Mẹ Việt ở Nhật bật mí công thức làm đậu phộng cốt dừa giòn tan bốn vị
(Dân trí) - Những viên đậu phộng giòn tan, được chế biến với đủ hương vị khác nhau trở thành món ăn vặt yêu thích cho cả gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.
Cứ mỗi dịp Tết đến mỗi gia đình đều chuẩn bị những món ăn vặt như: bánh kẹo, các loại hạt để tiếp khách chơi nhà. Bên cạnh đó, đậu phộng cũng là một món ăn vặt được nhiều gia đình lựa chọn bày biện trong hộp kẹo bánh ngày Tết. Đây là một món ăn dân dã, quen thuộc với người Việt.
Mới đây, chị Xuân Kiều Kado (Việt Kiều sinh sống tại Nhật) đã bật mí công thức sáng tạo, đậu phộng cốt dừa với bốn hương vị: ruốc khô, cacao, matcha, cốt dừa.
"Đậu phộng là món ăn vặt yêu thích của gia đình mình. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thích nhâm nhi đậu phộng giòn tan, béo bùi. Thay vì lựa chọn những loại bánh kẹo nhiều phụ gia bên ngoài, mình ưu tiên tự làm các món ăn ngày Tết tại nhà. Vừa tiết kiệm chi phí lại đảm bảo an toàn vệ sinh", chị Kiều chia sẻ.
Công thức làm ra đậu phộng không có gì quá khó, bất cứ chị em nội trợ nào cũng có thể làm. Tuy nhiên để chế biến dễ dàng, nhanh chóng, hạt đậu được giòn lâu, vỏ ngoài không bị nứt lại cần có những lưu ý nhất định.
Các nguyên liệu cần có để làm đậu phộng bốn vị:
Đậu phộng sống 150g
Bột mì đa dụng 150g
Nước cốt dừa 50-60 ml
Đường 60 g
Muối (2g)
Dầu chiên
Các nguyên liệu tạo vị: Ruốc khô 15g, bột cacao 6g, bột matcha 6g.
Cách chế biến:
Bước 1: Cho đậu phộng sống vào một chiếc thau. Nhặt những hạt không đạt chất lượng như bị mốc, méo, vỡ bỏ đi. Sau đó chia đậu phộng ra làm 4 phần cho bốn vị: cốt dừa, ruốc khô, cacao, matcha.
Bước 2: Cho các nguyên liệu nước cốt dừa, đường, muối cho vào bát và khuấy tan. Nếu bạn đang sống ở những nơi có nhiệt độ quá lạnh thì cho vào lò vi sóng quay 30 giây cho nhanh tan.
Bước 3: Bước tiếp theo, chia bột mì đa dụng ra làm 4 phần, trộn đều từng loại bột cùng các nguyên liệu tạo vị:, bột cacao, bột matcha. Riêng vị ruốc khô không trộn cùng bột mà cho từng muỗng ruốc trong quá trình rây bột cùng hạt đậu phộng.
Bước 4: Cho một muỗng canh hỗn hợp nước cốt dừa ở bước 2 vào đậu phộng và trộn đều để nước cốt dừa thấm vào từng hạt đậu phộng.
Ở bước này cần chú ý mỗi lần chỉ tưới 10ml hỗn hợp nước cốt dừa vào đậu, nếu như tưới nhiều nước cốt dừa hơn sẽ bị khiến hạt đậu quá ướt và kết dính nhiều hạt đậu lại thành một khối khiến quá trình làm đậu phộng trở nên khó khăn.
Bước 5: Rây bột mì đa dụng đã trộn nguyên liệu vào đậu phộng, lắc thật đều tay cho bột bám chắc vào từng hạt đậu. Với vị ruốc khô, cho từng muỗng ruốc trong quá trình rây bột để sợi ruốc bám đều các hạt đậu. Cứ như vậy lần lượt cho cốt dừa và bột vào thau lắc cho đến khi hết bột và nước cốt dừa là được.
Bước 6: Bắc chảo lên bếp và cho dầu ăn vào đun lửa lớn để dầu ăn nóng lên. Một mẹo nhỏ để kiểm tra dầu đã đủ nóng hay chưa là dùng đũa nhúng vào nồi dầu, đầu đũa sủi bọt khí là đủ nhiệt độ. Hạ lửa ở mức trung bình và cho đậu đã lăn bột vào chiên ngập dầu.
Cần chú ý, khi cho đậu vào chiên trong một phút đầu không nên đụng đũa vào trộn bởi lúc này vỏ bột rất dễ vỡ ra. Sau một phút vỏ đậu cứng bắt đầu cho đũa vào trộn đều, quan sát thấy vỏ đậu chiên hơi ngả vàng có thể tắt bếp.
Vớt đậu phộng khi vừa vàng tới. Sau khi đậu phộng nguội sẽ cho ra màu vàng đậm hơn, rất đẹp mắt. Chỉ cần để đậu phộng được ráo dầu và nguội hẳn là có thể thưởng thức ngay.
Cách bảo quản
Đậu phộng có thể cho vào hũ sạch có nắp đậy kín. Để giữ đậu giòn lâu có thể sử dụng gói hút ẩm. Trong trường hợp không có, các chị em nội trợ nên lấy 1-2 tấm khăn giấy xếp lại cho vào hũ cũng có tác dụng tương tự gói hút ẩm.
Chúc các bạn thành công!