Trong cái nắng gắt của những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đã tìm về nhà anh Đặng Hữu Nghị, một ngôi nhà nhỏ hai gian nằm trên một mảnh vườn đầy cỏ dại ở thôn 6, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong căn nhà tồi tàn ấy anh Nghị nằm trên chiếc giường nhỏ trông ốm yếu, nhợt nhạt. Có khách vào anh Nghị gượng ngồi dậy. Nhìn đôi tay yếu ớt cố víu lấy thành giường để ngồi dậy mới thấy sức khoẻ của anh đã yếu nhường nào. Sau một lúc trò chuyện, khi tôi nhắc đến cha mẹ và vợ con thì thấy khoé mắt anh đỏ lên, anh nói “cha mẹ thì đi làm đồng còn vợ thì ở tận TPHCM”
Ngôi nhà như chiếc canh chòi nhưng 6 năm qua là
nơi trú ngụ của anh Nghị cùng bố mẹ già và người vợ. (Ảnh: Văn Dũng)
Nghe anh Nghị kể thì cuộc đời anh gần như đã khép lại ở độ tuổi đôi mươi. Năm 2002 anh kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Thư quê ở xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên. Vì hoàn cảnh khó khăn anh chị vào TPHCM để tìm việc kiếm sống. Được hơn 1 năm thì anh đổ bệnh không làm được nên anh chị lại phải đưa nhau về quê. Số tiền ít ỏi hai vợ chồng dành dụm được nhanh chóng hết sạch theo từng thang thuốc cho anh.
Sau một thời gian thuốc thang thấy không đỡ, đầu năm 2004 người cha già Đặng Hữu Sự đã đưa anh ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để khám. Tại đây anh được các bác sỹ kết luận là bị các chứng bệnh suy tim, đau khớp, dạ dày nhưng nặng nhất là suy thận giai đoạn cuối, nếu không kịp thời chữa trị thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Dẫu không có tiền, nhưng trước căn bệnh hiểm nghèo của người con cha mẹ anh đã phải chạy vạy, vay mượn để thuốc thang cho con. Nhiều đồ đạc có chút giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi nhưng bệnh của anh Nghị cũng chẳng đỡ được là bao. Để có thêm tiền thuốc thang cho chồng chị Thư đi làm đồng nát. Cùng với chiếc xe đạp gần 6 năm nay chị rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm để góp nhặt từng đồng. Vốn sức khoẻ chị yếu nên những ngày trái gió trở trời là chị lại đau ốm nên chẳng thể bước đi. Những hôm như thế chị lại bất lực nhìn chồng vật vã với những cơn đau dữ dội.
Anh Nghị thương cha mẹ, thương vợ nhưng chẳng biết làm sao. Anh buồn bã kể: “Nhiều lúc tôi lại nghĩ quẩn, sống thế này thì chỉ càng tội cho cha mẹ và vợ mà thôi. Mà không thương sao được, lấy nhau được hơn 1 năm chưa có con thì tôi đổ bệnh, gần 8 năm là vợ chồng thì 6 năm vợ tôi bươn chải nuôi chồng bệnh tật mà chưa có một ngày được làm thiên chức của người phụ nữ”.
Anh Sự với vết mỗ chạy thận nhân tạo. (ảnh: Văn Dũng)
Chúng tôi đang dở câu chuyện thì cha mẹ anh đi làm đồng về. Nghe ông bà Sự kể thì anh Nghị bất hạnh 1 thì vợ chồng ông bất hạnh 10. Đã trên tuổi 60 nhưng anh Nghị thì bệnh tật, một người con trai khác của ông bà cũng mắc chứng tâm thần nhẹ, còn người con gái thì đã đi lấy chồng nên mọi công việc đồng áng đều ở hai tay ông bà.
Ông Sự tiếp tục câu chuyện mà tôi với anh Nghị đang dỡ. “Đến năm 2006 thì thận của thằng Nghị hỏng hẳn, phải thay thận không thì phải chạy thận nhân tạo. Tôi nói với bác sỹ là tôi cho nó thận để thay, nhưng bác sỹ cho biết phẫu thuật hết hơn 80 triệu. Đành chịu”, ông Nghị giọng buồn kể.
Không còn cách nào khác từ 2006 tới nay anh Nghị phải chạy thận nhân tạo. Trung bình mỗi ngày anh phải sử dụng 6 túi dịch (tương đương 12kg dịch). Hàng tháng chăm sóc và thuốc thang cho anh Nghị tốn gót gét khoảng 3-4 triệu đồng. Đó là chưa kể những lần anh phải ra Hà Nội, kiểm tra và chữa trị. Như tháng 3 vừa rồi, vết mổ của anh bị nhiễm trùng phải ra Hà Nội để điều trị một tháng hết hơn 10 triệu đồng.
Tiền không có, vay mượn mãi không đủ, thương tình bà con hàng xóm láng giềng mỗi người một ít quyên góp lại để ông mang ra Hà Nội thanh toán tiền viện cho anh. Để chạy chữa cho con, số tiền mà ông bà Sự vay mượn đến nay đã hơn 40 triệu đồng. Đầu năm nay khi không còn có thể làm đựơc việc nặng nữa chị Thư đã đón xe vào TPHCM để phụ giúp việc gia đình. Có được đồng nào chị lại gửi về quê chăm chồng, nhưng tiền chị gửi về chỉ như muối bỏ bể, chồng chị vẫn bệnh tật đầy mình.
Vợ chồng ông Sự thay nhau chăm sóc cho con để vợ anh Nghị vào TPHCM
giúp việc nhà kiếm thêm tiền thuốc thang cho chồng (ảnh: Văn Dũng)
Bà Nhuận ngồi đó, tay gạt dòng nước mắt chen vào một câu nghẹn ngào: “Thằng Nghị đau nằm đó, tôi thương nó năm nhưng thương con dâu tôi thì mười”. Nhiều lúc nhìn những đứa trẻ con, nước mắt bà lại chảy dài, lòng quặn thắt mà thương con dâu. Bà phải nuốt nước mắt vào lòng để tiếp tục cố gắng và hy vọng.
Câu nói của bà làm ông Sự cũng không cầm nổi nước mắt: “Ước nguyện cuối cùng của cuộc đời tôi là có đủ tiền để mổ lấy thận của tôi thay cho nó”, ông nói trong nghẹn ngào.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Ông Đặng Hữu Sự, thôn 6, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội * Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 10 202 0000 004346 Switch Code : ICBVVNVX106 639 Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269
|
Lê Trình -Văn Dũng