1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Quảng Nam:

Nỗi trăn trở của người đàn bà 27 năm chèo thuyền

(Dân trí) - 27 năm qua, trên bến sông Tân Phú người ta vẫn thấy bà cặm cụi sớm khuya, chèo thuyền chở khách qua sông. Nhặt từng đồng xu ít ỏi người khách để lại, bà gánh trên vai chồng và hai người con dại, cùng những đứa cháu thơ đang tuổi đến trường.

Gia cảnh của bà Trần Thị Huệ: Tổ 1, thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam được người dân trong xã, ngoài làng biết đến như một câu chuyện về người phụ nữ có số phận kém may mắn.
 

Nỗi trăn trở của người đàn bà 27 năm chèo thuyền  - 1

Chòi lá dột nát này là tổ ấm của 7 con người khốn khổ trong gia đình má Út

“Đưa đò má Út ơi… đưa đò má Út ơi”, những tiếng gọi đò vọng xa từ bên kia bến sông, bà đứng dậy đáp lại người khách từ bên này sông: “Chờ má tí nhé, má qua chừ”. Ai cũng gọi bà bằng cái tên thân mật: Má Út!

Tích góp được ít tiền từ việc buôn bán ve chai, được hàng xóm cho vay thêm để đóng con đò nhỏ này, từ đó bà theo nghề chèo đò cho đến bây giờ. “Tôi hay chở nhiều dân bán cá qua sông này lắm, thấy thương họ đi lại vất vả nên tôi tự nguyện chèo đò đưa bà con qua sông. Đời tôi gắn với con đò, khúc sông này kể từ đó”, má Út tâm sự.

Mỗi ngày từ 6 giờ sáng, má Út đã đưa khách sang bến cho đến chiều tối, nhiều hôm đêm khuya vẫn có người gọi đò má không ngần ngại, lọ mọ dậy chèo đò đưa khách. Mỗi chuyến đò má chỉ lấy mỗi người từ 500 đồng đến 1.000 đồng. Trẻ con, người nghèo thì thôi. Mà cũng không phải má Út ra giá, khách đi đò tự nguyện đưa. Khách lên đò tự góp tiền rồi bỏ vào cái lon sữa mà má dùng để khách bỏ tiền vào.

Những ngày mưa to gió lớn hay lũ về thì má phải gọi thêm con trai và con gái cùng chèo mới đưa được khách qua sông. “Ngày thường mỗi chuyến má chở 10 khách, nhưng nay thì chỉ có 5 - 7 khách là cùng. Vì đã có cây cầu bắc qua sông nên khách đi đò ít”, má Út tâm sự.

Nỗi trăn trở của người đàn bà 27 năm chèo thuyền  - 2

27 năm qua, chiếc thuyền gỗ là người bạn đồng hành cùng má Út đưa khánh sang sông

 
Nghiệp chèo đò giúp người sang sông nhưng tai họa, bất hạnh cứ ập xuống gia đình má như “sóng vỗ mạn thuyền”. Gia đình má có hai người con, một gái, một trai nhưng cả hai đều không bình thường. Khi cô con gái đầu (Nguyễn Thị Thanh Thúy) đi lấy chồng, bà đã mừng thầm trong bụng: con mình không được khôn ngoan nhưng may cũng có tấm chồng để nương tựa. Không ngờ, khi Thúy sinh được hai đứa con thì vợ chồng mâu thuẫn, cũng vì cơm áo gạo tiền. Thấy con gái phải chịu những trận đòn kinh thiên động địa, má Út đành đưa 3 mẹ con Thúy về căn nhà lá của gia đình chăm nuôi.
 
Con gái đã vậy, con trai cũng không khôn, thằng Hiến cứ lúc tỉnh lúc điên, suốt ngày đi lang thang ngoài đường. Má Út tâm sự: “Có lúc gia đình đang ăn cơm thì Hiến nhớ lại cảnh thằng chồng con Thúy đánh chị mình, thì nó vứt chén cơm rồi bơi qua sông tìm thằng chồng con Thúy đánh. Can cũng không được, có lúc nó đánh thằng con rể bị thương phải nhập viện”. Nói đến đây, má Út rớm nước mắt: “Con đã vậy, ông nhà tôi cũng không hơn gì. Thằng Hiến và con Thúy giống ông ấy, 3 bố con đều dại”.
 
Ông Đặng Văn Nam, hàng xóm với gia đình má Út cho biết: “Hai đứa con của bà, do gia đình quá khó khăn đã phải lần lượt bỏ học giữa chừng. Nhưng khó khăn nhất là phải nuôi thêm hai đưa cháu ngoại. Hiện tại, bà Út là lao động chính nuôi chồng với hai đứa con và hai đứa cháu ngoại. Nhà không có, gia đình bà che đỡ cái chòi tranh gần bến sông sống đỡ”.
 
Ma Út cho biết thêm: “Mỗi ngày, tôi gắng chèo đò cũng được 30 - 40 ngàn đồng. Nhưng số tiền đó chia năm xẻ bảy: 20 ngàn đong gạo cho cả nhà, để dành 10 ngàn cho đứa cháu đã đến tuổi đi học. Nó mới vào học lớp 1 nên tiền nhiều, còn dư thì trả nợ dần và lo thuốc men cho chồng và đứa con trai khờ khạo ấy”, má tính chi li. Bản thân má Út mắc bệnh dạ dày, nhiều khi đang chèo đò thì cơn đau lại hành hạ, có lúc ngồi qụy xuống, nếu không có con cái ở nhà thì được những khách đi đò chèo giùm và đưa về căn chòi tranh, đau thế nhưng không dám nghỉ bữa nào.
 
Nhưng nay gia đình má Út càng khó khăn hơn khi cây cầu vượt Tam Phú bắc qua sông, chắc có lẽ nghề chèo đò của má Út cũng không còn bao lâu nữa, trong khi cả gia đình má chỉ trông vào “đôi chèo”.
 
Tiễn chúng tôi ra về, má Út nói với theo: “Ở bến sông này đã có cầu, không biết còn ai đi đò của má nữa không!”.
 
 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Bà Trần Thị Huệ: Tổ 1, thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm