1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Vụ "quan xã" ăn chặn tiền của người tàn tật:

Phạt 5 năm tù với cán bộ xã và chỉ… nhắc nhở lãnh đạo

(Dân trí) - “Quan xã” âm thầm ăn chặn tiền của người tàn tật suốt 8 năm trời, với tổng số tiền được làm rõ là hơn 155 triệu đồng đã bị tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên phạt 5 năm tù giam. Các lãnh đạo có liên đới, liên quan đến vụ việc chỉ bị kiểm điểm, nhắc nhở vì thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát.

Đó là nội dung chính tại bản án số 31/2015/HSST do Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 28/10/2015 đối với trường hợp ông Mai Hiển Dũng, cán bộ Lao động thương binh xã hội xã Trịnh Xá, tỉnh Hà Nam và các đối tượng có liên quan đến vụ việc.

Như vậy, tính từ thời điểm PV Dân trí thực hiện loạt bài điều tra vụ “Quan xã ăn chặn cả gói mì tôm của người tàn tật” hồi đầu tháng 2/2015, phải mất đến 8 tháng, vụ án mới được đưa ra xét xử công khai sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam vào cuộc điều tra làm rõ.

Như báo Dân trí đã phản ánh, ông Mai Hiển Dũng, cán bộ LĐ-TB-XH xã Trịnh Xá (nguyên xã Trịnh Xá thuộc huyện Bình Lục, năm 2013 được sát nhập lên thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) được ký hợp đồng công việc chi trả tiền trợ cấp bảo trợ xã hội cho các đối tượng trên toàn xã. Ông Dũng được giao trách nhiệm tiếp nhận đơn của các đối tượng xin được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội trên địa bàn xã, thu thập tài liệu trình Chủ tịch UBND xã lập Hội đồng xét duyệt để từ đó đề nghị Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý đưa vào danh sách người được hưởng trợ cấp.


Cơ quan công an tỉnh Hà Nam đọc lệnh bắt tạm giam ông Mai Hiển Dũng, cán bộ xã Trịnh Xá tại nơi làm việc hồi tháng 2/2015 sau loạt bài phanh phui vụ việc ông Dũng ăn chặn tiền trợ cấp xã hội của PV Dân trí

Cơ quan công an tỉnh Hà Nam đọc lệnh bắt tạm giam ông Mai Hiển Dũng, cán bộ xã Trịnh Xá tại nơi làm việc hồi tháng 2/2015 sau loạt bài phanh phui vụ việc ông Dũng ăn chặn tiền trợ cấp xã hội của PV Dân trí

Ông Dũng có trách nhiệm theo dõi, khi phát hiện các trường hợp đang hưởng chế độ bị chết hoặc không còn đủ điều kiện hưởng chế độ thì báo cáo Phó chủ tịch xã phụ trách (là ông Nguyễn Phú Độ tại thời điểm điều tra của PV Dân trí) hoặc ông Nguyễn Gia Toản (Chủ tịch UBND xã) ký phiếu báo giảm gửi về Phòng LĐTBXH (huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý) để đưa ra khỏi danh sách được hưởng trợ cấp xã hội. Định kỳ hàng tháng Phòng LĐTBXH sẽ cho ông Dũng ứng tiền, kèm danh sách các đối tượng hưởng trợ cấp đã được phê duyệt về chi trả, yêu cầu các trường hợp nhận tiền ký vào danh sách và trình lên Chủ tịch xã xác nhận, sau đó chuyển danh sách đã chi tiền về Phòng LĐTBXH để quyết toán. Với quy trình này, ông Dũng đã “tha hồ phù phép” với nhiều hành vi, thủ đoạn khác nhau suốt 8 năm trời để chiếm đoạt số tiền được giao vốn dùng để chi trả cho các đối tượng chỉ trông chờ vào đồng tiền trợ cấp xã hội ít ỏi của nhà nước.

Đầu tiên là hành vi lập khống hồ sơ giả. Theo điều tra của công an tỉnh Hà Nam, ngày 30/4/2008, ông Trần Thế Khoái ở xã Trịnh Xá có đơn xin hưởng trợ cấp người cao tuổi, nhưng ông Dũng không làm hồ sơ mà sửa nội dung đơn của ông Khoái và lập khống hồ sơ mang tên bà Trần Thị Khoái thuộc diện người khuyết tật, rồi trình ông Nguyễn Gia Toản ký duyệt hồ sơ, sau đó đề nghị Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục đưa bà Khoái vào danh sách được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Đến năm 2013, trước khi xã Trịnh Xá sát nhập vào thành phố Phủ Lý, Dũng tiếp tục lập khống Biên bản họp của Hội đồng xét duyệt để hoàn thiện hồ sơ trình ông Nguyễn Phú Độ, Phó CT xã ký xác nhận. Sau khi bà Khoái được đưa vào danh sách hưởng trợ cấp người khuyết tật, hàng tháng ông Dũng ứng tiền tại Phòng LDDTBXH huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý để chi trả cho các đối tượng hưởng trợ cấp, Dũng đã chiếm đoạt số tiền theo chế độ từ “hồ sơ ma” là bà Trần Thị Khoái từ tháng 1/2008 đến tháng 1/2015 với tổng số tiền 16.200.000 đồng. Tuy nhiên, để che dấu hành vi phạm tội khi Dũng không làm hồ sơ hưởng chế độ cho ông Trần Thế Khoái, nên từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2015 Dũng tự chi trả cho ông Khoái số tiền tương ứng với chế độ trợ cấp người cao tuổi, tổng số tiền là 14.040.000 đồng.

+ Tháng 1/2008, "quan xã" Mai Hiển Dũng cũng tự lập khống hồ sơ chế độ trợ cấp người khuyết tật mang tên bà Nguyễn Thị Kha, trình ông Nguyễn Gia Toản ký duyệt rồi đề nghị Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục đưa bà Kha vào danh sách người được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Năm 2013, sợ bị lộ, Dũng tiếp tục lập khống biên bản họp của Hội đồng xét duyệt trình ông Nguyễn Phú Độ ký xác nhận. Dũng đã giả mạo chữ ký của bà Kha (mặc dù bà Nguyễn Thị Kha trong thực tế là không có - PV) để chiếm đoạt số tiền từ tháng 1/2008 đến tháng 1/2015 tổng cộng 16.200.000 đồng.

+ Tháng 12/2011, Dũng lập khống hồ sơ chi trả chế độ người cao tuổi mang tên bà Lê Thị Quỳ, trinh ông Nguyễn Ngọc Doanh, Phó CT UBND xã ký duyệt đề nghị Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục đưa tên bà Quỳ vào danh sách được hưởng trợ cấp người cao tuổi, sau đó giả mạo chữ ký bà Quỳ để chiếm đoạt số tiền từ tháng 12/2011 đến tháng 1/2015 tổng cộng 6.840.000 đồng.

Hành vi thứ hai là ăn chặn tiền trợ cấp của người tàn tật.

Theo hồ sơ điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 1/2014, ông Ngô Đức Kệ được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật với mức 360.000 đồng/tháng, song ông Dũng chỉ trả cho ông Kệ ở mức cũ là 180.000 đồng/tháng, nhưng vẫn làm thủ tục quyết toán với mức chi trả 360.000 đồng/tháng với Phòng LĐTBXH.


Anh Ngô Trung Sổng, một trong những người tàn tật là nạn nhân của quan xã Mai Hiển Dũng khi bị ăn chặn tiền trợ cấp xã hội 90.000 đồng/tháng từ tháng 1/2014 dù tiền trợ cấp của anh chỉ là 270.000 đồng/tháng

Anh Ngô Trung Sổng, một trong những người tàn tật là nạn nhân của "quan xã" Mai Hiển Dũng khi bị ăn chặn tiền trợ cấp xã hội 90.000 đồng/tháng từ tháng 1/2014 dù tiền trợ cấp của anh chỉ là 270.000 đồng/tháng

Cũng với hành vi đó, ông Dũng ăn chặn tiền trợ cấp của các ông Ngô Doãn Xoa, Ngô Quang Doan, Ngô Phú Tươi, Ngô Trung Sổng, bà Ngô Thị Hiển và anh Mai Văn Hiếu, đều là những người được hưởng mức trợ cấp 270.000 đồng/tháng nhưng ông Dũng chỉ chi trả 180.000 đồng. Với số tiền chiếm đoạt 90.000 đồng/người/tháng, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2014 ông Dũng đã ăn chặn tổng cộng 6.480.000 đồng. Ngoài ra còn có trường hợp ăn chặn tương tự của anh Ngô Doãn Điểm với mức 90.000 đồng/tháng nhưng chỉ từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2014, tổng cộng là 720.000 đồng.

Hành vi thứ 3 là không khai báo cắt giảm các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội đã chết để chiếm đoạt tiền.

Với chức năng được giao, quan xã Mai Hiển Dũng có trách nhiệm kiểm tra, cắt giảm những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội đã chết, tuy nhiên Dũng lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý, thiếu kiểm tra giám sát của các lãnh đạo trực tiếp mình là ông Toản, ông Độ, ông Doanh để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Các đối tượng được hưởng trợ cấp đã qua đời như bà Ngô Thị Hồng (từ tháng 8/2010 đến 1/2015 là 9.720.000 đồng), của bà Đỗ Thị Hoa (từ tháng 4/2011 đến 1/2015 là 8.280.000 đồng), của bà Trần Thị Chuột (từ tháng 10/2011 đến 1/2015 là 7.200.000 đồng), của ông Nguyễn Đắc Ba (từ tháng 1/2013 đến 1/2015 là 4.500.000 đồng), của ông Mai Văn Phệ (từ tháng 6/2011 đến 1/2015 là 7.920.000 đồng), của bà Nguyễn Thị Quý (từ tháng 11/2011 đến 1/2015 là 7.020.000 đồng); bà Ngô Thị Tú (chiếm đoạt từ tháng 9/2014 đến 1/2015 là 720.000 đồng).

 

Phạt 5 năm tù với cán bộ xã và chỉ… nhắc nhở lãnh đạo - 3

Để tham gia chia sẻ và cập nhật sự ủng hộ của bạn đọc Dân trí dành cho các hoàn cảnh nhân ái, mời các bạn tham gia vào Fanpage Nhân ái của báo Dân trí trên mạng xã hội Facebook.

Bà Nguyễn Thị Ổn, là người được hưởng chế độ người cao tuổi với mức 180.000 đồng/tháng, chồng bà là ông Ngô Văn Thế được hưởng chế độ hưu trí. Tháng 7/2010, ông Thế Chết, bà Ổn được làm thủ tục hưởng chế độ tuất hưu trí, cắt giảm chế độ người cao tuổi nhưng Dũng không báo cắt giảm để chiếm đoạt số tiền từ tháng 3/2011 đến 1/2015 tổng cộng 8.460.000 đồng.

Cũng với thủ đoạn như trên, Mai Hiển Dũng đã chiếm đoạt số tiền theo chế độ người cao tuổi của bà Mai Thị Bảo (từ 1/2011 đến 1/2015 là 8.820.000 đồng); của bà Ngô Thị Hoa từ 7/2011 đến 1/2015 tổng số tiền 7.740.000 đồng; của bà Nguyễn Thị Thông từ 12/2009 đến 1/2015 số tiền 11.100.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Oanh và chị Trần Thị Dinh là những trường hợp đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp người đơn thân nuôi con từ tháng 1/2009, Dũng đã lập hồ sơ cho chị Oanh, chị Dinh và được Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục xét duyệt, nhưng Dũng không chi trả cho chị Oanh, chị Dinh mà tự ý chiếm đoạt số tiền từ tháng 1/2009 đến 1/2015 tổng cộng 24.840.000 đồng.

Ngoài ra, kết quả điều tra còn xác định bà Nguyễn Thị Lãi, bà Mai Thị Mỗ, bà Mai Thị Vương, bà Trần Thị Nức, bà Nguyễn Thị Tính, bà Mai Thị Ba, bà Phạm Thị An, bà Nguyễn Thị Ngọ và bà Mai Thị Hảo, đều thuộc diện được hưởng trợ cấp người già cô đơn số tiền là 180.000 đồng/tháng. Đến tháng 1/2015 những người trên đã được công nhận thoát nghèo, không còn được hưởng chế độ người già cô đơn, song Dũng không thông báo cắt giảm mà vẫn tiếp tục chi trả từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2015, tổng số tiền là 3.060.000 đồng.

Như vậy, với khả năng “một tay che cả bầu trời” của "quan xã" Mai Hiển Dũng -  một quan xã không một bằng cấp gì trong tay, lương 1,4 triệu tháng – suốt 8 năm trời đã âm thầm thực hiện nhiều hành vi, thủ thuật để qua mặt lãnh đạo, qua mặt các cơ quan chức năng để chiếm đoạt tổng số tiền 155.820.000 đồng (trong đó chiếm đoạt của Phòng LĐTBXH huyện Bình Lục là 96.960.000 đồng và của Phòng LĐTBXH thành phố Phủ Lý tổng số tiền 58.860.000 đồng).


Loạt bài điều tra kỳ công của PV Dân trí về vụ việc quan xã ăn chặn tiền trợ cấp xã hội được đông đảo bạn đọc theo dõi với đề nghị vụ việc sẽ được xét xử nghiêm minh

Loạt bài điều tra kỳ công của PV Dân trí về vụ việc "quan xã ăn chặn tiền trợ cấp xã hội" được đông đảo bạn đọc theo dõi với đề nghị vụ việc sẽ được xét xử nghiêm minh

 

Sau khi báo Dân trí phát hiện sự việc và đưa lên công luận, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, "quan xã" Mai Hiển Dũng và gia đình đã tự nguyện giao nộp đủ số tiền chiếm đoạt suốt 8 năm qua là 155.820.000 đồng, hiện Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Nam đang tạm giữ. Ngoài ra ông Dũng đã tự trả riêng cho ông Ngô Đức Kệ số tiền 2.160.000 đồng đã chiếm đoạt.

Ngày 30/9/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam đã truy tố Mai Hiển Dũng về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự. Ngày 28/10/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt ông Mai Hiển Dũng 5 năm tù với tội danh “Tham ô tài sản”, thời hạn tính từ ngày 10/2/2015, ngoài ra còn hình phạt bổ sung là… cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Ông Mai Hiển Dũng còn có trách nhiệm dân sự bồi hoàn số tiền 155.820.000 đồng cho Phòng LDDTBXH huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý.

Cũng tại phiên tòa nói trên, với các đối tượng có nghĩa vụ liên quan gồm ông Nguyễn Gia Toản, Chủ tịch UBND xã Trịnh Xá, ông Nguyễn Phú Độ và ông Nguyễn Ngọc Doanh đồng Phó Chủ tịch xã, ông Nguyễn Gia Hồng nguyên Chủ tịch xã, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam xác định không phải là đồng phạm với ông Mai Hiển Dũng do không biết hành vi của Dũng, không hưởng lợi từ số tiền mà Dũng chiếm đoạt nên không có căn cứ xử lý hình sự, chỉ bị nhắc nhở vì “thiếu chỉ đạo, kiểm tra giám sát” mà thôi.

Như vậy, vụ án “Quan xã ăn chặn gói mì tôm của người tàn tật” sau loạt bài điều tra công phu của PV báo Dân trí đã đi đến hồi kết. Người làm sai đã phải chịu tội, người quản lý lỏng lẻo, thiếu sâu sát đã phải chịu… kiểm điểm, nhắc nhở. Chúng tôi cũng hi vọng đây sẽ là một kết thúc có hậu, ít nhất là những nạn nhân “đang phải sống dưới mức cùng khổ” của xã Trịnh Xá sẽ được nhận lại những đồng tiền trợ cấp bị ăn chặn suốt nhiều năm qua.

Với hành vi tham ô tài sản, “quan xã” Mai Hiển Dũng không phải chịu tình tiết tăng nặng, tuy nhiên được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Theo đó tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, tác động tích cực đến gia đình để khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Bị cáo có bố đẻ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, Huân chương quân công, chú ruột và bố vợ là liệt sỹ chống Mỹ cứu nước. Đáng chú ý ông Mai Hiển Dũng còn trưng ra giấy khen “có thành tích xuất sắc trong phong trào thương binh liệt sỹ” cấp huyện, xã nhưng không được cơ quan chức năng xét vì thời gian này ông Dũng đã thực hiện hành vi phạm tội. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ như trên nên ông Mai Hiển Dũng được xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt dành cho tội “Tham ô tài sản” là 5 năm tù giam.

 

Thế Nam - Phạm Oanh - Đức Văn