1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

10 thành phố năng động nhất thế giới (1)

Cơn lốc đô thị hóa vẫn chưa ngừng. Những thành phố lớn tiếp tục bùng nổ với nhịp sống hối hả thường nhật và ào ào tốc độ cạnh tranh. Tính năng động là một trong những tiêu chí quan trọng đối với phát triển đô thị thế kỷ 21.

Nhưng như thế nào mới gọi là năng động? Thử xem danh sách 10 thành phố đứng đầu thế giới về hiệu quả năng động theo bình chọn Newsweek (số đúp đặc biệt, ngày 3 và 10/7/2006)

Las Vegas không chỉ có sòng bài

Hằng năm, Las Vegas (Mỹ) tiếp tục thu hút hàng ngàn người từ các nơi khác. Họ lũ lượt kéo đến tìm kiếm cuộc sống mới, cơ hội lớn và cơ may thứ hai. Không chỉ sống nhờ sòng bài, Las Vegas đang gia tăng việc thu hút nguồn lợi phụ từ các ngành công nghệ kỹ thuật cao, tài chính và sản xuất. Từ cờ bạc, Las Vegas đã mở rộng thêm nhiều nguồn lợi bổ sung khác.

Las Vegas tự hào sở hữu một trong những mạng lưới viễn thông tốt nhất Mỹ. Và so với bang California láng giềng với sự gia tăng giá cả, luật lệ và giá bất động sản, Las Vegas (bang Nevada) còn là nơi có hệ thống thuế nhẹ nhất nước Mỹ. Giới lãnh đạo thành phố cũng đang làm nhiều việc nhằm phát triển các ngành còn khá non trẻ như công nghệ sinh học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Viện Ung thư Nevada, mở cửa cách đây 9 tháng, đã thu hút 15 công ty khoa học đời sống và Đại học Nevada cũng bắt đầu nhắm đến việc đào tạo sản phẩm trí tuệ “chất lượng cao”. Sự ảnh hưởng từ ngành nghề mới tại Las Vegas cũng đang có tác động mạnh mẽ.

Trong quý đầu năm nay, số lượng việc làm ở Mỹ gia tăng 1,6%, trong đó số lượng công việc ở hạt Clark (Las Vegas và những vùng lân cận) tăng gần 7%. Nhiều nhất là trong các sòng bạc, trong khi việc làm trong các ngành dịch vụ tài chính và sản xuất tại các hãng sản xuất nhựa và sản phẩm kim loại tăng lên khoảng 5% mỗi năm. Dân số Las Vegas tăng khá nhanh so với các thành phố phát triển mạnh kế tiếp (hơn cả thành phố từng được đánh giá phát triển nhanh nhất Mỹ - Charlotte, Bắc California).

Fukuoka - thành phố của sự vững chắc

Có nhiều nơi có thể được xem là “cửa ngõ châu Á”. Tuy nhiên, đó chẳng phải Thượng Hải hay Seoul mà là Fukuoka (thủ phủ đảo Kyushu - Nhật Bản). Loạt công ty lớn, từ Toyota, Sony, Toshiba đến Canon tiếp tục đổ tiền vào Fukuoka. Vị trí địa lý giúp vận chuyển nhanh là ưu điểm số một của Fukuoka. Kết quả, nguồn đầu tư vào công nghiệp sản xuất ở Kyushu tăng 52% những năm gần đây (dù giảm 4% vào năm 2005).

Thị trưởng Hirotaro Yamasaki ra sức quảng cáo Fukuoka như là cửa ngõ số một châu Á từ khi nhậm chức năm 1998. Hakata, cảng chính của Fukuoka, hiện xử lý hơn 50% container so với cách đây 6 năm. Hệ thống đường sá phát triển tốt và ít nghẹt thở hơn so với các đảo khác tại Nhật cũng là ưu thế nữa của Fukuoka. Chẳng phải tự nhiên Fukuoka thu hút nhiều công ty đa quốc gia tên tuổi. Toyota đã xây dựng cơ sở sản xuất thứ hai trên đất Nhật tại Kyushu (cơ sở thứ nhất đặt tại Nagoya). Không chỉ thương mại nở rộ, tăng trưởng từ các ngành dịch vụ, bán lẻ và công nghệ thông tin cũng gài số tới. Và Fukuoka còn là địa danh du lịch nổi tiếng nhờ nhiều di sản văn hóa 2.000 năm tuổi, chẳng hạn lễ hội Dontaku mùa xuân hằng năm. Số du khách nước ngoài tăng 50% trong 6 năm qua.

Munich - giàu và giàu hơn nữa

Munich (Đức) hiện nằm đầu bảng các thành phố nhỏ giàu có kháng cự được cơn giật lùi thủy triều đang xuất hiện rải rác khắp lục địa châu Âu. Theo Riener Klingholz – Giám đốc Viện Nhân khẩu học và phát triển Berlin - “sự cạnh tranh giữa các khu vực thành công và ít thành công hơn đang trở nên gay gắt”. Tại Đức, khu vực phía Nam vẫn hào nhoáng, thịnh vượng trong khi vùng nông thôn phía Đông và khu công nghiệp cũ kỹ phía Tây đang nghèo nàn dần. Klingholz nói: “Trong cuộc chiến này, thành công nuôi dưỡng thành công”. Munich cất cánh nhờ các nhân tố của lối sống nhẹ nhàng, tạo lực hút cho giới doanh nghiệp và chuyên viên trẻ tài năng.

Bavaria, khu vực bao quanh Munich, đang tự đánh giá là một California của nước Đức, với những ngôi nhà khang trang và các khu vườn giải trí xinh như mộng. Thành phố có lượng việc làm dồi dào – một hiện tượng đặc biệt hiếm trong thị trường lao động Đức hiện thời – được duy trì bởi sự hiện diện của các đại gia điện tử như Siemens (có mặt từ thập niên 1950). Munich hiện có 18.000 công ty công nghệ thông tin (IT) và công nghệ sinh học, đại diện cho sự khởi động mạnh mẽ nhất châu Âu. Du lịch và truyền thông cũng đang phát triển...

London - thủ đô của hấp lực

London (Vương quốc Anh) đúng là một thành phố năng động. 170 hecta đất bùn tại ngoại ô Stratford đang được san bằng để trở thành một trong những địa điểm tổ chức Thế vận hội 2012, nơi cung cấp nhà ở cho hơn 140.000 cư dân mới trong chuỗi dự án định cư dọc sông Thames. London là một trong số ít thủ đô toàn cầu tiếp tục phát triển nhanh hơn những thành phố cấp 2 trong nước. Đứng vững ở vị trí trung tâm các ngành nóng (đặc biệt tài chính) trong nền kinh tế dịch vụ toàn cầu, London là điểm đến hàng đầu của giới đầu tư nước ngoài, vượt qua cả Paris và Moscow.

Hệ thống đường sắt và hàng không quốc gia nối với thế giới đều chạy ngang London. Giới chức trách địa phương cũng có tư duy năng động. Trong khi Pháp tiếp tục nghiêm cấm nhà chọc trời, thì London chuẩn bị xây dựng một quần thể cao ốc mới tại ngay trung tâm thành phố. Đối thủ thật sự của London bây giờ là New York - như nhận xét Lauren Preteceille thuộc London First (công ty quảng bá doanh nghiệp cho London). So với các quốc gia phân quyền như Đức chẳng hạn, Anh chỉ tập trung tất cả quanh London và cơ chế này giúp nó luôn là thành phố anh cả của Vương quốc Anh.

Toulouse (Pháp) thành phố Airbus

Đó là một thành phố cổ đang “tiến hóa” thành một dạng mới: thị trấn đa quốc gia. Toulouse (Pháp) tràn ngập không gian thế kỷ 17 với những tường gạch hồng nhưng sự năng động của nó thể hiện rất rõ, theo đà phát triển của công nghiệp hàng không. Airbus chiếm 1/4 nhân sự công nghiệp tại Toulouse, giúp nơi này trở thành thị trấn dẫn đầu quy tụ các tập đoàn đa quốc gia, tương tự Nagoya (quê hương Toyota) hoặc Bantonville (Wal-Mart). Thành phố cũng đang nỗ lực nhằm đa dạng hóa, chẳng hạn như xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ung thư châu Âu. Thị trưởng Bernard Keller cho biết các vùng ngoại ô đang phát triển thậm chí còn nhanh hơn cả khu trung tâm Toulouse.

(Còn tiếp)

Theo Kim Nguyên

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm