Nơi ươm ước mơ giảng đường đại học
(Dân trí) - Từ khắp mọi nơi ở Thừa Thiên Huế, trẻ em lang thang, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa về Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố chăm sóc. Ở đây, các em được ăn học và nuôi dưỡng tiếp ước mơ thoát nghèo từ thời lam lũ, cơ cực.
Mái ấm của tình thương
Chúng tôi đến Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố (130 Chi Lăng, TP Huế) gặp được em Nguyễn Thị Như ở xã Hương Vinh, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Má các em sớm mất vì bệnh rừng. Ít lâu sau, ba em cũng bị bệnh và qua đời. Năm anh em nheo nhóc về ở với ông bà, sống lay lắt trong đói khổ. UBND xã phải làm đơn gửi em Như cùng hai anh là Nguyễn Văn Thảo A, Nguyễn Văn Thảo B về Trung tâm để các em được nuôi ăn và đi học.
Bi đát nhất có lẽ là hoàn cảnh của anh em Lê Tấn Nhân và Lê Thị Uyên. Ba bỏ đi, mẹ đang dạy học ở Cao Bằng bị động kinh phải về sống với ông bà ngoại ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Khi Nhân hai tuổi, ông ngoại cậu đuổi mấy mẹ con ra khỏi nhà ra khỏi nhà khi mẹ đang có mang. Hai mẹ con dắt nhau đi lang thang ăn xin khắp nơi. Khi mẹ Nhân sinh em Lê Thị Uyên, mấy mẹ con về Huế sống lâu dài, ngày đi làm thuê, xin ăn, tối về ngủ ở ven đường hoặc gầm cầu Gia Hội. May được người thương cho hai anh em ở nhà dòng. Lúc vào Trung tâm, Nhân không có giấy tờ gì, các bảo mẫu phải chạy lo làm giấy khai sinh cho em để em được đi học.
Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố Chi Lăng được tổ chức CI của Đài Loan kết hợp với Đội công tác xã hội Thừa Thiên-Huế thành lập ngày 20/6/1993. “Ban đầu thành lập tiếp nhận tới hơn 200 người. Lúc đó các trung tâm còn ít mà trẻ em nghèo, lang thang lại nhiều, Trung tâm đưa cả về cho các em có mái nhà trú chân. Vừa định hướng cho các em đến trường, học nghề, vừa tìm liên hệ tài trợ mở thêm Gia đình trẻ em thành phố Nguyễn Trãi rồi Cơ sở bảo trợ trẻ em Thủy Xuân để san sẻ” - bảo mẫu Nguyễn Diệu Hồng, người gắn bó với Trung tâm tám năm nay cho biết.
Hiện nay, Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố Chi Lăng nuôi dạy 21 em thuộc đủ thành phần cơ cực. Hàng ngày, Đội công tác xã hội Thừa Thiên-Huế đi rà soát TP và các huyện rồi liên hệ với địa phương lập hồ sơ, xác minh đối tượng để đưa về các trung tâm bảo trợ trẻ em nuôi dưỡng.
Mỗi tháng, tổ chức CI tài trợ cho mỗi em 180 ngàn đồng và quần áo, sách vở. Đó chỉ được một phần ba chi phí, đội công tác xã hội phải chạy vận động các tổ chức, nhà tài trợ và xin thêm ngân sách tỉnh nuôi các em. Dưới áp lực tăng giá, việc thiếu thốn càng khắc nghiệt hơn.
Hiện tại, Trung tâm có tám nhân viên. Họ cũng có gia đình, có con cái nhưng sớm tối gắn bó với các em. Mỗi tháng lương bảo mẫu, bảo vệ được 540 ngàn. Năm người quản lý lo tìm hiểu, đón các em về Trung tâm và tìm mối tài trợ, vận động các tổ chức hảo tâm lấy kinh phí được thêm 200 ngàn trợ cấp xăng xe đi lại. Những người gắn bó với Trung tâm không phải gì khác ngoài hai chữ “tình thương”.
Bữa ăn của các em ở Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố. (Ảnh: V.Đình)
Chắp cánh những ước mơ
Các em đến Trung tâm được nuôi từ 5 dến 18 tuổi và học hết cấp phổ thông. Sau đó, ai có thể thì học tiếp đại học, cao đẳng, còn lại cho các em học nghề để tự lập theo khả năng và sở thích.
Các em được các anh chị lớp trước, các cô bảo mẫu chỉ dạy học tập, vào buổi tối, các sinh viên khoa Hóa, Lý trường ĐH Sư phạm đến tình nguyện dạy kèm cho các em học. Những ngày Tết thiếu nhi và Trung thu, Trung tâm và các tổ chức xã hội tổ chức liên hoan và tặng quà bánh cho các em. Các em cũng được tổ chức Trung tâm tổ chức sinh nhật. Tất cả những hoạt động này nhằm tạo cho các em phá bỏ tâm lý trẻ em đường phố để vươn lên xây dựng ước mơ học tập để thoát nghèo.
Từ Trung tâm Gia đình trẻ em đường phố Chi Lăng, nhiều người đã vươn lên xây dựng ước mơ giảng đường. Phạm Hữu Nghĩa học ĐH tại TPHCM, Nguyễn Thị Minh Hải đã học xong ngành Du lịch, Lê Thị Lan đang học năm cuối Ngoại ngữ, Phạm Ngũ Hiếu là sinh viên năm 4 khoa Công nghệ Sinh học-ĐH Khoa học. Tiêu biểu là Lê Tấn Nhân đang chinh phục tấm bằng đại học thứ hai.
Cũng từ đây, nhiều lớp người đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Hồ Thị Muôi làm phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới. Nguyễn Đăng Dũng được sang Pháp học làm bánh nay về mở lò và truyền dạy cho các em ở Trung tâm Thủy Xuân. Lê Quang Đức làm bếp trưởng khách sạn Morin. Mai Mạnh Thường mở khách sạn trong Đà Nẵng, hay Dương Thị Na, Ngô Quang Trung đang làm chủ những cửa hàng lớn.
Tiếp nối các anh chị, các em tại Trung tâm cũng nỗ lực học không ngừng. Năm học này, với 5 em đạt học sinh giỏi, học bổng xuất sắc và 7 em đạt học sinh tiên tiến, quản lý Trung tâm cùng các em đang chuẩn bị cho niềm vui lớn: kết hợp kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm và mừng các em đạt giải cuối năm học vào ngày Tết thiếu nhi 1/6. Nhiều em đang gắng sức học tập để đạt ước mơ của mình: Nguyễn Văn Nam mong làm bác sĩ, Nguyễn Thị Bớt muốn làm luật sư, Uyên mong làm cô giáo và Xương muốn làm kế toán...
Nghỉ hè rồi nhưng ngày nào các em cũng tự học. Tối đến, cô Bề lại tập trung cho các em học như mọi ngày. Các em học tập không ngừng nghỉ để vượt qua nghèo khổ, lam lũ của cuộc đời.
Tối nào cô Bề cũng tập trung cho các em học bài. (Ảnh: V.Đình)
Trịnh Vân Đình