Mã số 543:
“Xin đừng để con tôi phải chịu cảnh mồ côi!”
(Dân trí) - "Cứ nghĩ đến đứa con nhỏ phải chịu cảnh mồ côi, tôi không đành lòng nhắm mắt. Nhưng cứ sống lay lắt thế này thì có khi cháu nó cũng không được đến trường”, chị Tuyết nói trong hơi thở đứt quãng của một người mang trọng bệnh.
Một ngày đầu tháng 3, Văn phòng đại diện báo Dân trí tại Hà Tĩnh được đón tiếp một vị khách. Người đàn ông gầy gò, mắt thâm quầng, khuôn mặt hốc hác khẩn khoản: “Các anh chị giúp tôi với. Vợ chồng tôi đã cùng đường rồi, đừng để vợ tôi phải chết, đừng để con tôi phải mồ côi”.
Căn bệnh suy tim khiến chị Tuyết suy kiệt nhưng chị không dám buông xuôi cho số phận khi đứa con độc nhất còn quá nhỏ
Từ lời khẩn cầu, chúng tôi đã tìm về nhà anh Lê Xuân Thanh (SN 1971, trú tại xóm Yên Hội, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Ở khoảnh sân trước nhà, đứa con gái độc nhất Lê Thị Việt Trinh (SN 2004) đang thái rau lợn. Trong ngôi nhà cũ kỹ tồi tàn, đồ đạc trong nhà trống trơn, trên chiếc giường ọp ẹp duy nhất, chị Nguyễn Thị Tuyết - vợ anh Thành đang nằm thiêp thiếp.
Nghe tiếng người lạ, chị quay mình nhìn ra. Rồi bao nhiêu tủi cực cứ thế tuôn trào cùng những giọt nước mắt. Năm 2003, sau một cơn đau kéo dài khiến cơ thể suy kiệt, chị Tuyết được người nhà đưa đến bệnh viện kiểm tra. “Nghe bác sỹ bảo vợ tôi bị suy tim nặng, không phẫu thuật thì khó kéo dài được sự sống thì tôi suy sụp hẳn. Họ bảo mất nhiều tiền lắm, mà nhà tôi thì thế này, kiếm đâu ra cả trăm triệu đồng mà cứu vợ”, anh Thanh chua xót đưa vợ về nhà.
Bán hết đồ đạc và tất cả những vật có giá trị trong nhà, anh cũng chỉ có thể giúp vợ cầm cự qua những cơn đau. Biết sinh con có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng hiểu nỗi khát khao của chồng, chị Tuyết quyết định sinh con. Năm 2004, bé Lê Thị Việt Trinh ra đời trong sự phấp phỏng lo âu của cả nhà. Chỉ sơ sểnh một tý thôi, có thể anh Thành sẽ mất cả vợ lẫn con. Để đảm bảo tính mạng cho chị Tuyết, các bác sỹ quyết định mổ bắt con. Sinh ra từ cơ thể của người mẹ ốm yếu bệnh tật nên Việt Trinh nhỏ thó, yếu ớt. Anh Thành một tay chăm vợ, một tay nuôi con. Chị Tuyết thì ốm yếu quá nên việc chăm con cũng trở thành quá sức.
Ơn trời, bé Trinh lớn lên, xinh xắn, dễ thương và học khá giỏi. Biết mẹ ốm đau nên bé cũng chẳng dám nũng nịu như những đứa trẻ khác. Đi học về là vào giường đấm bóp tay chân cho mẹ rồi tự giác làm việc nhà phụ cha. Nhìn đứa con gái sớm biết lo toan, chị Tuyết ứa nước mắt, cố gắng để nói qua hơi thở đứt quãng, nặng nhọc: “Tôi biết anh ấy khao khát có một đứa con trai nhưng tôi giờ sống cũng khó, nói chi đến việc làm tròn bổn phận của một người vợ. Sống thì khổ chồng, khổ con, mà chết thì không đành cô ạ. Tôi sợ mình nằm xuống, cháu Trinh phải chịu cảnh mồ côi khi còn quá nhỏ. Nhưng cứ sống lay lắt thế này tôi sợ con mình không có tiền mà đến trường. Nghĩ đến thế là tôi không đành”. Nghe mẹ nói thế, bé Trinh mếu máo: "Con không đi học nữa cũng được, chỉ cần mẹ khỏe lại thôi". Trinh đâu biết rằng, cái niềm mơ ước nhỏ nhoi đó giờ đây đã quá sức đối với bố nó.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi được một lúc, chị Tuyết lại lên cơn đau, xin phép nằm nghỉ. Những tiếng thở khó nhọc của chị xen lẫn với những tiếng khóc nức nở của cháu Trinh khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào. Anh Thanh nãy giờ ngồi thinh lặng cũng sụt sùi: “Muốn vợ sống thì phải làm phẫu thuật, mà tiền thì không biết đào đâu ra. Tôi định bán nốt mảnh đất này nhưng cô ấy không cho, bảo phải giữ lấy cái nhà cho con còn ở. Vay mượn thì giờ hết đường rồi, gần 100 triệu vay vẫn chưa trả, không ai dám cho mình vay thêm”. Nói đoạn anh buông tiếng thở dài. Tiếng thở dài của người đàn ông bất lực trước số phận nghe thật xót xa.
Ông Hồ Chí Cường - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình anh Lê Xuân Thanh, chị Nguyễn Thị Tuyết là một trong những hộ khó khăn nhất xã. Vợ đau ốm liên miên, không làm được gì lại chi phí thuốc men chạy chữa lớn quá. Địa phương cũng chỉ hỗ trợ được một ít trong khuôn khổ quy định của Nhà nước thôi.”
Ba con người, chi phí thuốc men, ăn uống của người bệnh, chi phí học hành của con chỉ biết trông chờ vào 1 sào ruộng khoán của hai vợ chồng và tiền phu hồ bữa đực, bữa cái của anh Thanh. “Mẹ nó không đau ốm chi thì tôi đi phụ hồ thường xuyên, ngày cũng kiếm được hơn trăm bạc. Chứ ốm liệt giường thế này, tôi không đành lòng mà bỏ vợ ở nhà để đi làm. Lỡ xảy ra cơ sự chi thì hối hận cả đời cô ạ”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Anh Lê Xuân Thanh - xóm Yên Hội, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. ĐT: 0165.731.6852 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |