1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

100 ngày cầm quyền đầu tiên của tân Tổng thống Venezuela

(Dân trí) - Trải qua 100 ngày cầm quyền đầu tiên trên cương vị Tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro đã bước đầu thành công trong việc “giữ lửa” chủ nghĩa Chavez. Tuy nhiên, chính phủ mới của ông cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, báo hiệu chặng đường không êm ả phía trước.

Ông Nicolas Maduro đã được bầu làm Tổng thống Venezuela.
  Nicolas Maduro, vị Tổng thống kế tục ý chí Hugo Chavez, đã hoàn thành 100 ngày tại vị đầu tiên hôm 29/7 vừa qua. 
 
Ngay từ những ngày đầu, ông Maduro đã cam kết tiếp tục sự nghiệp của cố Tổng thống Hugo Chávez xây dựng Venezuela thành một đất nước xã hội chủ nghĩa đem lại hạnh phúc, độc lập, tự do và thịnh vượng cho tất cả người dân.

Trên phương diện quốc tế, vị tân Tổng thống Venezuela về cơ bản vẫn đi theo đường lối đối ngoại của nhà lãnh đạo Chavez. Ông tiếp tục nỗ lực thắt chặt quan hệ, xây dựng hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh thông qua các tổ chức đa phương như PetroCaribe, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) hay Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Hiện tại, ông Maduro đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của Mercosur.

Dù vậy, chính sách đối ngoại ban đầu của ông Maduro vẫn có nét “mềm mỏng” hơn so với người tiền nhiệm. Trong thời gian đầu cầm quyền, vị Tổng thống mới đã thực hiện một số chuyến công du châu Âu và lần đầu tiên trong 3 năm khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ. Đáng tiếc là giai đoạn ngoại giao thân mật này đã sớm kết thúc sau sự kiện bốn quốc gia Tây Âu - gồm Pháp, Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha - đóng cửa không phận đối với chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia Evo Morales do tình nghi trên máy bay chở theo người tiết lộ chương trình do thám Mỹ Edward Snowden. Ông Maduro đã chọn cách đứng về phía các quốc gia trong khu vực để bảo vệ lẽ phải, thay vì nhượng bộ với hành động của Mỹ và phương Tây. Triệu hồi đại sứ tại 4 nước châu Âu, thậm chí tuyên bố sẽ cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden là những bước đi cứng rắn của tân lãnh đạo Venezuela, điều mà có lẽ người tiền nhiệm của ông cũng sẽ làm nếu còn sống.

Trong công tác đối nội, Tổng thống Maduro đã cố gắng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khủng hoảng trong nước. Nhiều biện pháp đã được đưa ra ngõ hầu có thể kéo giảm tỷ lệ lạm phát đang ở mức ngất ngưởng 25%, giảm tỷ lệ nợ công xuống mức thấp hơn 70% GDP, khắc phục tình trạng thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu và ngăn chặn tội phạm gia tăng.

Ngoài ra, để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ, ông Maduro đã đưa ra sáng kiến ​​chính trị quan trọng mang tên “Chính phủ đường phố”. Theo đó, ông và một số quan chức chính phủ trực tiếp “vi hành” xuống các bang để gặp gỡ lãnh đạo và người dân địa phương với quyết tâm phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm.

Một điểm nổi bật khác là chính quyền Maduro đã dám đương đầu với hai vấn đề mà trước đó cố Tổng thống Chavez vẫn luôn né tránh: tham nhũng và tội phạm.

Ngay khi mới nhậm chức, Tổng thống Maduro đã tuyên bố chống tham nhũng là một trong những ưu tiên của mình. Trong thời gian 3 tháng tại vị, ông Maduro đã cho bắt giữ nhiều quan chức có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ hoặc chèp ép người dân. Phát biểu trên truyền hình trung ương, Tổng thống Maduro nêu rõ các vụ bắt giữ này là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng đang được Caracas triển khai mạnh mẽ.

Bên cạnh chống tham nhũng, nội dung trấn áp tội phạm và lập lại kỷ cương xã hội cũng được ông Maduro ưu tiên chú trọng. Thông qua việc ban hành Kế hoạch An ninh Nội địa, chính phủ Maduro đã cho triển khai quân đội giúp bảo vệ trị an tại các địa phương có tỷ lệ tội phạm cao. Khởi đầu từ thủ đô Caracas, đến nay kế hoạch này đã được mở rộng tới 79 thành phố đông dân nhất và được bổ sung thêm nội dung chống giết người thuê và giáo dục giới tính trong học đường.

Một báo cáo công bố mới đây cho biết Kế hoạch An ninh Nội địa đã giúp giảm 30% số vụ phạm tội. Các số liệu thăm dò dư luận cũng cho thấy hơn 70% người dân Vênêxuêla tán thành việc quân đội tham gia trấn áp tội phạm và các chiến dịch đảm bảo an ninh trong nước.        

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ông Maduro đến nay là vấn đề kinh tế. 100 ngày cầm quyền của tân Tổng thống Maduro bị bao trùm bởi tình trạng thiếu thực phẩm, điện, thuốc men và nhiều hàng hóa cơ bản khác.

Các nhà phân tích dự đoán Venezuela sẽ tăng trưởng dưới 1% trong năm nay và lạm phát có thể lên đến 40% nếu chính phủ không áp dụng ngay các biện pháp quản lý hiệu quả. Tình hình cấp thiết này đã buộc ông Maduro phải rẽ sang một ngả khác, thực tiễn hơn so với người tiền nhiệm của mình.

Cụ thể, ông Maduro đã thay thế Bộ trưởng Kinh tế Jorge Giordani dưới thời Chavez bằng gương mặt mới Nelson Merentes, một nhân vật được đánh giá theo đường lối thực tiễn. Ngay sau khi nhậm chức, ông Merentes đã nỗ lực xây dựng cầu nối với khu vực tư nhân, mà bằng chứng là cuộc họp gần đây của chính phủ với lãnh đạo Tập đoàn Empresas Polar -nhà sản xuất bia và thực phẩm lớn nhất nước- về vấn đề tăng cường sản xuất một số nhu yếu phẩm. Bộ Tài chính cũng đã lần đầu tiên trong nhiều năm tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các doanh nhân để lắng nghe đề xuất của họ về việc nới lỏng hệ thống kiểm soát tiền tệ, giá cả.

Trong lĩnh vực tiền tệ, chính phủ Venezuela nỗ lực cải tổ cơ chế vận hành của Hệ thống Quản lý Ngoại tệ Bổ sung (SICAD) nhằm ngăn đồng Bolivar giảm giá trên thị trường chợ đen.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên không đồng nghĩa với việc Venezuela dưới sự điều hành của Maduro đã có thể mang đến ngay môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh. Rủi ro hoạt động kinh doanh vẫn ở mức cao do các gánh nặng quy định vẫn còn khắc nghiệt.

Theo những số liệu công bố mới nhất, dù đã cố gắng nhưng tỷ lệ lạm phát ở Venezuela đã tăng vọt lên 39,6% trong tháng 6; tình trạng thiếu hụt thực phẩm vẫn tiếp diễn nghiêm trọng; tỷ lệ tội phạm tăng lên 55,2% trên mỗi 100.000 người dân, thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tất cả những điều này khiến cho một số chuyên gia nhìn nhận rằng người dân Venezuela đang chứng kiến chất lượng cuộc sống suy giảm kể từ khi ông Maduro nhận nhiệm sở. Một số thành viên phe đối lập còn đổ lỗi sự suy giảm chất lượng sống hiện nay là do chính phủ Venezuela vẫn duy trì chương trình trợ cấp hào phóng cho các nước cánh tả Mỹ Latinh như Cuba, Ecuador, Bolivia và Nicaragua.

Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích trên, bất chấp thực trạng kinh tế còn yếu kém và nạn thiếu hụt thực phẩm, tân Tổng thống Maduro vẫn là một  hình tượng được yêu mến trong tầng lớp lao động, những người đang được hưởng lợi trực tiếp từ một chính phủ gần dân hơn.

Theo cuộc điều tra mới nhất do hãng ICS tiến hành tại 20 bang và được công bố hôm 4/8, có 65% số người được hỏi đánh giá cao công tác điều hành chính phủ hiện nay; 61% hài lòng về những điều chỉnh ban đầu trong lĩnh vực kinh tế.

Có thể nói, nhiệm kỳ đầy khó khăn của ông Maduro dường như đã được báo trước, khi ông lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống đầy khó khăn vào tháng Tư với tỷ lệ phiếu bầu chỉ hơn đối thủ 1,5%. Nhưng vượt lên tất cả, ông Maduro vẫn giữ vững mục tiêu phấn đấu trên con đường lựa chọn đã định. Đó là việc tiếp tục kế tục sự nghiệp của Hugo Chavez, “giữ lửa” cho chủ nghĩa cách mạng Bolivar, ổn định đồng nội tệ, ăng xuất khẩu dầu lửa, ngăn chặn thiếu hụt hàng hóa và chống tham nhũng.

Vì thế, những kết quả và khó khăn của chính phủ Maduro thời gian qua chỉ là sự khởi đầu cho cuộc chiến dài ngày khác của tân Tổng thống Maduro. Trong đó “đối thủ” mà ông phải đương đầu không chỉ là những gương mặt đối lập, mà còn là tất cả những vấn đề nổi cộm về chính trị, xã hội, kinh tế nghiêm trọng của Venezuela.

Đức Vũ