Trắc trở một khát vọng vào đời
(Dân trí) - Bố mất khi em chưa kịp chào đời, một thân mẹ gồng gánh nuôi hai đứa con trưởng thành và được học hành chu đáo. Nhưng khi ngưỡng cửa vào đời của em rộng mở hơn bao giờ hết thì tất cả đang có nguy cơ khép lại.
Chị Lê Thị Tâm (51 tuổi) ở xã Hưng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó của một xã miền tây. Cuộc sống chỉ quanh quẩn ruộng đồng, quanh năm chị chỉ biết tay cày tay cuốc lo cho cuộc sống của gia đình rồi chồng con. Mưu sinh nơi đất khó nên việc làm ra đồng tiền cũng là một vấn đề hết sức khó khăn. Tiền nhiều hay ít đều được đo bằng thước đo sức khỏe của mỗi người.
Tuổi trẻ, chị lớn lên và thủ phận gái của mình, chị gặp rồi lấy người chồng đầu tiên ở xã bên. Những tưởng là hạnh phúc nhưng khi sinh đứa con đầu long hai vợ chồng khúc mắc dẫn đến anh bỏ chị lại với đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Cắn răng chịu đựng và xem đó là số phận chị nuôi con một mình.
Năm 1990, trong một chuyến công tác của anh khi đi khảo sát môi trường tại Quảng Bình. Khi gặp chị, tình người trong anh đã vượt lên tất cả những lời “răn” của gia đình, bạn bè để anh đến với chị và bắt đầu cuộc sống mới với việc chăm sóc đứa con riêng của chị.
Chị theo anh vào quê anh sống. Hai năm sau, khi hạnh phúc của anh chị được đơm hoa kết trái, cái thai tháng thứ 7 của chị quá lớn và ước nguyện được về quê sinh con được anh đồng ý.
Cháu Dương mong mỏi ngày được bước chân vào giảng đường Đại học.
Chị trở ra quê, khi vừa đặt chân vào nhà thì được Mẹ chị cho biết “chồng con vừa bị đột tử sang nay, cơ quan mới báo ra”. Chị choáng váng không nói nên lời nào liền đổ sụp trước cửa. Không thể để anh cô đơn 1 mình, chị mang cái bụng sắp sinh trở lại quê anh. Sau khi lo lắng cho anh xong, chị trở lại quê và sinh cháu đặt tên Phan Phùng Dương. Năm nay, Dương đã 18.
Cuộc sống cứ lặng thầm trôi đi, những mùa gặt, những căn nhà trong làng của chị đều có bàn tay làm thuê của chị. Bà con lối xóm thương chị giúp đỡ, động viên để chị vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Những đứa con lớn lên thiếu sự chăm sốc của bàn tay cha, chị còn xuân, nhiều người đàn ông cũng muốn được “gánh vác” giúp chị gia đình đó nhưng chị đã từ chối. Chị sống với hai đứa con đó là tài sản vô giá của cuộc đời chị. Nhiều khi đau ốm, chị cố cắn răng chịu dựng để vượt qua…
Khát vọng bị dập tắt
Cuộc đời làm thuê, làm mướn và trong nhà chỉ mỗi 3 sào ruộng nên không đủ ăn. Căn nhà xưa đã dựng nay ọp ẹp và sẽ tiêu tan khi một cơn gió qua. Chị đã khó nay còn khó hơn khi mình bị thoái hóa 5 đốt sống lưng nay thêm bệnh kinh niên vậy nên đứa con đầu của chị đành đi làm thuê để kiếm tiền cho mẹ chạy chữa và nuôi em ăn học.
Năm 2008, thực hiện nghĩa vụ của 1 người công dân, đứa con đầu Phan Phùng Định đã lên đường nhập ngũ. Biết gia cảnh khó, em tằn tiện đồng phụ cấp gửi về giúp mẹ. Dương cũng thấy thế nên buổi đi làm buổi đi học để kiếm sống qua ngày…
Hơn ba tháng chị nằm liệt một chỗ, con đầu đi nghĩa vụ, đứa con thứ 2 ốm nhưng chị chẳng thể nào lo nỗi cho nó đành nhờ bà con anh em và làng xóm. Sức chịu đựng thì có hạn, chị vẫn gượng dậy và bỏ qua lời khuyên của bác sỹ để đi làm thêm những việc nhỏ kiếm sống và cố gắng chắp cánh ước mơ cho đứa con thứ hai khi trước ngưỡng cửa đại học…
Trong một buổi trưa nắng ở căn nhà dột nát của hai mẹ con chị Tâm, chúng tôi không thể cầm lòng trước lời tâm sự buồn của em Dương. Trong 12 năm học vừa qua, đã có lúc em tưởng chừng không thể tiếp tục học nữa nhưng nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình em không thể phụ lòng mẹ.
12 năm ăn học, nhiều giấy khen và học bổng được các tổ chức đoàn thể trao tặng là một minh chứng cho trường hợp học sinh vượt khó của em. Trước ngưỡng cửa Đại học, chắc em cũng cố gắng thi cho đỗ còn học…?! Em cần phải đi làm để kiếm tiền đã, nếu đi học mẹ lấy đâu tiền nuôi em.
Câu nói bỏ lửng của em và ánh mắt đượm buồn khi nhìn ra cửa. Ngoài đó trời nắng chói chang của miền trung đang phủ đầy vườn chuối nơi đó là nguồn sống của hai mẹ con. Mỗi cây chuối trổ hoa là một hy vọng cho bữa cơm mới. Bao nhiêu buồng chuối mới đủ để em thực hiện được ước nguyện của mình và khỏi phụ công của mẹ…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Lê Thị Tâm: Thôn Nam Giang - xã Hưng Trạch - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 SWIFT Code: ICBVVNVX106 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Hồng Loan