1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

13 người Israel bị liệt mặt sau khi tiêm vắc xin Covid-19 được Mỹ cấp phép

Thành Đạt

(Dân trí) - Ít nhất 13 người Israel đã bị liệt mặt sau khi tiêm vắc xin Covid-19 của hãng dược từng được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp.

13 người Israel bị liệt mặt sau khi tiêm vắc xin Covid-19 được Mỹ cấp phép - 1

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin ở Israel. (Ảnh: Reuters)

Israel từng được ca ngợi vì triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả trên quy mô lớn. Gần 20% dân số Israel đã được tiêm vắc xin kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng từ cuối tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, đối với một số người Israel, quá trình tiêm chủng lại dẫn đến những vấn đề ngoài dự tính.

Hãng tin Ynet dẫn thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết ít nhất 13 người dân nước này đã bị liệt mặt nhẹ sau khi tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech. Giới chức Israel cảnh báo số ca bị liệt mặt tương tự có thể sẽ còn tăng thêm.

"Trong ít nhất 28 giờ đồng hồ, tôi đã đi lại với gương mặt bị liệt. Tôi không thể nói rằng nó đã biến mất hoàn toàn sau đó, nhưng tôi không gặp đau đớn nào khác, ngoại trừ vết đau nhẹ ở chỗ tiêm", một người bị liệt mặt sau khi tiêm vắc xin nói, đồng thời cho biết vẫn chưa quyết định có tiêm mũi thứ hai hay không.

Bộ Y tế Israel cho biết việc tiêm mũi vắc xin thứ hai vẫn an toàn, miễn là tình trạng liệt mặt đã hết và không còn ảnh hưởng kéo dài sau mũi tiêm đầu tiên. Tuy vậy, một số chuyên gia y tế Israel đã phớt lờ khuyến cáo này.

Ynet dẫn lời Giáo sư Galia Rahav, giám đốc Đơn vị Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Sheba, cho biết bà không cảm thấy "thoải mái" với việc tiêm mũi thứ hai cho người đã bị liệt mặt sau mũi tiêm đầu tiên.

"Không ai biết liệu điều này có liên quan đến vắc xin hay không. Đó là lý do tôi sẽ không tiêm liều vắc xin thứ hai cho những người bị liệt sau liều đầu tiên", bà Galia cho biết.

Vắc xin Pfizer-BioNTech do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 12 năm ngoái. Vắc xin của Pfizer-BioNTech đã chứng tỏ đạt hiệu quả đến 95% trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. 

Sau khi được cấp phép, vắc xin của Pfizer-BioNTech đã được phân phối tới các bang trên khắp nước Mỹ từ cuối tuần trước. Các nhân viên y tế và người lớn tuổi là những người được ưu tiên tiêm vắc xin trước.

Tháng trước, FDA đã tiết lộ rằng chứng liệt Bell, một hình thức liệt mặt tạm thời, đã được ghi nhận ở 4 người tham gia giai đoạn thử nghiệm thứ ba của vắc xin Pfizer.

Nghi vấn tác dụng phụ của vắc xin

Trong vài tuần qua, vắc xin Pfizer đã được nhiều nước cấp phép sử dụng khẩn cấp trong cuộc chạy đua tiêm chủng cho người dân. Tháng 12/2020, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin Pfizer đại trà cho người dân. 

Mặc dù giới chức y tế nhận định vắc xin Pfizer an toàn và hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của Covid-19, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện các báo cáo đáng lo ngại về những tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc xin này.

Mexico đã tiến hành một cuộc điều tra vào đầu tháng này sau khi một bác sĩ trẻ bị liệt vài phút sau khi tiêm vắc xin Pfizer. Ngoài ra, nhiều trường hợp từng bị dị ứng cũng gặp phải phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin.

Na Uy cũng ngày càng lo ngại về mức độ an toàn của vắc xin Pfizer đối với những người già có bệnh nền nghiêm trọng. Na Uy ghi nhận 29 trường hợp tử vong trong khoảng thời gian ngắn sau khi tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên. Tất cả đều là những người trên 80 tuổi sống tại các viện dưỡng lão. 

Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết cho tới ngày 15/1, Pfizer-BioNTech là vắc xin Covid-19 duy nhất được tiêm chủng ở Na Uy, "do vậy, tất cả trường hợp tử vong đều liên quan tới vắc xin này". Hiện các cơ quan chức năng tại Na Uy vẫn tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân các trường hợp tử vong.

Pfizer và BioNTech đang làm việc với cơ quan quản lý Na Uy để điều tra các trường hợp tử vong ở nước này. Phía Pfizer cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu nhận thấy "số lượng sự cố cho đến nay chưa đáng báo động và vẫn nằm trong dự tính".

Một số báo cáo cũng liên hệ việc tiêm vắc xin với những ca tử vong không rõ nguyên nhân, nhưng các nhà chức trách khẳng định không có bằng chứng cho thấy vắc xin Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến những trường hợp này.