Đắk Nông:
Vợ chồng cựu chiến binh vùng biên đón Tết trong căn nhà Nhân ái
(Dân trí) - Chạy ăn từng bữa, thậm chí phải đi xin đồ ăn về cho chồng, bà Thúy chưa từng nghĩ về căn nhà kiên cố. Chính vì thế, về sống dưới mái nhà Nhân ái, cuộc đời vợ chồng bà Thúy như bước sang một trang mới.
Mùa mưa năm 2021, phóng viên Dân trí cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức thực hiện chuyến khảo sát hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Minh Thúy (bon Bu Lum, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
Thời điểm ấy, nơi ở của bà Thúy và chồng là ông Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1950) chỉ là một túp lều nhỏ, xung quanh được quay bằng những tấm tôn rách do bà Thúy đi xin về.
Trong căn nhà nền đất ẩm thấp, ông Vĩnh nằm liệt giường, cắn răng chịu đựng những cơn đau hành hạ của bệnh suy gan và viêm khớp cùng những di chứng của chiến tranh.
Cũng vì đã lớn tuổi, mắc nhiều bệnh mà ông Vĩnh vô tình trở thành gánh nặng của vợ con. Người con trai duy nhất của ông bà phải nghỉ học khi vừa hết lớp 9 để đi làm thuê, kiếm tiền.
Nhắc đến con trai, nhắc đến cuộc sống cùng cực, nghèo đến nỗi không còn gì để ăn, vợ chồng bà Thúy tủi hổ vì không mang cho con một mái nhà kiên cố, cho con một cuộc sống đủ đầy. Những day dứt này càng lớn khi ông Vĩnh đã ở cái tuổi gần đất, xa trời, bản thân không thể đi lại bình thường mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của vợ.
Bà Thúy kể, bệnh tình ông trở nặng cũng bởi ngày nào bữa cơm của hai vợ chồng cũng chỉ có cá khô và đĩa dưa leo muối mặn. Ông Vĩnh nằm một chỗ, bà Thúy không dám đi làm xa, bởi bà sợ, chồng có thể ra đi bất cứ lúc nào, khi không có vợ con bên cạnh.
"Mong mỏi duy nhất của cả 3 người là có được một mái nhà thực sự, trước là nơi che nắng che mưa, sau cũng là để lỡ mai này chồng tôi có mất đi, cũng yên tâm về cuộc sống của hai mẹ con. Thế nhưng vì nghèo quá, ước mơ cả đời vẫn chưa thể thực hiện được !", bà Thúy nức nở, nhớ lại cuộc sống cùng cực của gia đình.
Ngay sau khi hoàn cảnh của gia đình bà Thúy được Báo Dân trí đăng tải, hàng trăm độc giả trong và ngoài nước đã chung tay hiện thực hóa ước mơ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Vĩnh. Với hơn 90 triệu đồng thông qua các kênh tiếp nhận của Báo Dân trí và hơn 30 triệu đồng tiếp nhận trực tiếp, bà Thúy đã có đủ tiền để xây dựng một căn nhà mới.
"Sau khi nhận được tiền giúp đỡ của bạn đọc Dân trí gần xa, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã Quảng Trực và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức, chỉ hai tháng sau, căn nhà của vợ chồng tôi đã hoàn thành. Cùng thời điểm này, con trai tôi cũng cách ly xong, đoàn tụ cùng bố mẹ, ăn bữa cơm tân gia trong căn nhà mơ ước của cuộc đời", bà Thúy nhớ lại.
Về ở trong căn nhà mới khi chỉ còn ít ngày nữa là Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, vợ chồng bà Thúy không giấu nổi niềm hạnh phúc, phấn khởi. Đối với ông bà, mùa xuân năm 2022 có lẽ là mùa xuân ý nghĩa nhất khi mơ ước bao nhiêu năm nay trở thành hiện thực. Cả nhà ba người được quây quần đoàn tụ sau những một năm đầy biến cố, đổi thay.
Người phụ nữ 52 tuổi thổ lộ: "Tết năm nay đối với gia đình ấm cúng, đủ đầy hơn khi cả được sống trong căn nhà mới và đặc biệt ông Vĩnh thoát khỏi cơn "thập tử nhất sinh" sau một cơn bạo bệnh. Dẫu cuộc sống phía trước còn khó khăn, vợ chồng cũng gắng gượng động viên nhau cùng phấn đấu, hướng về một tương lai sung túc, bình an".
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là năm 2021 mang đến nhiều niềm vui cho gia đình, ông Vĩnh cũng vui vẻ và hạnh phúc hơn. Từ một người nằm liệt giường, ông Vĩnh đã đi tập đi lại được, phụ giúp vợ dọn dẹp nhà để chờ đón một năm mới.
Cựu chiến binh vùng biên Nguyễn Văn Vĩnh xúc động cho biết, nếu như không có sự giúp đỡ của mọi người, có lẽ ông Vĩnh đã kết thúc cuộc đời trong căn nhà tồi tàn. Niềm vui không thể diễn tả bằng lời, lời cảm ơn cũng không thể nói hết, ông Vĩnh chỉ mong muốn, năm 2022 sẽ tốt đẹp hơn, mọi người đều bình an vượt đại dịch.
"Con trai tôi may mắn khỏe mạnh trở về từ tâm dịch TPHCM, tôi may mắn chữa được bệnh và gia đình tôi may mắn được mọi người giúp đỡ một căn nhà mới, không có thứ bánh kẹo nào ngọt ngào bằng. Cảm ơn Dân trí, cảm ơn bạn đọc bốn phương đã biến ước mơ của vợ chồng già này thành hiện thực", ông Vĩnh vừa nói vừa khóc, nói hết nỗi lòng mình.