Quảng Nam:
Tấm lòng nhân ái của người thương binh nghèo
(Dân trí) - Rời chiến trường sau khi đất nước thống nhất, bị thương hạng 3/4, ông vẫn nau náu ước mơ ngày trở về được làm điều gì đó cho quê hương. Tuy cuộc sống của ông còn nhiều vất vả, ông vẫn sẵn sàng bán tài sản của mình cứu giúp bà con khi hoạn nạn.
Tài sản lớn nhất trong ngôi nhà của ông Khương là những tấm bằng khen,
cùng huân huy chương ông có được trong thời gian cống hiến trong quân đội.
Ông Khương sinh ra trong gia đình 7 anh chị em. Sau giải phóng chỉ còn lại 5 người thì cả 5 đã gửi một phần thân thể trong chiến trường, riêng ông là thương binh hạng ¾. Khi về hưu, mái đầu đã lấm tấm bạc trắng, ông sở hữu bộ sưu tập 12 huân chương các loại (trong đó có 6 huân chương chiến công), 32 bằng khen, giấy khen về thành tích tiêu diệt địch.
Khi chúng tôi tới, ông Khương đang ngồi bệt dưới chiếu, lấy sổ sách ra ghi chép, liệt kê những người ông chuẩn bị giúp đỡ.
Căn nhà trống rỗng, dường như không có thứ gì đáng giá ngoài những tấm huân chương, bằng khen. Trong nhà ông còn chưa mua được một bộ bàn ghế cho đàng hoàng để tiếp khách, khách đến phải ngồi bệt xuống chiếu, nhưng ông rất sôi nổi khi nói chuyện từ thiện. Với ông, được làm từ thiện đã trở thành điều tâm huyết ăn vào máu, mỗi lần nghe nói trong xã có hoàn cảnh nào khó khăn là ông lên xe phóng tới tìm ngay để giúp đỡ.
Năm 1995, thấy trường mẫu giáo trong xã không có một cây xanh, không có một giọt nước uống khi khát khô cổ họng, ông đã giấu vợ bán 2 chỉ vàng để mua máy bơm, cây xanh trồng khắp sân trường. Đến giờ, đã qua bao lớp trẻ học ở ngôi trường này, cây xanh đã toả bóng mát khắp sân trường, trẻ em học hành, vui chơi thoả thích. Khi biết chuyện, vợ ông chỉ cười: “Sao ông không bàn với tôi? Tôi ủng hộ ông 100 % mà”.
Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Điện Hòa tâm sự: “Tấm lòng của ông Khương thật là hiếm có. Vừa nghèo, vừa thương binh mà vẫn làm từ thiện. Có thể nói về ông Khương là: lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Suốt 14 năm qua với công việc làm từ thiện, ông đã cứu vớt biết bao cảnh đời mà chính ông cũng không nhớ chính xác là bao nhiêu người đã được ông giúp đỡ. Ông nói rằng: “Giúp người thì đừng nhớ, để họ nhớ mình và cố gắng vươn lên là được rồi”.
Ngoài thời gian đi thăm hỏi người nghèo, ông dành toàn bộ
thời gian vào việc chăm sóc khu vườn từ thiện.
Đã có 28 trẻ em nghèo hiếu học ở trường tiểu học Thái Phiên và trung học cơ sở Trần Phú, xã Điện Hoà được ông nhận đỡ đầu. Năm 2008, gia đình ông là 1 trong 54 gia đình tiêu biểu được tỉnh Quảng Nam tôn vinh trong phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền.