1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Viết cho một sinh linh vô tội…

(Dân trí) - Em chưa bao giờ thấy mặt mẹ, chưa một lần được ngủ ngon dưới bầu vú mẹ. Ngày em cất tiếng khóc đầu đời, cũng là ngày mẹ em - một nạn nhân của AIDS - trút hơi thở cuối cùng.

Và em, nạn nhân tiếp theo của thứ virus giết người HIV, đang sống bằng tình yêu thương và những giọt sữa ngọt ngào của những “người dưng” tốt bụng…

Đứa con chung của bệnh viện

Buồng hậu phẫu bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (TP Đồng Hới - Quảng Bình) dù đã được tiệt trùng sạch sẽ nhưng luôn hiện hữu một cái mùi quen thuộc mà người ta gọi chung là “mùi hậu sản”. Từ ngày mẹ sinh ra em, em đã nằm lồng ấp, đã nhờ sự trợ giúp của máy thở và nằm đó đến nay đã 6 tháng ròng.
 
Viết cho một sinh linh vô tội… - 1

Em Hà trong vòng tay chăm bẵm của mẹ Thông.
 
Em nằm trong nôi, mở to đôi mắt vô tội nhìn tôi. Em chưa biết nói, chỉ biết mỉm cười khi có ai đó đến bên em, chìa ngón tay ấm áp cho em nắm lấy, lắc nhẹ. Em hồn nhiên và xinh xắn như bao đứa trẻ thánh thiện khác. Ít ai biết, trong quãng đời ngắn ngủi của em, bao nhiêu bi kịch đã ập đến. Và ít ai dám nói, đâu là bến đỗ cho tương lai em, khi thứ virus giết người HIV đã bám vào cơ thể em từ cơ thể mẹ.

Mẹ em, theo bệnh án, tên là H., quê Hà Tĩnh. Mẹ em là một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Lâm bồn sinh ra em, cũng là lúc mẹ em kiệt sức vì chứng máu khó đông và trút hơi thở cuối cùng ngay trên bàn sinh nở.

Em sinh non tháng, chỉ nặng 1,5kg và thiếu hơi ấm người mẹ ngay từ lúc lọt lòng. Nếu không có sự can thiệp y tế, nếu không có bàn tay chăm sóc của các thầy thuốc bệnh viện thì giờ này chắc em không còn. Em sinh ngày 19/3/2009, đến nay đã được 6 tháng, và đó cũng là 6 tháng em được sống trong vòng tay các y tá khoa Nhi và những người mẹ tốt bụng đã bớt chút sữa của con mình để san sẻ cho em.

Tay âu yếm bóp nhẹ bình sữa cho em bú, chị Trần Thị Hoài Thông - Điều dưỡng trưởng khoa Nhi tâm sự: “Nhờ trời, cháu lớn nhanh lắm. Mới ngày nào bằng nắm tay mà giờ đã được gần 6 kg rồi. Được cái lúc nào cũng đòi bú, tội lắm”.

Bố em, nghe nói là một người đàn ông mù lòa ở một xã ven TP Đồng Hới. Có lần, ông chú ruột đã vào thăm em, nhưng từ khi nhắc đến chuyện đưa em về chăm sóc thì những cuộc thăm hỏi chớp nhoáng cũng thưa dần.

Không ai nhận nuôi em, bệnh viện cũng không nỡ lòng nhìn em cơ nhỡ nên đã trích quỹ hỗ trợ nuôi em 15 nghìn đồng/ngày, và người trực tiếp nuôi em là mẹ Thông và các mẹ trong khoa Nhi. “Tiền sữa, tiền tã cho cháu mỗi ngày cũng mất khoảng 40-50 nghìn đồng, may mà người đi qua đi lại thấy cháu đáng thương nên người cho dăm ba nghìn chứ không chẳng biết lấy tiền đâu mà mua sữa cho cháu”, chị Thông chia sẻ. Em nằm phòng hậu sản, nên cứ thi thoảng lại có sản phụ đến cho ít sữa. Nhưng mọi sự giúp đỡ đều chừng mực, bởi các bà mẹ đều phải lo cho con mình.

No sữa, em lại mở tròn đôi mắt đen to để nhìn mẹ Thông như thể hàm ơn. Hiểu ý, mẹ Thông lại bế em lên, rồi chìa ngón tay cho em cầm, lắc lắc. Như biết thân phận mình, em ít khóc. Nhưng nhìn đôi mắt em, ai cũng khóc. Khóc cho một sinh linh bé nhỏ, vô tội phải sớm chịu trần ai.

Hạnh phúc nào cho em?

Phan Thị Ngọc Hà là cái tên mà các mẹ ở khoa Nhi đã đặt cho em. Một cái tên đẹp, hàm chứa hy vọng tương lai em sẽ đẹp, chị Thông nói vậy.
 
Viết cho một sinh linh vô tội… - 2

Em đang sống bằng dòng sữa của những người dưng tốt bụng.

“Nhìn cháu ngày một lớn, chúng tôi vui đến rơi nước mắt. Trong giờ làm, ai rảnh chút nào thì đến chơi với cháu, mớm sữa cho cháu. Còn người trực đêm cũng kiêm luôn nhiệm vụ trông coi cháu”, chị Thông kể. Đã 6 tháng nay, các mẹ đã chăm chút em như vậy, chăm em với tất cả tình thương của người mẹ và trách nhiệm của người thầy thuốc.

“Ban đầu, khi cháu mới sinh thì mọi tiếp xúc với cháu đều phải dùng găng tay cao su, mọi thứ bỉm, khăn, gối… đều phải sát khuẩn tuyệt đối. Nhưng bây giờ, tôi có thể ôm cháu mà chẳng ngại gì, bởi cháu ngoan lắm, không hề cào cấu, cắn hay khóc nhè”,chị Thông vừa nói vừa nựng em.

Từ ngày có em, cả khoa như có con mọn. Mỗi người một tay, thấy em ngày một lớn ai cũng rối lòng vừa vui vừa buồn. Họ buồn bởi rồi đây em không thể nằm trong nôi mãi, em phải đi đứng, chạy nhảy, em phải được phát triển trong một môi trường phù hợp hơn là phòng chăm sóc trẻ sơ sinh.

“Thương cháu lắm, nhưng bệnh viện không thể nuôi cháu mãi, bởi sau này cháu lớn thì không thể ở mãi trong khoa trẻ sơ sinh. Bệnh viện đã liên hệ với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người có công tỉnh Quảng Bình nhưng Trung tâm không nhận đối tượng có HIV. Hiện lãnh đạo bệnh viện đang nỗ lực liên hệ với các tổ chức xã hội khác để nuôi dưỡng cháu, hy vọng sẽ tìm được cho cháu một chỗ tốt”, chị Thông cho biết.

Chị Thông nói, nếu gia đình nhận nuôi lúc này chị cũng chẳng an tâm, bởi sau 6 tháng trời chăm chút cho em được như hôm nay, chị muốn em phải được một địa chỉ có chuyên môn chăm sóc để duy trì sự phát triển bình thường.

Ai cũng nhắc đến tương lai của em, nhưng hình như ai cũng muốn tránh đi một sự thật đau lòng là cùng với sự lớn lên của em, thứ virus chết chóc kia cũng lớn theo. Chính mẹ Thông cũng rối, bởi một mặt chẳng muốn rời xa đứa trẻ mà từ lâu chị coi như ruột thịt, một mặt lại muốn em được nuôi nấng tốt hơn trong quãng đời trước mắt.

Một mai, em sẽ chết. Chị Thông không muốn nghĩ tới điều đó dù nó đến chậm hay nhanh. Bởi chị biết rằng, cái gì thuộc về quy luật rồi nó sẽ đến, nhưng hạnh phúc với em lúc này thật giản đơn: em cần được bú no, được cảm nhận hơi ấm của con người bằng những cử chỉ âu yếm, bằng đôi bàn tay bé nhỏ nắm lấy ngón tay của mẹ Thông, lắc lắc…
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

2. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Hồng Kỹ