1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

10% gạo trên thị trường Trung Quốc bị nhiễm độc

(Dân trí) - Có tới 10% gạo sản xuất tại Trung Quốc bị nhiễm các chất kim loại nặng độc hại và đây là hệ quả của tình trạng phát triển công nghiệp nhanh chóng nhưng bừa bãi trong thời gian qua - kết quả công trình nghiên cứu của Đại Học Nam Kinh cho biết.

 
10% gạo trên thị trường Trung Quốc bị nhiễm độc  - 1
Trung Quốc sản xuất gần 200 triệu tấn gạo một năm.

Báo chí trong nước hôm qua đã công bố kết quả trên.

Theo tờ People's Daily Online, đây là kết quả một cuộc nghiên cứu về tài nguyên, môi trường của Đại học Nam Kinh. Trong đợt nghiên cứu đầu tiên vào năm 2007, giới khoa học đã thu thập 91 mẫu lúa gạo tại 6 vùng. Còn theo kết quả nghiên cứu mới nhất của trường này, 20 triệu tấn gạo, tức 10% sản lượng gạo sản xuất hàng năm tại Trung Quốc có thể bị nhiễm chất độc.

Các hoá chất độc hại với cơ thể con người đã nhiễm vào gạo qua quá trình trồng trọt trong đất bị ô nhiễm những năm gần đây. Trong số những hoá chất này có catmi, một thứ kim loại trắng, mềm, phai màu khi ra ánh sáng, rất độc, ảnh hưởng đến khớp, thận.

Li Wenxiang, một công dân làng Sidi thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây, đã ăn loại gạo trồng ở làng 28 năm nay. Và cùng với nhiều người khác trong làng, Li đã mắc chứng đau nhức ở chân mà nguyên nhân là do nhiễm kim loại độc. Nghiên cứu của Đại Học Nam Kinh xác nhận đất làng Li đã bị nhiễm độc từ những năm 1960.

Trong khi đó, theo tuần báo New Era, từ nhiều năm qua, một khối lượng lúa gạo rất lớn đã bị nhiễm nhiều chất kim loại nặng độc hại, như catmi, được thải ra không khí và nguồn nước một cách vô tội vạ, gây ô nhiễm một diện tích khá lớn ở Trung Quốc. Vấn đề là hầu như không hề có lời cảnh báo nào về nguy cơ đến từ việc môi trường bị ô nhiễm đó.

Chất catmi dễ gây ra những chứng bệnh ung thư. Trong các loại ngũ cốc, lúa là loại dễ hút chất catmi nằm trong nước tưới các thửa ruộng. Nguồn nước này, theo tạp chí Trung Quốc, được dẫn đến các thửa ruộng sau khi chảy qua các mỏ đồng, thiếc, chì...

Điều nghiêm trọng hơn nữa là một năm sau đó, trong các mẫu thu lượm ở Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, 60% đã bị nhiễm chất độc này. Nguyên nhân đầu tiên là đất bị ô nhiễm.

Trong những ngày qua, giới chuyên gia, chính quyền địa phương cũng như Trung ương đã ra sức trấn an, giải thích rằng gạo bán ở siêu thị đến từ nhiều vùng, cho nên nguy cơ nhiễm độc rất ít. Nhưng nhiều người đang lo lắng về tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, do không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu.

Trung Quốc sản xuất gần 200 triệu tấn gạo một năm và nhiều chuyên gia trong nước cho rằng tình hình ô nhiễm nghiêm trọng ở nước này về cơ bản sẽ không thể cải thiện trong một thời gian ngắn. Hiện đất nhiễm kim loại nặng đã chiếm tới 10% diện tích gieo trồng, trong khi đất nhiễm catmi và thạch tín chiếm tới 40%.

Việt Hà
Theo AFP, People's Daily Online