Mã số 88:

Tâm sự của cô thợ may một mình chạy thận

(Dân trí) - Ban đầu chỉ là những tiếng thút thít kìm nén rồi bật lên thành những tiếng nấc. Tiếng khóc vì đau đớn, tủi phận của chị khiến tôi tò mò. Chị nằm cô độc trên chiếc giường nơi góc phòng chờ đến lượt mình chạy thận.

Tâm sự của cô thợ may một mình chạy thận - 1

Một mình chị phải chống chọi với cơn đau hành hạ

Gần 30 tuổi nhưng cái mơ ước sâu kín, mãnh liệt của một người phụ nữ là có được một gia đình nho nhỏ với những đứa con khỏe mạnh có lẽ là quá xa vời với chị. Không phải chị xấu xí, nghèo hèn mà vì chị mắc một căn bệnh đến nhà giàu cũng khốn đốn chứ đừng nói đến người nghèo như chị: Suy thận mãn tính.

Nguyễn Thị Liễu là con thứ 4 trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con ở xóm 9, xã Lĩnh Sơn, huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). Như những đứa trẻ nhà nghèo khác, chị chỉ gắng học được đến lớp 7 rồi phải nghỉ vì hoàn cảnh không cho phép. Cô bé 13 tuổi ấy rời trường lớp lăn lóc trên những thửa ruộng khô cằn để phụ cha mẹ nuôi em.

Năm 2002, cha chị qua đời trong nghèo khó sau một cơn tai biến mạch máu não để lại cho người vợ 5 đứa con thơ dại (khi đó 2 người chị gái của Liễu đã đi lấy chồng). Thương mẹ khổ cực vất vả mà cả nhà vẫn thiếu thốn quanh năm, thương những đứa em mồ côi cha đang đối mặt vói nguy cơ bỏ học, Liễu quyết định rời làng quê xuống Thành phố Vinh để tìm việc làm.

Liễu được nhận vào học việc trong một hiệu may. Vừa phụ việc, vừa học nghề, cầm 300.000 đồng tiền lương tháng đầu tiên Liễu mừng đến chảy nước mắt. Chăm chỉ học hỏi, khi tay nghề của Liễu bắt đầu khá lên, chủ tăng lương cho chị lên 900.000 đồng/tháng. Liễu ăn uống kham khổ, dè sẻn trong chi tiêu để mỗi tháng có thể gửi về quê đỡ đần cho mẹ được vài trăm nghìn.

Đến năm 2007, Liễu thấy cơ thể mình mệt mỏi, mặt và chân tay cứ sưng tấy lên. Xin nghỉ làm đi khám, chị bàng hoàng khi biết mình bị suy thận. Và thực sự hoảng loạn khi nghe bác sỹ thông báo bệnh của chị đã sang giai đoạn mãn tính, chỉ còn cách chạy thận nhân tạo mới có thể duy trì sự sống.

Với tấm giấy chứng nhận hộ nghèo, đều đặn 3 buổi mỗi tuần chị vào Bệnh viện 115 để chạy thận. Chi phí điều trị và máy móc chạy thận được bảo hiểm chi trả nhưng tiền phòng điều trị quá sức đối với gia đình nghèo như chị. Để tiết kiệm, chị và một bệnh nhân chạy thận khác rủ nhau thuê một phòng trọ tại xóm 10, xã Nghi Phú để ở trọ. Chỉ những lúc phải chạy thận chị mới vào bệnh viện.

Bệnh tật không thể làm được gì để kiếm ra tiền trong khi gia đình cũng không chu cấp cho chị được nhiều. Bởi vậy chị ăn uống hết tiết kiệm để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Mỗi tháng 300.000 tiền trọ, mỗi ngày 50.000 tiền ăn đã là quá sức đối với chị. Cũng may những lúc chị lên cơn đau, những lúc thiếu thốn quá, các em sinh viên trọ cùng xóm lại gom góp ít tiền , nấu nướng giặt giũ giúp chị.

Tâm sự của cô thợ may một mình chạy thận - 2

Vừa đau đớn về thể xác, vừa tủi phận, nhiều lúc chị chỉ ước được chết đi

Lê Thị Quỳnh Trang - Sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Nghệ An, hàng xóm của chị Liễu cho biết: "Bác sỹ điều trị dặn chị phải ăn uống đủ chất mới đủ sức chống chọi lâu dài với bệnh tật nhưng chị ấy ăn uống kham khổ lắm. Sinh viên nghèo như bọn em chỉ giúp chị ấy được bát canh, con cá và đưa chị vào viện, thay nhau chăm sóc khi chị Liễu những đợt chị ấy phải đi cấp cứu thôi chứ cũng không giúp được gì hơn cả".

Quá ức chế với cuộc sống thiếu thốn mẹ chị sinh ra tính khí thất thường. Chị gái lấy chồng thì quá nghèo cũng chẳng giúp gì được Liễu. Dẫu có thương em đến mấy thì họa hoằn lắm các chị mới có thể xuống bệnh viện với Liễu vài giờ rồi lại tất bật về nhà. Hai đứa em kế chị thì đang theo học ĐH Y Huế, đứa em út thì đang ôn thi đại học. Khó khăn chồng chất khó khăn. Bởi vậy nhìn những bệnh nhân khác có người nhà bên cạnh khi vào phòng chạy thận còn mình thì lủi thủi đi về nước mắt chị lại trào ra.

Là người công giáo, bởi vậy chị cũng muốn được về quê sum vầy cùng gia đình trong dịp Giáng sinh nhưng căn bệnh diễn biến xấu khiến chị phải nán lại thành phố. Cô độc trong không khí Giáng sinh đang diễn ra tưng bừng khắp mọi nơi chị lại thương cho cái phận hẩm hiu của mình. Gần nửa đêm chị lên cơn đau dữ dội, cũng may các em sinh viên cùng xóm trọ đã đi chơi về nên nhanh chóng chuyển chị lên bệnh viện cấp cứu.

Tâm sự của cô thợ may một mình chạy thận - 3

Những sinh viên cùng xóm trọ thay nhau vào bệnh viện với chị để chị đỡ cô độc trong hành trình tìm lại sự sống cho mình

Chị nằm cuối phòng chờ đến lượt mình chạy thận. Khuôn mặt tái xám, nước mắt không ngừng tuôn vì cơn đau hành hạ. Đưa cánh tay đầy những nốt sần - hậu quả của những lần chạy thận ôm lấy đầu, chị thổn thức: "Đau quá, chị chỉ muốn chết thôi, chết cho hết đau, sống như vậy khổ còn hơn chết".

Chị ngước đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt nhợt nhạt ra phía cửa có vẻ sốt ruột. "Chị ấy đang đợi chị gái ở quê xuống. Lâu lắm rồi chưa thấy ai xuống thăm chị ấy" - Trang cho tôi biết.

Gần trưa, hành trình chạy thận của Liễu mới được bắt đầu. "Cũng may việc học hành của 3 đứa em được các cha xứ và giáo họ hỗ trợ chứ nhà có người bệnh như chị chắc 3 đứa nó thất học mất em ạ", chị nói rồi thiếp đi.

Dù không được người thân chăm sóc lúc ốm đau, nhưng chị chưa một lần than trách họ. Nhìn khuôn mặt sưng tấy, tím tái mệt mỏi, làn môi nứt nẻ của chị tôi không khỏi chạnh lòng. Không biết chị còn trụ lại trần thế được bao nhiêu lâu nữa trong cô độc và thiếu thốn vây quanh?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Chị Nguyễn Thị Liễu - phòng chạy thận nhân tạo, Bệnh viện 115 - Thành phố Vinh, Nghệ An. Điện thoại: 01.674.470.947.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

 

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 045 137 195 6482

SWIFT Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

 

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0451 001 944 487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Nguyễn Duy - Hoàng Lam