.

Theo một số nguồn tin, cuộc biểu tình này được tiến hành do người dân địa phương không muốn căn cứ tàu ngầm hạt nhân ảnh hưởng tới kinh tế địa phương. Theo Reuters, Cảng Kembla hiện là cảng xuất khẩu than lớn thứ 2 Australia.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles xác nhận quyết định cuối cùng về địa điểm xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân của nước này vẫn chưa được đưa ra.

Trước đó, vào ngày 15/9/2021, Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa 3 nước lấy tên là AUKUS. Trong thỏa thuận này, Australia sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai, với ít nhất 8 tàu ngầm dự kiến được chuyển giao.

Các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm được cấp năng lượng bằng lò phản ứng hạt nhân. Theo dự kiến, hạm đội tàu ngầm này sẽ được bàn giao cho Australia vào đầu những năm 2040.

Tuy nhiên, AUKUS cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp khi Australia hủy thỏa thuận mua các tàu ngầm của Paris trị giá hàng tỷ USD. Pháp cũng cho rằng, việc Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm đã "đi ngược lại tinh thần của sự hợp tác giữa 2 bên".

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ liên minh AUKUS cùng hợp đồng mua tàu ngầm hạt nhân của Australia với luận điểm hạm đội tàu ngầm này sẽ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh hàng hải của Bắc Kinh tại khu vực Nam Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc mua sắm thêm tàu ngầm, chính phủ Australia sẽ chi ít nhất 10 tỷ AUD để xây dựng một căn cứ mới cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân tương lai của nước này.

Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1990 Australia xây dựng một căn cứ quân sự có quy mô lớn như vậy. Bộ Quốc phòng nước này đã chọn ra 3 phương án về địa điểm ở bờ Đông nước này gồm Newcastle và Cảng Kembla ở bang New South Wales hoặc Brisbane ở bang Queensland.

Theo Reuters