Mã số 872:

Xúc động trước lòng hiếu thảo của chàng trai tật nguyền

(Dân trí) - Nhắc đến sức khoẻ cha mẹ, anh Đức buồn thiu bò ra sau hè. Anh hốt nắm thóc, kêu túc túc mấy tiếng, đàn gà hơn 20 con chạy về, cố mổ những hạt thóc anh vãi xuống. Anh Đức nói: “Có bán hết đàn gà cũng không đủ tiền đưa cha mẹ đi viện!”

Đến ấp Chông Nô 1, xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), chúng tôi được người dân tận tình chỉ dẫn đến nhà anh Nguyễn Vũ Đức (32 tuổi) bị liệt hai chân từ nhỏ nhưng đang gồng gánh nuôi cha mẹ già, bệnh tật là ông Nguyễn Văn Ky (63 tuổi) – bị cụt một cánh tay và căn bệnh cao huyết áp thường xuyên hành hạ và bà Trương Thị Quắn (63 tuổi) bị tai biến năm 2005 giờ chỉ ngồi một chỗ. Khi nào cha mẹ đau nhức quá thì anh Đức bắt gà đi bán, thuốc thang cầm chừng qua ngày!

Nhà nghèo, cha mẹ bệnh vì con cá, con heo!

Ông Nguyễn Văn Ky (63 tuổi) – cha của anh Đức dẫn chúng tôi ra ao cá sau nhà rộng hơn 500m2 mặt nước, buồn bã nói: “Ông bà mình nói “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, câu này đúng với nhiều người, còn với tôi thì chẳng biết làm sao khá giàu không đến, chỉ thấy nợ nần chồng chất từ ngày đào ao nuôi cá, xây chuồng nuôi heo.”

Năm 2000 sau khi tính toán, ông Ky thế chấp ruộng đất vay ngân hàng trước sau hơn 100 triệu đồng để nuôi heo, nuôi cá. Ban đầu, ông xây chuồng nuôi heo. Đúng lúc đàn heo đang vào tạ, bất ngờ lăn đùng ra chết hết vì dịch tai xanh. Gia đình nợ nần  hơn 20 triệu đồng nhưng ông Ky không nản lòng làm giàu. Ông Ky quyết định vay thêm 80 triệu đồng về đào ao nuôi cá. Nhưng lần lượt qua hai lần nuôi cá, hàng tấn cá Chim Trắng, cá tra nhiễm bệnh, cá chết trắng ao, chẳng bán được đồng nào.

Xúc động trước lòng hiếu thảo của chàng trai tật nguyền

Biết con cái không có tiền nên khi nào đau nhức quá thì ông bà Ky mới lên tiếng để anh Đức bắt gà đi bán mua vài lần thuốc uống.

Liên tiếp chứng kiến cảnh thất bại của chồng, bà Trương Thị Quắn (63 tuổi) – vợ ông Ky buồn lo chuyện nợ nận nên năm 2005 bà Quắn bị tai biến nằm liệt một chỗ. Riêng ông Ky, bản thân đã mất một cánh tay hồi 15 tuổi (do bom nổ). Giờ đây sau hai cú sốc cá, heo lần lượt “ra đi”, ông Ky suy sụp tinh thần, bị tai biến nhưng được cứu chữa kịp thời. Hiện tại ông Ky mất hẳn sức lao động, cộng với căn bệnh huyết áp cao nên chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà đều trông cậy hết vào đứa con trai tật nguyền Nguyễn Vũ Đức.

Ông Thạch Em – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Hoà Tân chia sẻ: “Ở làng này anh Ky là người có chí làm ăn nhất. Nhưng có lẽ do anh Ky chưa gặp được “thiên thời địa lợi” nên vô tình đẩy gia đình vào cảnh nghèo khổ, thiếu ăn. Đã vậy hai vợ chồng cùng lúc ngả bệnh, cháu Đức tật nguyện. Thấu cảnh khổ này ba con trong xã, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ ban đầu, chứ trợ giúp thường xuyên thì ngoài khả năng của bà con nơi đây.”

Hai tay gánh lấy gia đình

Có dịp ngồi trò chuyện với anh Đức, chúng tôi hỏi thăm về sức khoẻ của cha mẹ anh, anh Đức buồn thiu bò vội ra sau hè. Anh cố chòm lên cái kệ, hốt nắm lúa rồi bò ra khoảng đất trống cạnh nhà bếp. Anh Đức kêu túc túc mấy tiếng, hơn 20 con gà nồi, trống mái, to nhỏ chạy cuốn cuồn về bao vây anh như công nhân biểu tình đòi lương. Anh Đức rải nắm lúa xuống, lặng lẽ nói: “Sức khoẻ cha mẹ mỗi ngày một tệ hơn. Vừa rồi, huyết áp của cha tự nhiên lên 200, nếu không đưa đi viện kịp thì giờ này cha đã nằm một chỗ như mẹ rồi.”

Không thể thoái thác trách nhiệm trụ cột gia đình mặc dù hai chân anh Đức bị liệt ngay từ nhỏ. Bởi vậy hơn 10 năm nay, từ ngày công việc làm ăn của cha mẹ bị phá sản, anh Đức bắt đầu nói ít lại nhưng làm nhiều hơn. Anh âm thầm xem tivi và học hỏi bà con về cách nuôi gà chọi, gà thịt, coi như phụ thêm tiền chợ cho cha mẹ. Và chẳng ai ngờ có một ngày, công việc nuôi gà của anh trở thành thu nhập chính của cả gia đình và là cứu cánh  mỗi khi cha mẹ anh Đức đi viện trở lại.

Anh Đức lo lắng có bán hết đàn gà này cũng chưa đủ tiền đưa cha mẹ đi viện thăm khám

Anh Đức lo lắng có bán hết đàn gà này cũng chưa đủ tiền đưa cha mẹ đi viện thăm khám.

Anh Đức chia sẻ: “Trước đây khi cha mẹ còn vay tiền được, gia đình cũng đưa mẹ lên bệnh viện huyện tập vật lí trị liệu và uống thuốc đều đặn. Nhờ vậy hai chân và hai tay của mẹ có thể cử động được. Nhưng từ ngày cha phát bệnh, trong nhà không còn thứ gì để cầm cố, chỉ trông chờ vào đàn gà của em nên khi nào bán được gà thì cha mẹ mới có tiền thang thuốc. Bởi vậy bệnh tình của mẹ cứ dậm chân tại chỗ, bệnh của cha thì có dịp phát tiển. Chẳng biết em còn lo cho cha mẹ được bao lâu nữa đây! Em muốn có ít tiền đưa cha mẹ lên thành phố khám bệnh một lần nhưng có bán hết đàn gà này và đàn gà sau nữa cũng chưa đủ tiền cho cha mẹ đi bệnh viện.”

Biết rõ gia đình không còn nguồn thu nào khác, anh Đức tính toán nuôi xen kẽ, hễ đàn gà này bán thì đàn gà khác tấn lên. Tuy nhiên do vốn ít, bản thân đi lại khó khăn nên mỗi đàn như vậy anh chỉ nuôi được khoảng 20 – 30 con gà. Còn kinh nghiệm xem gà và nuôi gà chọi anh Đức cũng tỏ tường nhưng sau vài lần trộm “ghé thăm”, hốt sạch, anh Đức quyết định bỏ nghề, dù nghề nuôi gà chọi lời nhiều hơn.

Anh Đức lo lắng có bán hết đàn gà này cũng chưa đủ tiền đưa cha mẹ đi viện thăm khám

Đợi con nước lớn anh Đức lấy mấy cái lộp sửa sang lại và chuẩn bị đi đặt cá bóng. Hôm nào có cá nhiều thì nhờ chị Mơ đi bán, lấy tiền bốc thuốc nam cho cha mẹ uống cầm chứng

Cho đàn gà ăn xong, anh Đức vất vả bò lên nhà trên lấy mấy cái lộp sửa sang lại, chờ nước lớn đi đặt cá bóng. Chị Nguyễn Thị Mơ – gần nhà anh Đức cho biết: “Mặc dù hai chân tật nguyền nhưng chẳng lúc nào thấy chú ấy nghỉ ngơi. Khi thì lo cho đàn gà, vườn tược, có khi lo luôn chuyện cơm nước khi chú Ky ngả bệnh. Đã vậy, cứ nước lớn là mang lộp đi đặt. Có cá nhiều, chú ấy mang qua nhờ tui đi bán hộ rồi lấy tiền đong gạo. Thật sự bà con ở đây rất nể phục tấm lòng hiếu thảo cũng như nghị lực của chú Đức. Nhưng gánh nặng gia đình hiện tại là quá sức đối với chú ấy.”

Chúng tôi về, anh Đức bò ra tận ngõ tiễn chúng tôi. Anh Đức chỉ cho chúng tôi xem những gốc mai vàng đang nở rộ, dù tết hãy còn xa, anh nói: “Những gốc mai này là gia tài của ông ngoại để lại cho mẹ. Nếu bán đàn gà của em không đủ tiền đưa cha mẹ đi viện, có lẽ em cũng đành bán đi mấy gốc mai này để đổi lấy mùa xuân cho gia đình em. Vì từ ngày cha mẹ ngã bệnh đến giờ, chưa năm nào gia đình có cái Tết đầm ấm, cười nói rộn ràng như nhà hàng xóm!”
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 872: Ông Nguyễn Văn Ky - ấp Chông Nô 1, xã Hoà Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

ĐT: 0982 380 763

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

 Ngô Nguyễn

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm