1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

“Sẻ chia” những nụ cười trẻ thơ

(Dân trí) - Thế phẫu thuật xong về em đi học tiếp hay… lấy chồng? Đáp lại câu hỏi của tôi thiếu nữ miền tây má ứng hồng cúi mặt không nói. Người mẹ đi cùng con gái với dáng vẻ lam lũ, khắc khổ đỡ lời "ở quê tuổi nó nhiều đứa đã con bồng con bế…"

Những ngày cuối năm 2008, theo chân Tổ chức Phẫu thuật nụ cười (Operation Smile) cùng với BV Răng-Hàm-Mặt Trung ương (TPHCM), chúng tôi đặt chân đến miền tây Nam bộ để chứng kiến cuộc "đại phẫu thuật" sứt môi, hở hàm ếch "Nụ cười trẻ thơ".

Bất hạnh…

Nói là "trẻ thơ" nhưng lẫn trong số 300 em nhỏ đến từ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có một vài "người lớn" trong đó có thiếu nữ đến từ Tam Nông (Đồng Tháp) này. Nghiệp đèn sách dang dở từ năm cuối cấp 1 do mặc cảm vì bạn học trêu chọc, cô gái với cái tên Khuyết - Nguyễn Thị Khuyết - may mắn được đến đây những mong sẽ… "đổi phận".

Bà Trần Thị Mười (mẹ Khuyết) lý giải cái tên Khuyết của con gái là do cha em đặt. Là con đầu, ngày Khuyết chào đời trong sự mong đợi của 2 bên gia đình nội, ngoại đã trở thành nỗi thất vọng lớn. Quá buồn chán với gương mặt con gái, người cha khi khai sinh đã đặt cho con một cái tên được xem là ứng với cuộc đời em - khuyết tật.

Khuyết "sứt" lớn lên thiếu tình thương của người cha nhất là khi đứa em trai chào đời lành lặn. Mừng cho em được cha "cưng" bao nhiêu thì Khuyết tủi phận bấy nhiêu. Chỉ có người mẹ thấu hiểu cô con gái từng đêm khóc ròng rồi bà giấu chồng dành dụm được 1 số tiền, năm 2000 đưa con đi "vá môi trước" vì chỉ mong che cái miệng sứt đi đã.

Ở đây phải giải thích với bạn đọc 1 chút bởi thông thường với những ca cả sứt môi và hở hàm ếch như Khuyết thì bác sỹ sẽ phẫu thuật hàm ếch trước rồi mới vá môi. Nhưng vì nhà nghèo nên bà Mười đã làm ngược quy trình và bà cũng xác định là chỉ vá môi cho con 1 lần rồi… thôi.

Từ giã biệt danh "sứt", Khuyết chuyển sang mang danh "ngọng" vì vẫn hở hàm ếch nên em vẫn nói kiểu “nọng níu nọng no” và không thành chữ. Sống khép mình với cộng đồng gần 10 năm rồi hôm nay em có mặt ở đây (vừa bất đồng ngôn ngữ vùng miền lại ngọng nên em không dám trả lời tôi) vì được mổ hàm ếch không mất tiền.

… đổ lên đầu những gia đình nghèo

Có mặt tại Hội trường bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang ngày 15/12 là 150 em nhỏ (đợt 1) được cha mẹ, ông bà đưa đến. Cả hội trường 150 em là 150 kiểu khuyết tật: đứa sứt môi, đứa hở hàm ếch, đứa bị cả 2 dị tật rồi không chỉ bị 1 bên mà cả 2 bên môi, thậm chí cả chẻ vòm hầu (ca rất nặng) nhưng đều chung 1 số phận là… nhà nghèo.

Thu mình trong góc hội trường cùng 1 túi lỉnh kỉnh nào là sữa, đồ ăn, quần áo… chờ bác sỹ gọi tên để đưa con lên khám, chị Trần Thị Dịu (Long An) bế trên tay đứa con trai chừng 2 tuổi. Phải dậy từ nửa đêm rồi tập trung theo xe đưa đến đây khiến cháu bé thấm mệt nên đã thiếp đi trên tay mẹ.

Thằng bé tên Sang có vẻ "suy dinh dưỡng" so với các bạn cùng độ tuổi nhưng trong giấc ngủ trông nét mặt cu cậu thật khôi ngô ngoài cái miệng “tòe loe” lên tận mũi. Thấy tôi băn khoăn, khi gọi lên khám bác sỹ Nguyễn Chí Cường (BV Răng-Hàm-Mặt Trung ương) đã yêu cầu cháu há to miệng để tôi tận mắt thấy chẻ vòm hầu là như thế nào.

Chị Dịu chia sẻ, sau khi sinh mẹ thì “tức sữa” nhưng Sang phải ăn sữa ngoài vì hễ bú là bị sặc. Có lần ăn bột, cháu bị sặc tím tái cả người, phải đưa đi cấp cứu may mới thoát chết. Hơn thế nữa do bị dị tật như vậy (hở hơi) nên cháu thường xuyên bị các bệnh liên quan tới đường hô hấp và đó chính là lý do chậm phát triển.

"Sinh ra một đứa con lành lặn rồi nó tự hư hỏng thì mình không ân hận nhưng sinh đứa con khuyết tật thế này thì mình mang nỗi day dứt cả đời" - chị Dịu nói như khóc và tôi đã cố hết sức động viên "sau phẫu thuật cháu sẽ lại bình thường" khi sống mũi mình cay cay để giữ dòng nước mắt chị không bật hẳn ra.

Với 5 bàn bác sỹ cùng hàng chục tình nguyện viên, lần lượt 150 cháu được khám trong buổi sáng, bất chợt tôi gặp một bệnh nhân ngoài 60 với 2 hàm răng cứng ngắc, không thể mở miệng khiến lời nói rít qua kẽ răng rất khó khăn. Khám xong TS. bác sĩ Lâm Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương TPHCM cho biết, đây là chứng cam tẩu mã do viêm lợi cấp tính vùng mặt, không được chữa trị kịp thời dẫn đến hoại tử và bà đề nghị chuyển bệnh nhân về TPHCM…

“Sẻ chia” những nụ cười trẻ thơ - 1
  

Anh Võ Văn Việt (Cao Lãnh, Đồng Tháp) mang
cả con và cháu (con em gái) đi khám.

Tặng lại cho bé nụ cười tròn

Chiều 15/12, ca mổ đầu tiên bắt đầu. May mắn được mặc áo blu trắng để vào phòng phẫu thuật nhưng vốn “yếu bóng vía” nên tôi không dám tận mắt chứng kiến những đường dao tái tạo lại nụ cười cho các em mà chỉ đứng từ xa nhìn lại. Tuy đứng từ xa nhưng nhìn vẻ mặt căng thẳng rồi dần thư thái của các bác sỹ tôi đoán được từng ca mổ đã thành công.

Bác sĩ Phương, trước khi trực tiếp cầm dao phẫu thuật đã chia sẻ với đồng nghiệp và báo chí theo đoàn: "Dị tật sứt môi, hở hàm ếch không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà nó còn có nhiều tác động xấu đến sự phát triển của trẻ. Việc phẫu thuật này không chỉ là thẩm mỹ mà còn phục hồi chức năng cho các bộ phận liên quan nên các bạn phải hết sức cẩn thận".

Trước đó trong lúc “hội chẩn” nhanh ở hành lang, vẫn với phong thái giao tiếp “các bạn” với đồng nghiệp cấp dưới, bà Phương căn dặn các bác sỹ trong kíp mổ (từ khám, gây mê, phẫu thuật, hồi sức…) phải hết sức cẩn trọng, cầu toàn bởi khó có thể sửa sai và chắc gì các em còn có cơ hội lần nữa, một ca hỏng sẽ làm hỏng cả 1 chương trình từ thiện lớn.

Thông tin cho báo chí, bác sỹ Phương cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 trẻ em sinh ra bị sứt môi, hở hàm ếch (trung bình cứ 500 em chào đời thì có 1 em mắc) và hiện còn khoảng 15.000 trẻ chưa được tái tạo dị tật này. Nguyên nhân dẫn đến dị tật chủ yếu do nhiễm độc, dinh dưỡng kém, mẹ mắc bệnh khi mang thai và 1 phần do di truyền. Bà Phương nói hóm hỉnh “kỳ lạ là gia đình càng nghèo thì tỉ lệ mắc bệnh này càng cao”.

Sẽ là thiếu sót khi nói về chương trình mà không nhắc đến đơn vị tài trợ từ thiện. Với 1,4 tỉ đồng, Chương trình "Nụ cười trẻ thơ" kéo dài từ ngày 15/12/2008 đến 5/1/2009 được Công ty Viettel Telecom tài trợ 100% kinh phí phẫu thuật, ăn ở, đi lại và cả tư vấn, điều trị rối loạn ngữ âm... sau phẫu thuật để các em hòa nhập cộng đồng.

"Nhiều người nghĩ dị tật sứt môi, hở hàm ếch hiện không còn phổ biến ở Việt Nam nhưng thực tế không phải vậy. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm cần giúp đỡ cho tương lai các em và hi vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp chung sức với chương trình" - ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom mong muốn tại lễ phát động.

Thay cho lời kết

Gặp lại mẹ con chị Dịu sau những ngày phẫu thuật, đã thấy nụ cười trên khuôn mặt vốn khắc khổ của người mẹ nghèo. Nhìn cháu Sang có thể ăn uống được bình thường, chị Dịu xúc động: "Nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp, biết bao giờ mẹ con cháu mới được như hôm nay".

Nhìn mẹ con chị Dịu, tôi bất chợt nhớ đến hành động năm nào của ông nội. Dịp tết năm đó đại gia đình tôi từ Hà Nội về quê ăn tết. Lần đầu tiên đón đứa cháu (con anh trai tôi mới sinh - chắt đích tôn của cụ) trên tay, trong sự ngạc nhiên của cả gia đình ông lần giở hết khăn tã của đứa trẻ rồi cứ lẩm nhẩm đếm.

Ngày đó “ngây thơ” tôi đã chất vấn sao ông lại làm như thế trong tiết trời lạnh giá thì ông chỉ cười rồi vỗ nhẹ vào vai tôi "mẹ cha mày, ông yên tâm rồi". Giờ thì tôi đã hiểu khi đó ông xem mặt và đếm ngón chân, tay “cháu cụ” xem có "thừa thiếu" không? Thế mới biết mơ ước từ ngàn đời có con, cháu sinh ra được “mụ” nặn lành lặn luôn giữ trong tâm khảm của cả những người đã gần đất xa trời…

… Gần một tuần trôi qua, những đứa trẻ sau phẫu thuật dần rời bệnh viện. Vết mổ chưa lành, ăn uống còn gượng gạo… nhưng trên những khuôn mặt trẻ thơ, nụ cười đã tròn hơn. Sau này biết đâu (tôi thầm nghĩ) trong số đó lại có em trở thành phát ngôn viên hay ca sỹ nổi tiếng với nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và chất giọng đặc trưng của người từng sứt môi, hở hàm ếch…

Thanh Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm