1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Trao tặng ước mơ

(Dân trí) - Ước mơ được đi học, ước mơ làm được việc để gia đình bớt gánh nặng vì bản thân tàn tật của mình là niềm mơ ước khôn nguôi của mỗi một người khuyết tật. Học bổng Người bạn đồng hành trao cho họ cơ hội học tập chính là trao tặng ước mơ.

 

Trao tặng ước mơ - 1

Quang cảnh lễ tổng kết 1 năm hoạt động.
 
Đó là tâm sự của em Ngô Thị Năng, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Quản trị doanh nghiệp, một trong những sinh viên khuyết tật (SVKT) được nhận học bổng của chương trình Người bạn đồng hành.

 

Ngày 25/10, tại Lễ tổng kết 1 năm chương trình học bổng Người bạn đồng hành, thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, cố vấn chương trình cho biết: “Qua 1 năm hoạt động, chương trình đã trao tặng 21 suất học bổng cho 21 em SVKT và 21 suất dạy kèm miễn phí cho các em học sinh KT khác”.

 

Có lẽ đây là học bổng có giá trị lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Mỗi suất trị giá đến 12 triệu đồng/năm, được phát hàng tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng. SV sẽ được nhận suốt trong thời gian học tập ở trường cho đến khi tốt nghiệp. Với mức hỗ trợ này, SV nghèo sẽ có đủ chi phí chi trả việc học của mình mà không phải lo lắng gì.

 

Hơn thế nữa, giá trị của học bổng này không chỉ ở số tiền lớn, nó còn giá trị ở ý nghĩa nhân văn của phương thức cho và nhận. Tiêu chí của học bổng là hỗ trợ người khuyết tật (NKT) phát triển nên đối tượng nhận học bổng là SVKT. Mỗi em SV nhận học bổng sẽ chịu trách nhiệm dạy kèm một em KT khác, tức là cho đi kiến thức của mình. Điều này giúp các em SVKT thấy mình xứng đáng với sự hỗ trợ này.

 

Em Nguyễn Thị Hà Minh đang học lớp 8 trường chuyên Trần Đại Nghĩa thì căn bệnh nhược cơ của em bộc phát. Cô học sinh giỏi ngày nào đột nhiên trở thành một cô bé KT nặng, chỉ có thể nằm một chỗ vì cơ toàn thân đều teo tóp lại. Vì thế, cơ hội đến trường của em cũng khép lại.

 

Em vẫn ước mơ được tiếp tục học. Nhưng việc thuê giáo viên riêng dạy tại nhà vượt quá khả năng gia đình em. Em cho biết: “Khi biết có học bổng này, em viết thư xin một suất dạy kèm tại nhà ngay”. Khi được chương trình cử SVKT đến tận nhà dạy em mỗi ngày, em đã được học tập trở lại, khiến lòng em ngập tràn hy vọng.

 

Hà Minh tâm sự: “Chương trình đã giúp những NKT nặng không thể đến trường có cơ hội được học tập, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, mở rộng tầm nhìn và có thể tìm được một cơ hội nghề nghiệp, phát triển bản thân”.

 

Không chỉ thế, chính nhờ phương thức SVKT dạy kèm học sinh KT đã giúp nhiều em KT hiểu hơn về những NKT hoặc những người kém may mắn khác xung quanh mình. Từ đó, họ vượt qua được những rào cản xã hội và những rào cản trong chính nhận thức của mình để sống tốt hơn.

 

Em Nguyễn Thị Thảo, SV khiếm thính của trường ĐH KHXH&NV, được nhận học bổng này và chịu trách nhiệm dạy kèm cho 1 em HS “có H” tên T., sống tại Trung tâm Tam Bình.

 

Ban đầu, vì T. luôn bị kỳ thị khi đi học hoà nhập nên em không dám gần cô giáo dạy kèm là SVKT này. Còn Thảo thì ngại ngần T. “có H” nên cũng không dám gần gũi em. Cứ bắt đầu vào học là trò khóc không chịu học khiến cô cũng khóc theo.

 

Rồi dần theo thời gian gần gũi, tìm hiểu nhau, Thảo đã vượt qua sự sợ hãi, ngại ngần của mình để tiếp cận, trò truyện cùng T. Rồi hai cô trò cũng hiểu nhau và cởi mở lòng mình hơn. Đến nay, Thảo không chỉ dạy tốt cho T. mà còn nhận dạy kèm thêm 1 em “có H” khác tại trung tâm. Thảo tâm sự: “Tôi đã chiến thắng sự sợ hãi của tôi để mỗi khi đến trung tâm lại thấy lòng mình thanh thản lạ.

 

Với những ưu điểm trên, nói học bổng này là “một học bổng độc đáo và có giá trị cao” như nhận xét của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường đại học Trí Việt cũng không có gì là quá đáng.

 

Tùng Nguyên