1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

15 năm, Nga và thế giới thay đổi thế nào với Putin?

Phe chỉ trích nói ông dẫn dắt đất nước bằng con đường chuyên quyền. Bên ủng hộ biết ơn sự ổn định mà ông mang lại sau thời Yeltsin và cách đối đầu với phương Tây.

Putin "rộng cửa" làm tổng thống nhiệm kỳ bốn?

Những ngày trước khi đắc cử Tổng thống Nga năm 2000, Vladimir Putin từng nói với hãng BBC rằng, Nga là một phần "văn hóa châu Âu" và "không loại trừ" khả năng gia nhập NATO.

Putin và các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị APEC ở Trung Quốc. (Ảnh:
Putin và các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị APEC ở Trung Quốc. (Ảnh: EPA)
15 năm kể từ khi ông nắm quyền lực, nước Nga hoàn toàn thay đổi. Một nước Nga khẳng định vị thế trên trường quốc tế với tiếng nói đáng kể, nhưng cũng phải đối mặt với sự cô lập, cấm vận và thậm chí khả năng xảy ra cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong nước, dù kinh tế suy giảm nhưng đương kim Tổng thống vẫn giành được tỉ lệ ủng hộ cao hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Kremlin nào - 86% trong tháng 2.

Dù bất mãn hay yêu mến Putin cũng khó có thể phủ nhận rằng, ông có ảnh hưởng lớn với nước Nga và thế giới.

Ukraina, Grudia và vùng lân cận

Cuộc xung đột Ukraina đã phá vỡ mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Một số nhà phân tích chỉ ra nó là ví dụ mới nhất việc ông Putin đang khẳng định "quyền" của Nga ở khu vực từng là sân sau - gọi là vùng lân cận.

Những người từng bất ngờ về việc Putin sáp nhập Crưm có thể còn nhớ rằng: sáu năm trước, ông đã đặt ra cái gọi là "học thuyết Putin" ở Grudia. Nghĩa là Nga sẽ sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình trong phạm vi ảnh hưởng ngày càng bị thu hẹp vì NATO.

Canh bạc Ukraina rủi ro hơn Crưm. Dư luận chắc chắn ủng hộ chuyện sáp nhập Crưm nhưng không phải là ở Donetsk và Luhansk.

Các biện pháp cấm vận khiến giá dầu lao dốc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Nga. Putin ở cương vị lãnh đạo đất nước, đã đạt được ít nhiều mục tiêu chiến lược, nhưng không có nghĩa không phải trả giá.

Đối lập với NATO

Dưới thời Yeltsin, Nga theo đuổi một chính sách hợp tác miễn cưỡng với NATO. Nhưng tất cả đã thay đổi dưới thời Putin. Kể từ buổi phỏng vấn đầu tiên với BBC, Putin đã nhấn mạnh rằng, sự mở rộng về phía đông của NATO là một mối đe dọa với nước ông.

Giờ đây, Moscow cuối cùng đã có sức mạnh quân sự để đẩy lùi ảnh hưởng của NATO. Theo một báo cáo hồi tháng 11/2014 về sự gia tăng số lần đụng độ quân sự giữa Nga, Phương Tây, NATO đã huy động máy bay chiến đấu chặn máy bay Nga hơn 100 lần tính đến tháng 10 năm ngoái, gấp 3 lần năm 2013.

Sự quyết liệt của Nga khiến Ba Lan và các nước vùng Baltics và cả Bắc Âu lo lắng. Thậm chí, Thụy Điển và Phần Lan cũng bắt đầu cân nhắc khả năng gia nhập NATO.

Lập trường của Putin được sự ủng hộ lớn ở Nga, và cả ở một số phương Tây - những người tin rằng, NATO tồn tại chỉ để đối phó với những bất an tạo ra từ chính sự tồn tại của khối.

Kinh tế

Khi Putin bước vào nhiệm sở, Nga vừa thoát khỏi mớ hỗn loạn của những cải cách thị trường năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính 1998. Vị tổng thống mới trong khi cắt giảm thuế cho doanh nghiệp thì lại khôi phục quốc hữu hóa một số lĩnh vực chính.

Khi giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chính của Nga - tăng mạnh, Nga bước vào một kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng thấy và Putin được ghi nhận vì điều đó. Thực tế thu nhập khi đó gấp đôi từ 1999 với 2006.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của Nga xuống còn một nửa. Moscow không đạt được nhiều tiến bộ trong việc đa dạng hóa nền kinh tế hay hiện đại hóa các ngành công nghiệp Nga. Thậm chí trước khi giá dầu sụt giảm và phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế vì cuộc khủng hoảng Ukraina thì nền kinh tế Nga cũng bị dự đoán sẽ trì trệ lâu dài.

Mặc dù Putin gần đây cho rằng, phản ứng của chính phủ với cuộc khủng hoảng đồng rúp vào cuối 2014 là "tối ưu" thì rất nhiều người vẫn đổ lỗi cho việc ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất đột ngột, việc công ty dầu khí quốc gia Rosneft phát hành trái phiếu đã nhấn chìm đồng tiền Nga.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đã nhắc nhở Putin hồi tháng 4 rằng, 7% tăng trưởng GDP vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông đã giảm chỉ còn 0,6% trong năm 2014 và nền kinh tế Nga có thể bước vào suy thoái trong năm nay.

Gia tăng dân số?

Putin nắm quyền khi dân số Nga sụt giảm ở mức báo động. Nga - với số dân khoảng 150 triệu người khi Liên Xô sụp đổ - mỗi năm mất gần 1 triệu người cùng với xu thế không muốn sinh thêm con khiến dân số Nga ngày càng già và ít đi.

Tuy nhiên, xu thế này đã bị đảo ngược. Vào năm 2010, dân số Nga bắt đầu gia tăng trở lại. Lý do giải thích chính là kinh tế - tài chính phục hồi dưới thời của Putin. Nga hiện có hơn 146 triệu người, tăng so với con số 142 triệu năm 2008.

Tuy nhiên, khi kinh tế không có nhiều triển vọng lạc quan, thì xu thế này có thể bị đảo ngược lần nữa.

Xoay trục châu Á

Luôn là người ủng hộ thế giới đa cực, Putin những năm gần đây đã thay đổi chiến lược, mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự sâu rộng với các quốc gia châu Á - những nền kinh tế đang tăng trưởng, khát khao nguồn năng lượng Nga.

Năm ngoái, ông đã ký 2 thỏa thuận lớn cung cấp khí tự nhiên cho TQ, một hợp đồng trong đó trị giá 400 tỉ USD. Cuối tháng này, hai nước sẽ tiến hành tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải.

Nga cũng chuẩn bị xuất khẩu công nghệ đường sắt sang Triều Tiên. Mối quan hệ xấu đi với EU khiến Nga hồi tháng 12 đã hủy bỏ việc xây dựng hệ thống ống dẫn sang Bulgaria và thay vào đó là xoay trục mạnh hơn hướng về châu Á.

Theo Thái An/Guardian
Vietnamnet