Mã số 1419:

Thương cảnh mẹ mù lòa, con tàn tật chỉ mong không bị đứt bữa

(Dân trí) - Mắt lòa, chân bước không nổi, bà Thanh phải bỏ nghề ăn xin đã theo mình suốt 40 năm. Điều đó cũng đồng nghĩa thân già hơn 70 tuổi và đứa con trai tật nguyền phải sống lay lắt nhờ vào chế độ trợ cấp của nhà nước và tình thương của làng xóm.

Thương cảnh mẹ mù lòa, con tàn tật chỉ mong không bị đứt bữa
Tuổi cao, mắt lòa, bà Thanh phải bỏ nghề ăn xin, đông nghĩa với việc hai mẹ con đứng trước nguy cơ đứt bữa.

Căn nhà tình nghĩa được xây hơn 15 năm ngoảnh mặt ra biển. Gió cuốn đám bụi cát bay từ tung rồi quẩn vào nhà. Căn nhà bé xíu nhưng có lẽ lâu lắm rồi chẳng được quét tước, dọn dẹp. Bà Nguyễn Thị Thanh (73 tuổi) ngồi trước bậu thềm hướng đôi mắt lòa, mí sụp xuống che gần hết con ngươi nhìn ra phía biển, nơi có tiếng sóng vẫn vỗ ì oạp suốt ngày đêm. Anh con trai cũng cố gắng vịn vào bờ tường rồi đứng bám vào cửa, nhìn ra phía biển mà chẳng nói năng gì. Hai con người, hai khuôn mặt lem luốc và khổ cực in hằn trên từng đường nét cứ lặng lẽ đứng nhìn ra nơi ánh nắng chói lóa bãi cát trắng.

“Hắn đi lại khó khăn do bị tật từ hồi sinh ra. Giờ gần 40 cái tuổi rồi cũng chỉ biết ăn rồi ngồi trong nhà, thi thoảng bám tường đi vài bước như trẻ con một tuổi. Nó nhìn được, nghe được nhưng không có nói được chi hết”, bà Thanh tuôn một tràng về người con trai Lê Văn Lý của mình.

Bà Thanh và chồng Lê Văn Dũng sinh được 2 người con trai. Anh đầu may mắn tỉnh táo hơn chút ít nhưng từ khi lớn lên đến giờ anh ta đi đâu biệt tích, cũng chẳng có thư từ liên lạc gì về nhà. Bà Thanh cũng chỉ biết con mình ở đâu đó trong Nam thôi. “Đến đợt bố nó ốm rồi chết mà nó cũng có về thắp được nén hương mô”, bà thở dài, đôi mắt kèm nhèm hấp háy.

Không ruộng vườn, không tàu thuyền, cuộc sống của mấy con người trong gia đình ấy tá túc trong một cái túp lều dựng tạm bên bờ biển. Nghề chính của họ là đi ăn xin. Cái nghề đã đeo bám họ từ hồi thanh niên cho đến tận năm ngoái. Bà Thanh kể: “Ông ấy thì đi xin ăn còn tôi thì sáng sáng xuống bến cá, xin người ta ít con cá vụn rồi bán lấy tiền đong gạo thôi”.

Ngôi nhà với những bức tường đen kịt mồ hôi của hai con người lần mò bám víu để đi lại.
Ngôi nhà với những bức tường đen kịt mồ hôi của hai con người lần mò bám víu để đi lại.

Biết hoàn cảnh ông bà nên chủ tàu cũng cho, bữa dăm con cá, bữa vài lạng moi biển. Cứ mỗi thuyền cho một ít, bà lại xách cái rổ bé tý ấy lên chợ ngồi bán. Tiền bán cá cộng với kết quả đi xin của ông Dũng cũng đủ để đắp đổi mắm muối qua ngày. Cũng bởi nghèo khó quá mà ông bà cũng không có điều kiện để đưa con đi khám thế nên đôi chân của Lý bị khèo rồi liệt hẳn. Đến khi lớn lên, cố gắng tập luyện nên anh Lý mới có thể di chuyển được từ giường ra cửa.

Xét hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của gia đình, Cảng Nghệ Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng một căn nhà tình nghĩa lợp ngói prô xi măng rộng 2 gian tặng ông bà. Vậy là 3 con người khốn khổ ấy đã có thể có một mái nhà thật thụ. Vậy nhưng ông Dũng chẳng ở được bao lâu trong ngôi nhà tình nghĩa ấy. Ông đột ngột qua đời sau một trận ốm cách đây đúng 15 năm. Chồng chết, bà Thanh tiếp tục “sự nghiệp” đi xin để nuôi người con tật nguyền. Nhưng cái “sự nghiệp” ấy bà Thanh cũng chỉ có thể bám trú đến hết năm ngoái. Khi các xương khớp bắt đầu rệu rã, đôi mắt không còn nhìn thấy đường đi, bà quyết định bỏ nghề.

Bỏ nghề, nghĩa là mất nguồn thu nhập chính. Hai mẹ con chủ yếu sống bằng số tiền chế độ dành cho người tàn tật. Mỗi tháng 630 nghìn đồng “cõng” tất cả chi phí ăn uống, sinh hoạt, chữa bệnh. “Nhịn mồm nhịn miệng thì cũng qua ngày đoạn tháng. Hơn 600 nghìn, ngoài tiền mua gạo, dầu, muối thì cũng chỉ mua được ít cá về kho mặn và rau về ăn “lừa” cơm thôi. Thịt thì chỉ đầu tháng mới được ăn, hoặc khi nào các chú bộ đội bên nhà mang sang biếu thì mới có”, bà Thanh kể về cuộc sống của hai mẹ con.

40 tuổi, việc duy nhất anh Lý có thể làm là bám vào tường để di chuyển từ giường ra cửa.
40 tuổi, việc duy nhất anh Lý có thể làm là bám vào tường để di chuyển từ giường ra cửa.

Thương hoàn cảnh mẹ mùa lòa, con tật nguyền nên hàng xóm và đội hậu cần đảo Ngư đóng bên nhà vẫn thường sang giúp đỡ, khi miếng thịt, khi con cá. Lúc đó, hai mẹ con mới có tý chất tươi. “Sức lực của tôi giờ chẳng làm được chi cả. Ăn uống như thế nào rồi cũng qua một đời người thôi. Chỉ mong cái thùng gạo luôn đầy để không phải bị đứt bữa. Tôi chỉ sợ, khi mình nằm xuống, ai lo cho thằng Lý?”, bà Thanh lo lắng.

Nói rồi bà rờ rẫm đi lại góc nhà, giở nồi cơm điện cũ mèm xúc tô cơm nguội ngắt rồi lấy mấy con cá nhỏ kho trong nồi mang tới cho con. Trời nắng, món cá biển kho lõng bỏng nước, thiếu đủ thứ gia vị và đã bắt đầu có mùi khó chịu khiến tôi thấy ngộp thở. Nhưng rồi chợt thấy đắng lòng bởi 2 con người, chỉ mong no cái bụng để sống thì những con cá tươi, ngon cũng xa với lắm.

Căn nhà tình nghĩa từ hồi xây dựng nên có lẽ đã không được tu sửa thường xuyên. Tường vôi bong tróc, nền nhà lở lói, những tấm prô xi măng đã bị vỡ thành từng miếng. Dẫu gió biển thổi suốt ngày đêm cũng không thể xua hết cái nắng nóng oi bức trong căn nhà. Trên tường là những dấu tay đã đen kịt lại thành từng mảng - kết quả của những năm tháng anh con trai bám tường để đi lại mà cái đích xa nhất của anh vẫn chỉ là cái cái cánh cửa nhà, nơi có thể bám lấy mà đứng để nhìn ra thế giới bên ngoài.

40 tuổi, việc duy nhất anh Lý có thể làm là bám vào tường để di chuyển từ giường ra cửa.
Hai mẹ con, hai con người nghèo khổ chỉ có niềm vui duy nhất là nhìn ra phía biển - nơi đã từng cho họ những bữa cơm no dẫu là những bữa cơm nhờ vào lòng thương hại của những ngư dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Bình - Phó chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và người con trai tàn tật Lê Văn Lý ở khối 5 là trường hợp khó khăn vào bậc nhất ở địa phương. Trước đây bà Thanh đi xin ăn thì cuộc sống cũng không đến nỗi quá khó khăn nhưng hiện nay sức khỏe kém, lại bị lòa nên bà ấy ở nhà.

Hai mẹ con đều được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người tàn tật nhưng những ngày lễ Tết hay những ngày đặc biệt, phường cũng ưu tiên đầu tiên cho gia đình bà ấy. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của phường cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Trước mắt thì là vậy nhưng về lâu dài, hoặc là khi bà Thanh không còn thì chúng tôi rất lo cho anh Lý. Anh ấy bị tàn tật từ nhỏ, không thể tự chăm sóc bản thân trong khi họ hàng nội ngoại đều ở rất xa”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 1.  Mã số 1419: Nguyễn Thị Thanh - khối 5, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An

SĐT: 0383 824417 (Văn phòng UBND phường Nghi Thủy, gặp anh Dũng)

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email:quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269


Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm