1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nữ thương binh tìm lại niềm vui sau 42 năm mất đôi cánh tay!

(Dân trí) – “Tôi không ngờ sau 42 năm, nay tôi lại cầm được chai nước”, “Tôi như được sống lại lần thứ 2” – đó là tâm sự của 2 nữ thương binh loại 1/ 4, Trần Thị Hồng và Thu Phong sau khi được lắp tay giả.

Như sống lại lần thứ 2

Chiều ngày 25/7, tại Hội trường lớn bệnh viện Việt Đức Hà Nội nhộn nhịp và sôi nổi bởi tiếng cười vui, sảng khoái của 12 thương binh nặng ở 12 tỉnh, thành được lắp chân tay giả với công nghệ hiện đại nhất từ Đức.

Nữ thương binh loại 1/4 Trần Thị Hồng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh tíu tít chia sẻ niềm vui với mọi người vì giờ đây bà có thể thực hiện được những gì bà muốn. Bà bị thương mất 2 cánh tay khi tham gia làm đường tại tuyến đường Trường Sơn năm 1968.

Bà Hồng tâm sự: “Ngày đó, bom do máy bay B52 đánh ác liệt hòng làm phá nát tuyến đường Trường Sơn, là thanh niên xung phong làm đường, chúng tôi không kể ngày đêm, san lấp đường để xe chở bộ đội đi qua. Trong một trận đánh, không may tôi bị thương nặng, khi tỉnh lại thì thấy mình đã mất 2 cánh tay. Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay. Tôi đau đớn và tuyệt vọng vô cùng, nhưng tôi nghĩ đất nước còn chiến tranh với sự hy sinh của mình thì không đáng gì. Tôi được chuyển ra Bắc điều trị và được lắp tay giả. Tuy nhiên, các cánh tay đó quá nặng, rất vất vả trong sinh hoạt nên tôi không dùng nhiều”.

Do tay giả nặng khó dùng nên mọi sinh hoạt của chị Hồng đều phải có người trợ giúp. Nhân dịp 27/7, bà Hồng đã được doanh nghiệp AIC tặng đôi tay giả công nghệ hiện đại nhất do Tập đoàn Otto Bock của Đức sản xuất. Sau khi được lắp đặt bộ tay giả, chị Hồng đã thực hiện được các thao tác cầm nắm một cách dễ dàng.
 
Niềm vui của nữ thương binh Trần Thị Hồng sau 42 năm cầm được chai nước
Niềm vui của nữ thương binh Trần Thị Hồng sau 42 năm cầm được chai nước
 
“Tôi rất cảm động, 42 năm qua, tôi không nghĩ mình lại có cơ hội cầm được chai nước, thực hiện các thao tác như người thường. Hy vọng sắp tới tôi có thể dễ dàng tự xúc cơm và làm các việc vặt phục vụ bản thân. Tôi xin tỏ lòng tri ân tới tất cả mọi người đã nhớ và giúp đỡ chúng tôi” – bà Hồng xúc động nói.
 
Cũng giống như bà Hồng, bà Thu Phong thương binh loại 1/4, cũng là thanh niên xung phong làm đường, bà bị bom cướp mất cả đôi cánh tay ở tuyến đường 21 năm 1968.

“Tôi cảm tưởng như mình được sinh ra lần thứ 2 trong đời” – bà Phong xúc động thốt lên khi được lắp đôi tay giả.

Cũng không dấu được niềm vui, anh Vũ Anh Tuấn, thương binh loại 1/4, bị mất 1 chân ở chiến trường Camphuchia đã khiến mọi người bất ngờ sau khi chứng kiến cảnh đi lại nhanh nhẹn, tác phong thuần thục như người thường.

“Vậy là tôi đã được đi lại như người bình thường. Tôi giờ có thể, đá bóng, đá cầu. Tôi rất cảm ơn Nhà nước, doanh nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi có được niềm vui ngày hôm nay” – anh Tuấn hồ hởi cho biết.

Chân, tay giả thông minh

Bộ chân, tay giả này điều khiển bằng các tín hiệu từ mô cơ và ý nghĩ do Tập đoàn Otto Bock (CHLB Đức) sản xuất lần đầu tiên được lắp đặt miễn phí cho thương binh Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các thương, bệnh binh có thể cử động gần như những người bình thường. Đây là một hoạt động có ý nghĩa của công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) nhân dịp 65 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7.
 
Ngay tại Hội trường bệnh viện Việt Đức trước sự chứng kiến của lãnh đạo bệnh viện, Đại sứ quán Đức, Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, lãnh đạo công ty AIC và đông đảo báo chí, bà Hồng và Phong đã thực hiện dùng tay giả cầm chai nước, điều mà hơn 42 năm qua chưa thực hiện được.
 
Nữ thương binh Hồng và Phong vui mừng không tả xiết sau hơn 40 năm nắm được tay nhau
Nữ thương binh Hồng và Phong vui mừng không tả xiết sau hơn 40 năm nắm được tay nhau

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Trước đây, do Việt Nam chưa có thiết bị hiện đại này, bệnh viện đã phải gửi bệnh nhân ra nước ngoài lắp đặt thiết bị phục hồi chức năng với những chi phí rất đắt đỏ. Việc các thiết bị hiện đại chân, tay giả có mặt tại Việt Nam là niềm vui lớn với những bệnh nhân thiếu may mắn bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông và đặc biệt là hỗ trợ tốt hơn cho các thương binh. Tôi mong rằng, nhiều bệnh nhân có cơ hội sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại này”.

Chứng kiến niềm vui của các thương binh và chức năng hiện đại của thiết bị chân, tay giả, Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Xuyên cho biết: “Đây là những món quà đặc biệt có ý nghĩa trong dịp lễ kỉ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7. Tuy mới được lắp nhưng các thương binh đã tự túc được một số thao tác cơ bản, ít ngày nữa, qua quá trình luyện tập, các động tác phức tạp sẽ dần được thuần thục hơn. Thay mặt Bộ Y tế, tôi xin cảm ơn các đơn vị quốc tế và trong nước đã hỗ trợ cho các thương binh Việt Nam”.

Được biết, Công ty AIC đã ký kết chương trình hợp tác với Tập đoàn Otto Bock – Đức để sản xuất các thiết bị phục hồi chức năng tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết: “Chúng tôi “cam kết”sẽ dành toàn bộ lợi nhuận của chương trình để phục vụ các hoạt động từ thiện xã hội, trao tặng các thiết bị phục hồi chức năng thông minh này cho các thương bệnh binh và người nghèo không may gặp rủi ro. Bên cạnh đó, Công ty sẽ kết hợp và tiến tới sản xuất các thiết bị hỗ trợ như chân, tay giả nhằm nội địa hóa, cung cấp cho các bệnh nhân tại Việt Nam. Trước tiên, công nghệ này sẽ được chú trọng áp dụng cho các đối tượng là thương binh nặng trên toàn quốc, sau đó sẽ triển khai đại trà nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của các bệnh nhân”.

Nhân dịp 27/7, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã trao tặng các thiết bị phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh một số địa phương là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bến Tre, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Đắc Lắc và trại điều dưỡng thương binh Thuận Thành thuộc Bộ Y tế.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm