1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Tưởng không còn cơ hội sống tiếp, nhờ bạn đọc Dân trí cuộc sống đổi thay

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Từng nghĩ rằng không còn cơ hội sống tiếp, nhưng nhờ bạn đọc Dân trí, anh Thương đã đổi đời, cuộc sống ngày một khấm khá.

Buổi chiều đi chợ Tết về, anh Huỳnh Minh Thương (32 tuổi, ngụ tại xã Hưng Khánh Trung, huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bất ngờ lấy trong túi ra đôi bông tai vàng tặng vợ. Chị Lê Thị Cẩm Giang (30 tuổi) xúc động đến phát khóc, bối rối trao đứa con trên tay cho mẹ chồng để đón nhận món quà.

Tưởng không còn cơ hội sống tiếp, nhờ bạn đọc Dân trí cuộc sống đổi thay - 1

Gia đình anh Thương hạnh phúc đón xuân mới (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chuyện anh Thương nhân vật trong bài viết:" Hai cha con bị chấn thương não không tiền chữa trị", có thể sống, có thể khỏe lại là điều mà chị Giang đã có khi "không dám chắc". Vì vậy mà mỗi món quà, mỗi đồ dùng anh Thương mua về, đối với chị Giang đều là một điều rất đặc biệt.

Năm nay xưởng nhôm kính của anh Thương đông khách, gia đình có điều kiện sửa lại căn nhà, cái Tết cũng đủ đầy hơn. Dù vậy, ký ức kinh hoàng 7 năm trước mỗi khi nhắc lại chị Giang vẫn chưa thôi sợ hãi.

Tưởng không còn cơ hội sống tiếp, nhờ bạn đọc Dân trí cuộc sống đổi thay - 2

Anh Huỳnh Minh Thương năm 2017 nằm liệt giường (Ảnh: Phạm Tâm).

"Lúc đó lương của chồng là nguồn sống duy nhất của cả nhà, em thì đang bầu 6 tháng, thai yếu nên chỉ nằm trên giường, không làm được gì cả. Chiều hôm đó nghe tin chồng rơi từ trên cao xuống, nguy kịch, em cũng ngất luôn", chị Giang nói.

Sự cố xảy ra cuối năm 2017, khi đang sửa nhà giúp hàng xóm, anh Thương không may rơi từ trên cao xuống, đa chấn thương, vỡ sọ. Sau hơn một tháng chạy chữa ở bệnh viện tại TPHCM, hết tiền, gia đình đành đưa anh Thương về.

"Lúc đó Thương được chỉ định thay mảnh sọ nhân tạo với giá hơn 200 triệu đồng. Đi xin vòng vòng trong xóm mỗi nhà được mấy chục nghìn đồng, không đủ tiền cho con nằm viện, tôi đành đưa nó về.

Thời điểm đó gia đình đã dự định bán mảnh đất với căn nhà lá để cứu con, nhưng nếu mà có bán cũng không đủ tiền, cũng đã hết đường vay mượn. May sao đang lúc ngặt nghèo thì cô Tâm ở báo Dân trí tới thăm, viết bài kêu gọi ủng hộ giúp cho", bà Trịnh Thị Xuân (52 tuổi, mẹ anh Thương) kể.

Tưởng không còn cơ hội sống tiếp, nhờ bạn đọc Dân trí cuộc sống đổi thay - 3

Ngày cận Tết, xưởng nhôm kính của anh Thương vẫn không hết việc (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chồng bà Xuân bị tai nạn giao thông nằm một chỗ từ năm 2007. Thời điểm đó, con trai, con dâu đều đang điều trị, mình bà Xuân phải gánh vác tất cả. Áp lực khiến bà bị suy tim, đến nay vẫn phải uống thuốc hàng ngày.

"Lúc đó bối rối lắm, nên không nhớ rõ được bạn đọc Dân trí hỗ trợ bao nhiêu, chỉ nhớ có mấy lần nhận tiền, lần nhiều nhất là gần 150 triệu đồng. Cùng với các mạnh thường quân khác hỗ trợ thêm là tôi đủ tiền lo cho con, Thương sống, nhà đất vẫn còn", bà Xuân nói.

Được thay mảnh sọ, nằm điều trị thêm một tháng, sức khỏe anh Thương dần ổn định, có thể về nhà tập đi. Lúc này chị Giang cũng vừa sinh đứa con đầu lòng.

Thêm gần nửa năm với sự quyết tâm "khỏe lại để nuôi cha mẹ, vợ con", anh Thương đã có thể đi làm. Rồi cuộc sống cứ thế mỗi ngày lại thêm một niềm vui, lúc anh Thương dừng uống thuốc cũng là khi con gái đầu lòng biết cất tiếng gọi ba.

Tưởng không còn cơ hội sống tiếp, nhờ bạn đọc Dân trí cuộc sống đổi thay - 4

Từng nghĩ rằng gia đình không thể vượt qua hiểm cảnh, giờ đây mỗi ngày đối với bà Xuân đều là một ngày vui (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thêm hơn một năm nữa, con gái thứ 2 ra đời, anh Thương cũng gom được tiền mở riêng cho mình một cửa hàng nhôm kính.

"Có khi em chỉ ước anh ấy sống với mẹ con em là mừng, chỉ sợ con sinh ra không nhìn thấy mặt ba. Không ngờ anh ấy có thể được như bây giờ. Em cảm ơn mọi người đã giúp gia đình em nhiều lắm", chị Giang xúc động nói.

Mấy năm qua, xưởng nhôm kính của anh Thương đã mở rộng 3 lần, anh cũng đã thuê thêm thợ phụ. Bà Xuân chia sẻ rằng "xưởng hôm nào cũng có khách".

Giờ đây, tiếng máy cắt, máy khoan trong xưởng vang lên suốt ngày. Trong nhà, tiếng 2 đứa trẻ nô đùa không ngớt, chẳng chờ đến Tết cũng vui.

"Từ hồi đổi số điện thoại, tôi mất số cô Tâm nhà báo đã viết bài giúp đỡ, nhưng nhớ lắm. Gia đình cũng nhớ ơn mọi người đã giúp đỡ, dù không biết mặt, biết tên nhưng ngày nào cũng cầu nguyện cho mọi người bình an, hạnh phúc", bà Xuân nói.