Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng

Bình Minh

(Dân trí) - Nằm trong danh sách 50 món quà tặng đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, chè lam Phủ Quảng từ lâu đã không thể thiếu trong mỗi gia đình xứ Thanh mỗi dịp Tết đến xuân về.

Chè lam Phủ Quảng là đặc sản của huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) - nơi có di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Trước đây, món ăn này được làm vào dịp lễ Tết để cúng ông bà tổ tiên thế nhưng ngày nay, chè lam được sử dụng như món quà ăn quanh năm, đặc biệt là bán vào dịp khách du lịch đến tham quan Thành Nhà Hồ.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 1

Lạc để làm chè lam phải chọn hạt đều đẹp.

Chè lam được các cơ sở sản xuất quanh năm nhưng cận Tết, thứ đặc sản này được tăng công suất lên gấp đôi, ba ngày thường.

Tất bật làm mẻ chè lam phục vụ Tết Nguyên đán, chị Đỗ Thị Thu (thị trấn Vĩnh Lộc) cho biết, nghề làm chè lam của gia đình chị được truyền từ thời ông bà với truyền thống hàng chục năm. Mỗi năm gia đình chị đưa ra thị trường hơn 10 tấn chè lam, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Chủ cơ sở sản xuất chè lam này cũng cho biết, trung bình mỗi tháng gia đình sản xuất 5 tạ, tuy nhiên vào vụ Tết Nguyên đán này sẽ sản xuất ra thị trường số lượng gấp ba ngày thường.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 2

Chọn loại gừng dé, loại nhỏ củ nhưng thơm và cay nhiều.

"Để làm ra một thanh chè lam đạt chất lượng, trước tiên phải chọn nguyên liệu thơm ngon, lạc phải chọn hạt đều đẹp, nếp phải nếp cái hoa vàng, gừng phải là gừng dé (loại trồng ở địa phương củ nhỏ, cay nhiều). Tiếp đó, đòi hỏi đôi tay người thợ phải khéo léo, đặc biệt, phải có kinh nghiệm để có được tỷ lệ chuẩn giữa các nguyên liệu gạo nếp, đường, mạch nha, mật mía, gừng, lạc…", chị Thu chia sẻ.

Quy trình để làm ra thành phẩm chè lam cũng rất công phu, gạo nếp loại hạt mẩy đều, xay bằng cối đá, lắng bột rồi lọc bằng tấm vải thô. Một phần nhỏ gạo nếp đem rang chín, đảo đều tay cho đến khi ngả vàng và có mùi thơm, đem trải ra nia cho nhanh nguội. Lạc rang xong giã đôi, gừng tươi đồ lên rồi xắt lát nhỏ.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 3

Quy trình làm ra thành phẩm chè lam rất công phu.

Thứ mật để thắng chè lam phải là mật mía Kim Tân của huyện Thạch Thành láng giềng, nơi được coi là đất mía của tỉnh Thanh Hóa, có vị ngọt đậm, sóng sánh đặc trưng.

Quá trình làm không thể thiếu công đoạn thủ công là thắng mật. Công đoạn này đòi hỏi sự tinh tế của người thợ. Mật được thắng trong chảo to, đun sôi kỹ rồi giảm lửa để sôi lăn tăn, đến khi mật cô lại vừa phải thì cho hỗn hợp bột nếp, gạo rang, lạc, gừng… vào, quấy nhanh và đều tay.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 4

Làm chè lam đòi hỏi người thợ phải khéo léo và có kinh nghiệm.

Đây là bước luyện chè, đòi hỏi người nấu phải thật nhanh và khéo léo, sao cho mật, gừng và gạo nếp quyện vào nhau với tỉ lệ vừa phải. Sau đó đổ hỗn hợp ra mặt phẳng sạch đã rắc lớp mỏng bột khô, thêm một số công đoạn được thao tác rất nhanh tay, cán thành khúc chè rồi cắt thành từng miếng vừa ăn, chờ nguội đóng gói.

Ông Vũ Văn Thành (xã Vĩnh Thành) cho biết gia đình ông đã làm nghề sản xuất chè lam Phủ Quảng cả chục năm, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 5 tấn.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 5

Mật được nấu trong chảo lớn và phải đảo liên tục.

Nhờ làm chè lam mà gia đình đã thoát nghèo, ông cũng kết hợp sản xuất thêm kẹo lạc, nhờ đó mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện nghề làm chè lam truyền thống đang là nghề mang lại thu nhập chính của gia đình ông và giúp ông có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.

"Thanh chè lam Phủ Quảng có màu vàng ươm đẹp mắt, thưởng thức cùng với chén trà xanh vừa dân dã lại có chút thanh tao. Thử miếng chè lam giòn giòn, thấy cái vị bùi của gạo nếp trong vị ngọt dịu của mật mía và hương gừng cay, tất cả hòa quyện với nhau một cách tự nhiên nhất, như thức quà quê bình dị", ông Thành chia sẻ.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 6

Sau các quy trình ra thành phẩm chè lam chỉ chờ nguội để đóng gói.

Theo thống kê của huyện Vĩnh Lộc, nghề làm chè lam hiện đang giúp khoảng 20 hộ dân trên có thu nhập ổn định.

Ông Vũ Hùng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Lộc, cho hay huyện Vĩnh Lộc, đã phát triển được 9 sản phẩm OCOP (mỗi xã phường 1 sản phẩm). Trong đó, có sản phẩm chè lam phủ Quảng đang giúp nhiều hộ dân trên địa bàn có doanh thu ổn định với mức 100 - 120 triệu đồng/hộ/năm.

Làm món quà quê biếu khách, nông dân Thanh Hóa thu cả trăm triệu đồng - 7

Thưởng thức chè lam và uống nước chè đúng vị dân dã quê hương.

"Sản phẩm này cũng đã được bán trên thị trường trong, ngoài tỉnh và được nhiều người ưa chuộng. Du khách đến thăm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đều có cơ hội thưởng thức chè lam Phủ Quảng và mua về làm quà. Vùng đất này không chỉ nức tiếng với đặc sản chè lam, mà còn được biết đến với món quà dân dã đó là kẹo lạc", ông Thanh cho biết thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm