1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Mã số 549;

Thương đàn con nhỏ bơ vơ khi mẹ bị ung thư

(Dân trí) – Từ ngày mẹ bị ung thư vào Nam chữa trị, cha đi theo phu hồ kiếm tiền chạy thuốc từng ngày, trong căn nhà lộng gió, 4 cô con gái nhỏ phải tự bao bọc, cán đáng việc nhà. Nỗi nhớ cha, thương mẹ cứ quay quắt trong giấc ngủ trẻ thơ…

Lá thư thấm đẫm nước mắt của người thầy

Báo điện tử Dân trí nhận đơn xin giúp đỡ, nói đúng hơn đó là lá thư kêu cứu của một người thầy. Lá thư thấm đẫm nước mắt, đầy sự rung động nhân văn, nói về hoàn cảnh của 4 đứa học trò nhỏ như bầy chim non bơ vơ, lạc loài… khi tai họa ập xuống. Người thầy đó là Nguyễn Văn Thái, giáo viên trường THCS Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam. Hoàn cảnh mà thầy nói đến là 4 bé gái, gồm: Nguyễn Thị Nga (17 tuổi, lớp 11), Nguyễn Thị Thúy Hằng (13 tuổi, lớp 7), Nguyễn Thị Thùy Vân (10 tuổi, lớp 4) và cháu nhỏ nhất mới 6 tuổi, học mẫu giáo tên Nguyễn Tô Hoài Ly.

Thầy Thái là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn văn cho cháu Hằng (lớp 7, trường THCS Quế An). Thấy học trò đến trường trong tình trạng thiếu ngủ, vẻ mặt bơ phờ, xanh xao, ốm yếu… thầy ân cần tìm hiểu. Qua học sinh, được biết nhà Hằng rất nghèo, đông con và mẹ bị ung thư phải vào TPHCM trị bệnh nên Hằng cùng chị lo cho 2 đứa em nhỏ, cáng đáng việc gia đình. Lạ thay, dù vất vả, khó khăn là thế, nhưng các cháu luôn có học lực khá, giỏi.
Thương đàn con nhỏ bơ vơ khi mẹ bị ung thư
Không mẹ, cháu Hằng phải chăm em, giữ bò và nấu cám cho heo sau giờ học

Thương cảm, thầy lặn lội tìm vào tận nhà thăm nom. Nhìn cảnh nheo nhóc của 4 đứa con gái nhỏ tự lo đùm bọc lấy nhau trong cơn đói khát dật dờ, thầy đã vận động các giáo viên, đoàn thể… tìm cách giúp đỡ nhưng ở mức độ hạn chế.

“Trước Tết, bà con giúp các cháu được một bao gạo, vài bộ quần áo cũ và 800.000 đồng. Để lo các cháu trong thời gian dài sắp tới, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người. Vì vậy tôi viết thư này, rất mong nhận được sự quan tâm từ những bạn đọc có tấm lòng nhân ái của báo điện tử Dân trí để việc học của các cháu không bị đứt đoạn”, thầy Thái tâm sự.

Thay mẹ nuôi em

Chúng tôi về tận nhà các cháu tìm hiểu sự việc. Con đường ngoằn ngoèo xa hun hút. Vào nhà, không có lấy một bóng người. Căn nhà cũ rích, trống huơ. Gọi mãi, mới thấy 2 chị em Thúy Hằng, Hoài Ly đang chăn bò ngoài đồng về. Nhìn hai dáng nhỏ, liêu xiêu trong chiều, cong lưng kéo con bò lì lợm đang no tròn bụng cỏ về, lòng chúng tôi ai cũng nao nao. Hôm đó, không gặp được cháu Nga và Vân vì 2 cháu đi học buổi chiều.

Một chút nữa, anh Nguyễn Ngọc Quang (41 tuổi), cha của 4 đứa con gái nhỏ đang đốn cây bên núi tất tả chạy về. Hai đứa con gái ngoan ngoãn nghe lời cha, xuống đun ấm nước chè mời khách. Anh Quang kể, khi phát hiện ung thư, vợ anh, chị Tô Thị Dung (37 tuổi) bị sốc. Viễn cảnh về cái chết, chị không sợ, nhưng chị sợ rồi một ngày gần đây, chị chết, 4 cô con gái nhỏ sẽ bơ vơ. Anh và các con khuyên mãi, chị mới chịu vào bệnh viện Ung Bướu, TPHCM điều trị.

Để có tiền lo cho vợ, anh Quang chạy vạy vay mượn khắp nơi. Chưa đủ, anh phải vào TPHCM chăm sóc cho vợ, vừa làm phu hồ kiếm tiền chạy thuốc. Cha mẹ đi rồi, 4 đứa con phải tự chăm sóc nhau. Nga, Hằng là 2 chị lớn phải dậy sớm nấu cơm cho em ăn đi học. Chiều về, Nga nấu cám heo, còn Hằng lo tắm rửa cho 2 em. May mà, học trái buổi nên công việc gia đình, Nga, Hằng mỗi đứa lo một buổi. Nhìn Hằng dáng người nhỏ thó, thoăn thoắt nhặt rau lang, khệ nệ bê nồi cám heo nhóm bếp mà thấy đau lòng. Bé Hoài Ly cũng nhanh nhảu giúp chị. Ngần ấy tuổi, nhưng chị em biết sống đùm bọc thương yêu nhau. “Chúng cháu phải thật ngoan thì mẹ mới yên tâm chữa bệnh để mau khỏe rồi về với chúng cháu”, bé Ly luyến thắn.
Thương đàn con nhỏ bơ vơ khi mẹ bị ung thư
Đôi tay bé nhỏ của các cháu đang quán xuyến công việc cho người lớn. Các cháu luôn mỏng mỏi ngày được gặp mẹ
 
Còn anh Quang, khi nói về nghịch cảnh, anh nghẹn lời. Tôi dường như hiểu, có những nỗi đau, càng nói càng đau. Người đàn ông thường nuốt nước mắt vào trong, cốt không để vợ con phát hiện, lo buồn. 41 tuổi, với những gánh nặng lo toan, người đàn ông trụ cột gia đình như anh có lúc muốn ngã quỵ. Nhưng vì vợ, vì con, anh gắng gượng. Anh hết đốn cây thuê thì đi chặt củi bán. Ai kêu làm thợ thì anh cũng không quản đường sá xa xôi. Vất vả, cật lực là thế nhưng không đủ tiền lo cho vợ vô hóa trị.
 
Bán đàn heo không đủ, anh bán tiếp con trâu được 15 triệu gửi vào cho vợ cũng chẳng thấm thía gì. Bao nhiêu tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Vậy mà, ngày các con được gặp mẹ vẫn còn xa quá. “Đang chăm sóc vợ, nghe con bệnh, em phải về lo cho các cháu. Tết rồi, vợ em về được vài ngày rồi lại đi vào chữa bệnh. Nhìn vợ và các con bịn rịn, nước mắt ngắn dài mà đau như dao cứa trong lòng…”, ánh mắt sâu hoắm nhìn xa xa, người cha của 4 đứa con tâm sự.

Trải lòng của người mẹ ung thư

Một chiều đầu tháng 3, trong cái nắng quay quắt của phố phường Sài Gòn, tôi tìm đến phòng trọ của chị Tô Thị Dung, mẹ của 4 cháu bé ở số 8B, đường số 1, khu phố 1, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức. Khu nhà trọ cho công nhân xác xơ, vắng hiu. Cuối dãy là căn phòng nơi chị Dung đang trọ, càng xơ xác, trống rỗng.

Lần đầu tiên gặp chị, tôi không khỏi bất ngờ. Chị nhỏ thó, đầu trọc lóc, da xanh xao… Chị tiều tụy quá mức so với suy nghĩ của tôi. Trong căn phòng trọ không có lấy một thứ gì giá trị ngoài bình nước lọc, cái bếp gas và tấm vạt giường kèm theo mành chiếu nát, vài ba bộ quần áo cũ mem.
Thương đàn con nhỏ bơ vơ khi mẹ bị ung thư
Chị Dung tại căn phòng trọ trống huơ. Nỗi nhớ con cứ thường trược trong giấc ngủ hằng đêm. Chị sợ mình chết, 4 con nhỏ bơ vơ
 
Chị ngồi đó, ánh mắt khô khốc nhìn vào khoảng không vô định. Chị kể, vợ chồng chị đều mồ côi từ nhỏ, thất học, đồng cảm rồi đến với nhau. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở vùng quê không thủy lợi, mùa màng lệ thuộc thiên nhiên nên cuộc sống khốn khó. Dù vậy, anh chị vẫn cố gắng để cho các con ăn học, mong sao chúng không thất học như cha mẹ mà có được trình độ văn hóa, chí ít cũng tốt nghiệp THPT. Vậy mà, ước nguyện chưa thực hiện được thì chị bị ung thư vú.
 
Chạy chữa từ bệnh viện huyện rồi ra Đà Nẵng cũng không đỡ, chị khăn gói vào Sài Gòn với vài xu lẻ trong túi. “Họa vô đơn chí”, trong lúc chị lâm bệnh nan y thì ở quê, mùa màng mất trắng vì thiếu bàn tay chăm sóc. Không thu được hạt thóc nào, các con chị lâm vào đói khát mà vẫn gắng gượng đến trường đều đặn. Dù bà con láng giềng, lui tới nhắc nhở, bảo ban các cháu biết cách đùm bọc, chăm sóc nhau trong việc ăn ở, học hành nhưng chị vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng cho con.
 
Nhiều đêm, chị thức trắng, trằn trọc vì nhớ con. Nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má khô khốc. Có những đêm, chị nằm nhìn lên trần phòng trọ, thở dài theo nhịp trôi của thời gian. Đói, khát, nhớ chồng, thương con và cơn bạo bệnh hành hạ, còn nỗi bất hạnh nào hơn với chị!.

Không có tiền nội trú, chị phải ở trọ tận Thủ Đức, ngoại ô của TPHCM và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Cứ mỗi tuần, chị đều đặn lên tái khám theo chỉ định. Truyền đến toa hóa trị thứ 3, thuốc nóng làm tóc chị không còn sợi nào, đôi chân gầy gò bỗng nhiên đầy ghẻ lở. Đến nay, chị Dung đã vào toa thuốc thứ 6, mỗi toa hết 3 triệu đồng. Số tiền chạy bệnh của chị đến nay ngót nghét đã 100 triệu. Gần đến ngày mổ, cắt bỏ khối ung thư với số tiền lớn nhưng chị không biết xoay đâu ra, trong khi ở quê nhà, cả gia đình đang lâm vào cảnh khánh kiệt.

“Mấy hôm nay, bé út ở nhà bị bệnh. Nghe tin con đau mà lòng dạ cồn cào. Cháu bệnh nhưng lần nào điện vào cũng an ủi mẹ ráng chữa lành bệnh rồi về với con. Ai mà không ước mình khỏe mạnh. Em mong khỏe mạnh để gia đình sớm được đoàn tụ, được ôm những đứa con thơ vào lòng…. Mong mỏi bình dị ấy mà sao nghe xa xỉ với em quá…”, chị Dung khóc ròng.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Chị Tô Thị Dung, địa chỉ nhà trọ: số 8B, đường số 13, khu phố 1, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TPHCM.

ĐT: 01672.838.447

Số tài khoản: 6100.205.162.979, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Phòng giao dịch Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM.

Hoặc cháu: Nguyễn Thị Thúy Hằng (con gái thứ nhì của chị Dung), học sinh lớp 7/2, trường THCS Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK -  MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

 VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm