Nổi trôi hai ngọn đèn dầu trước gió
(Dân trí) - Khi người chị 57 tuổi bệnh nặng phải vào viện, cũng là lúc người em được lên bờ lần đầu tiên trong đời. Quá nửa cuộc đời, hai người đàn bà tật nguyền vẫn ôm mộng đặt chân lên đất liền, có một mái nhà che mưa che nắng…
Lênh đênh giữa dòng
Họ là hai chị em Phan Thị Vinh (sinh năm 1953) và Phan Thị Sen (sinh năm 1970), làng Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Men theo con đê vắng lặng và những ngõ nhỏ của làng Văn Quán, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đường đến khu hai chị sinh sống vào một buổi trưa nắng gắt. Nơi ở của họ không phải là một ngôi nhà trên bờ như bao người dân khác mà là một con thuyền lênh đênh giữa miền sông nước mênh mông.
Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là hai người phụ nữ rất đỗi nhỏ bé lê thật nhanh bằng đôi chân khuyết tật. Họ bị dị tật bẩm sinh.
Ngay từ khi mới sinh ra, hai chân đã co quắp lại thành hình chữ V, lòng bàn chân chĩa thẳng lên trời. Chính vì thế mà mọi hoạt động, đi lại đều rất khó khăn, phải sử dụng đến xương hông để di chuyển. Trái nắng trở trời, những khớp xương thi nhau đau nhức.
Cách đây ít lâu, vì chống chọi với mưa nắng nhiều, người chị mắc bệnh viêm phổi nặng. Căn bệnh quái ác làm chị yếu đi, người đàn bà khuyết tật không còn sức để lao động nữa, mọi gánh nặng lại đổ dồn lên hết người em cũng đau ốm quanh năm.
Giữa dòng, nổi lên hai số phận mà cả cuộc đời gắn liền với sông nước. Tuổi đã bước sang nửa bên kia của cuộc đời vậy mà lần đầu tiên họ được đặt chân lên bờ là cách đây nửa tháng, khi người chị bị bệnh nặng phải vào viện chữa trị.
“Nặng gánh nhân gian”
Gương mặt khắc khổ, những ngón tay chai sần vì phải hàng ngày phải chèo thuyền đi đánh tôm, bắt tép, ánh mắt chị Sen trĩu buồn tâm sự: “Ngày nắng cũng như hôm mưa, sáng thì từ 3 - 8 giờ, chiều thì từ 1- 5 giờ, em phải đi đến khúc sông cách đây khoảng 3, 4 km để thả đó bắt tôm. Có những hôm chỉ kiếm được 1, 2 lạng tôm, mà tiền mồi mình bỏ ra đã mất 20 nghìn, đi làm cả ngày mà còn lỗ vốn, chả đủ ăn”.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi mãi đến chiều muộn chị Sen mới chuẩn bị nấu cơm. Bữa cơm thật đạm bạc, chỉ có rau với mấy củ lạc rang. Chị buồn rầu tâm sự: “Mỗi ngày kiếm được có ít tiền, làm gì dám mua thịt, mua trứng để ăn. Tiền còn phải để dành mà mua thuốc cho chị Vinh, tuần nào chị ấy cũng phải tiêm đến 3, 4 lần. Lần vào viện lần trước hết gần 4 triệu mà chúng tôi vẫn chưa có tiền trả bác sĩ, vẫn phải khất nợ người ta”.
Loay hoay đi lại cho sinh hoạt hàng ngày còn khó khăn, nói gì đến việc phải thức khuya dậy sớm đi kiếm sống, rồi lo chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, dường như hai con người nhỏ bé ấy đang phải nếm những cay đắng nhất của cuộc đời.
Vừa lấy tay quệt dòng nước mắt, chị buồn rầu: “Có lẽ chẳng cái khổ nào chúng tôi chưa trải qua, đói có, rét có, chỉ mong được sống như người bình thường, có một mái nhà trên cạn để che mưa che nắng, không còn phải lo ngay ngáy mỗi khi có mưa bão nữa”.
Lúc chúng tôi ra về, trời đã nhập nhoạng tối. Trên bờ, đèn điện của nhà nhà đã được bật sáng. Dưới sông, trên con thuyền nhỏ, hai người đàn bà nhìn theo chúng tôi, leo lét như cây đèn dầu để trong khoang thuyền tối.
Hai thế giới khác nhau đang tồn tại chỉ cách nhau có vài chục mét, biết bao giờ giấc mơ được lên bờ của họ mới trở thành hiện thực?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Phan Thị Sen, làng Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội. Mã số 11
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
3. Tài khoản Ngân hàng (Báo Khuyến học & Dân trí) * Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
4. Văn phòng đại diện của báo: |
Hồng Thuận