(Dân trí) - Trong căn nhà 10m2 ọp ẹp với nhiều vết nứt, rạn quanh tường, ông Khâm ngồi đó với ánh mắt trầm ngâm, điều làm ông trăn trở nhất trước khi nhắm mắt là hai đứa cháu thơ mắc bệnh tâm thần không còn nơi nương tựa, khi vợ chồng ông khuất núi.
Qua nhiều khúc cua vòng vèo, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy ngôi nhà tạm bợ của gia đình ông Hà Minh Khâm, Tiểu khu Đại Nam, Thị trấn Phú Xuyên, Huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Ông Khâm, bà Huế cùng hai đứa cháu dại trong căn nhà cấp 4 diện tích 10m2
Thấy có tiếng hắng giọng của trưởng thôn, ông Khâm 74 tuổi, lê từng bước khó nhọc, vịn chặt tay vào thành ghế bước ra cửa đón khách. Bên chén trà nóng, ông trầm ngâm kể về cuộc đời mình. Hai tay ông nâng niu những tấm bằng khen, những huân chương mà ông được tặng trong hai cuộc kháng chiến.
Ông sinh được 4 người con, hai trai, hai gái. Anh con cả năm nay ngoài 40, nhưng nghiện hút từ nhiều năm nay. Đồ đạc có giá trị trong nhà đều được “hóa giá” theo làn khói trắng. Hai cô con gái của ông bà lấy chồng xa, kinh tế cũng khó khăn nên ít có điều kiện giúp đỡ gia đình. Kể về cậu con trai thứ hai, ông Khâm không giấu nổi xúc động: “Nó là đứa hiền lành, tốt bụng nhưng số phận không may mắn, đến lúc trưởng thành mà hình dáng nó vẫn chỉ như một đứa trẻ. Nó qua đời vì bệnh ung thư cách đây hai năm”.
Sau cái chết của chồng, người con dâu ông Khâm cũng bỏ nhà đi từ đấy không thấy trở về, để lại hai đứa trẻ còn thơ dại cho ông bà chăm sóc. Bà Huế - vợ ông buồn bã nói: “Khổ nhất là các cháu nó giống mẹ, cả hai đứa đều ngớ ngẩn. Giờ chúng nó chỉ ở nhà có đi học được đâu”.
Bé Quang năm nay 12 tuổi, bé Phương lên 8 tuổi, hai đứa trẻ ngồi yên trên giường mắt thao láo hướng về phía khách với ánh mặt vô hồn. Căn bệnh của Quang được phát hiện khi em vào lớp 1. Cô giáo rất ngạc nhiên vì trí nhớ của Quang rất kém. Cô vừa nói xong, Quang đã quên ngay. Cuối năm không đủ điểm, Quang phải học thêm 1 năm lớp một cho “chắc” kiến thức. Lên lớp 2, em phải bỏ học vì “học đâu quên đấy” . Nhà nghèo, ông bà cũng không có tiền đưa Quang đi khám. “Chúng tôi cũng không rõ cháu bị bệnh gì, chỉ đoán cháu bị ngớ ngẩn giống mẹ, chứ đã bao giờ đưa cháu đi khám được đâu, nhà không có tiền để chạy chữa cho cháu”, ông Khâm thều thào.
Ba năm sau cháu Phương cũng vào lớp 1. “Nó còn dốt hơn cả thằng anh nên phải bỏ học khi đang học kì đầu của lớp 1. Cái Phương bệnh còn nặng hơn cả thằng Quang anh nó”, bà Huế tay xoa đầu lũ trẻ mà nước mắt cứ trào ra.
Ngày ngày bà Huế đưa hai cháu đi thu gom rác thải quanh xã kiếm cơm
Ông bà đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, vậy mà còn phải lo chạy ăn từng bữa cho con, cho cháu. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào vài trăm ngàn tiền chính sách của ông. Ruộng có 3 sào nhưng cũng để cho người trong làng cấy nhiều năm nay. Hai ông bà đều mắc bệnh khớp nặng đi lại bình thường còn khó huống chi là làm ruộng.
Bà Huế bộc bạch: “Thời tiết thay đổi chân đau nhức và sưng mỗi lúc một to, ông nhà tôi cũng bị như vậy, đau nhức lắm bác ạ”, bà chỉ vào hai bàn chân đã biến dạng vì căn bệnh khớp mãn tính. Chỉ là ngày thường, ngón út của bà đã sưng to như ngón cái, các ngón khác đều phồng lên, lệch sang bên phải.
Bác Sâm, trưởng thôn cho biết: “Gia đình ông Khâm thuộc hộ khó khăn nhất trong thôn, tôi đã đứng ra xin cho bà Huế đi thu dọn vệ sinh cho địa phương. Cuối vụ thôn sẽ trả công bà bằng thóc”.
Ngày ngày ba bà cháu bà Huế đi thu gom rác thải trong thôn, bà kéo xe còn hai đứa nhỏ phụ bà đẩy. “Vừa làm cũng là vừa trông nom chúng luôn bác ạ. Ở nhà ông già yếu không nhìn được chúng nó. Nhỡ ra… ”, bà nghẹn lời.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, số phận của những mảnh đời trong gia đình ông Khâm gắn chặt với nhau, bế tắc không lối thoát. Giờ đây, gia đình ông vẫn phải chạy ăn từng bữa, lo được bữa nay chưa biết đến ngày mai. Căn nhà cấp 4, xây cách đây hơn chục năm đã có dấu hiệu rạn nứt quanh tường. Cả căn nhà rộng chừng hơn 10m2, chỉ kê vừa một chiếc giường, với một bộ bàn ghế tuềnh toàng, đồ đạc trong nhà không có thêm thứ gì.
Ông Khâm khẩn khoản: “Tôi chỉ mong sao có ai giúp đỡ đưa hai cháu một lần được đi khám để biết rõ bệnh tật. Chúng tôi già yếu, lại quanh năm đau ốm không dậy được, không có điều kiện lo cho các cháu”.
Khi chúng tôi ra về, bà Huế vẫn đứng tựa cửa, tay ôm hai đứa cháu dại, mắt đau đáu nhìn theo. Hai đứa trẻ đáng thương vẫn tròn xoe đôi mắt ngơ ngẩn nhìn về phía chúng tôi. Không hiểu cuộc sống của hai cháu sẽ đi về đâu khi một ngày kia ông bà khuất núi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Ông Hà Minh Khâm, Tiểu khu Đại Nam, Thị trấn Phú Xuyên, Huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
Switch Code : ICBVVNVX106 639
Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269