12 tàu chiến Mỹ triển khai hoạt động ở Trung Đông
(Dân trí) - Mỹ hiện duy trì ít nhất 12 tàu chiến tại Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.
Lầu Năm Góc không công bố bất kỳ đợt triển khai quân bổ sung nào giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Trung Đông sau vụ ám sát hai thủ lĩnh cấp cao của Hamas và Hezbollah. Tuy nhiên, theo Washington Post, một quan chức quốc phòng cho biết Mỹ đã tập hợp ít nhất 12 tàu chiến gần đó.
Theo quan chức trên, các tàu này bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu chiến hộ tống, ngoài ra còn có Nhóm sẵn sàng đổ bộ Wasp, một lực lượng đặc nhiệm đổ bộ gồm 3 tàu với hơn 4.000 lính thủy đánh bộ và thủy thủ.
Tàu USS Theodore Roosevelt đã có mặt tại Vịnh Ba Tư vào ngày 31/7 cùng với 6 tàu khu trục của Mỹ gồm: USS Cole, USS John S. McCain, USS Daniel Inouye, USS Russell, USS Michael Murphy và USS Laboon. Ở phía đông Địa Trung Hải có 3 tàu đổ bộ gồm USS Wasp, USS Oak Hill và USS New York và 2 tàu khu trục gồm USS Bulkeley và USS Roosevelt.
Không có tàu chiến nào của Mỹ ở Biển Đỏ, nơi quân đội Mỹ đã gặp căng thẳng trong những ngày gần đây với Houthi, một nhóm vũ trang ở Yemen đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các tàu thương mại và quân sự trong nhiều tháng qua.
Quân đội Israel tuyên bố không kích thủ đô Beirut của Li Băng và hạ sát Fuad Shukr, người được xem là cố vấn cấp cao cho thủ lĩnh nhóm Hezbollah Hassan Nasrallah.
Ngày 31/7, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran. Hamas và Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc này, song Israel không nhận trách nhiệm hay bình luận về vụ việc.
Iran cảnh báo sẽ giáng đòn mạnh mẽ vào Israel để "trả thù" cho cái chết của thủ lĩnh Hamas.
Trong khi đó, Mỹ, một đồng minh của Israel, cũng chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống leo thang nào.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi tình huống, bao gồm cả việc sơ tán người Mỹ khỏi khu vực hoặc các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của chúng tôi", một quan chức Mỹ nói với hãng tin Al Arabiya.
Lầu Năm Góc đã ra lệnh điều một số tàu chiến và các khí tài quân sự khác đến Trung Đông ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Lý do chính của Mỹ là để ngăn chặn Iran hoặc các nhóm khác do Iran hậu thuẫn mở mặt trận thứ hai ở Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 31/7 đã khuyến cáo công dân nước này không nên đến Li Băng hoặc miền bắc Israel do căng thẳng gia tăng giữa Hezbollah và Israel, và một số hãng hàng không đã hủy các chuyến bay đến cả hai quốc gia này.
Cả Shukr và Haniyeh đều bị Mỹ chỉ định là các đối tượng khủng bố, trong đó Shukr bị cáo buộc đóng vai trò chính trong vụ đánh bom vào ngày 23/10/1983 tại Doanh trại Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Beirut, khiến 241 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng, các vụ ám sát "không giúp hạ nhiệt" tình hình trong khu vực. Trong khi đó, Nga cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng khắp khu vực Trung Đông.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 1/8, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ "hỗ trợ Israel phòng thủ trước các mối đe dọa", bao gồm "các đợt triển khai quân sự phòng thủ mới của Mỹ".