Mã số 183:
Nỗi gian truân của mẹ con cô bé không có bộ phận sinh dục
(Dân trí) - Con gái út chào đời cũng là lúc gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp tan vỡ, bởi cháu bé bị dị tật hậu môn và không bộ phận sinh dục. Đến năm 2 tuổi, bé còn bị khối u màng não tủy dẫn đến liệt đôi chân.
Nhìn thấy dị tật của đứa bé sơ sinh, người chồng lẳng lặng bỏ đi biệt tích. Xuất viện, chị ôm con về nhà, hai đứa con lớn nửa sợ sệt, nửa tò mò nhìn em bé. Chị mở khăn ra, chúng hét lên một tiếng rồi bỏ chạy. Lát sau, chúng len lén về nhà, gom quần áo rồi cũng đi biệt. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp (ấp Hiệp Tâm 2, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, Đồng Nai) nát tan như thế từ khi bé Nguyễn Thị Tâm mới chào đời năm 2002.
Chị Hiệp nhớ lại: “Tôi sinh cháu Tâm ở BV Gia Căn (Định Quán, Đồng Nai). Lúc đó cửa mình cháu chỉ có 1 cục, không rõ là trai hay gái. Rồi cháu được cấp cứu ở BV Nhi Đồng 2 (TPHCM). Bấy giờ việc đặt tên cho cháu là con gái cũng chỉ đoán mò để cho xong giấy tờ thôi”.
Cái chuỗi ngày long đong khổ sở ấy chị vẫn còn nhớ như in. Người chồng bỏ đi, hai mẹ con chị không ai thăm nuôi, sống nhờ cơm từ thiện. Ngày nghỉ, người ta không nấu nên chị phải xin từ hôm trước, hôm sau chan nước sôi vào cho cơm mềm ra, rồi dấm dúi ăn ở góc phòng. Người nhà bệnh nhân khác nhìn thấy mới bảo nhau góp tiền giúp đỡ chị.
Sau khi bé Tâm được phẫu thuật đặt hậu môn tạm và đường dẫn tiểu, hai mẹ con về quê. Chồng con đều bỏ đi hết cả, một mình chị Hiệp xoay sở chạy chữa cho bé Tâm, chẳng bao lâu chị phải bán cả nhà, nhưng số tiền 15 triệu đồng đó cũng nhanh chóng tiêu tan theo chi phí chữa bệnh.
Rồi hai mẹ con chị đi lang thang, lúc thì bán vé số, khi thì ăn xin. Dị tật của bé Tâm quá đáng sợ, chị phải vạch ra cho người ta xem và kể tường tận, người ta mới chịu mua giúp. Ban đầu, chị đi ở chợ gần nhà nhưng họ hàng kéo đến ngăn cản, bảo chị đừng làm xấu mặt họ. Thế là chị phải bắt xe lên tận Sài Gòn, đi bán vé số ở các chợ.
Mỗi chuyến đi như thế có thể kiếm đủ tiền cho hai mẹ con thuê phòng trọ và ăn uống, thuốc men trong vài tuần. Chị cũng không nghĩ ra được nghề gì khác để làm, bởi suốt ngày phải chăm sóc con, thường xuyên thay tã, vệ sinh hậu môn tạm cho bé. Dị tật của bé Tâm cũng phải che giấu thật khéo, chứ nếu chủ nhà nhìn thấy là ngay hôm sau hai mẹ con phải ra đường.
“Những ngày đó, tôi chỉ muốn tự tử cho xong. Nhưng còn con mình ai nuôi? Tôi đã định đem nó bỏ ở cơ sở mồ côi, nhưng liệu có ai thương nó bằng mình?”. Bế tắc, cùng quẫn, ai chỉ vẽ thế nào, chị cũng nghe theo, miễn là tìm ra hướng giải thoát. Đến nỗi, người ta bảo chị xăm lông mày để cải thiện tướng số cho cuộc đời bớt khổ, chị cũng làm.
Lên 5 tuổi, bé Tâm đã biết xấu hổ. Nhiều năm chịu đựng những ánh mắt dò xét, hiếu kỳ, Tâm đã bị trầm cảm. Bé phản ứng dữ dội khi mẹ đưa tay nhận tiền bố thí.
Cũng may, trên bước đường lưu lạc, mẹ con chị gặp được những tấm lòng từ tâm. Người giúp đỡ tiền bạc, người thì hướng dẫn hai mẹ con tìm đến các bệnh viện. Tới tháng 12/2009 hai mẹ con chị Tâm được một nhà thờ và các mạnh thường quân giúp xây cất một căn nhà nhỏ ở Đồng Nai, không phải liên tục chuyển nhà trọ nữa.
Chị cũng nhận hàng gia công, hàng ngày đan lục bình để có tiền rau cháo và mua tã cho con. Nhưng tiền công cũng chẳng bao nhiêu, từ vài ngàn cho đến 30 ngàn đồng/sản phẩm nên nhiều lúc chị phải dùng khăn lót cho bé vì hết tã.
Hai mẹ con cứ sống qua ngày như thế mà ngóng đợi những cuộc điện thoại gọi lên tái khám. Thậm chí, nếu không có ai gọi, chị cũng sốt ruột tự động đưa bé Tâm đi. Nhưng đa phần là lại buồn bã quay về, vì bệnh tình của bé Tâm phải chờ đợi những tiến bộ y học mới.
1 tháng tuổi, cháu được các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 phẫu thuật, tạo hậu hậu môn tạm bên thành bụng và tạo đường dẫn tiểu. Lúc 2 tuổi phát hiện ra thêm khối u màng não tủy nên không thể đưa hậu môn xuống dưới được.
Bác sĩ Huỳnh Lộc Sơn (BV Nhi Đồng 2) cho biết cháu bị lộ ổ nhớp, thoát vị màng não tủy. Hai mẹ con bé Tâm đã đi nhiều bệnh viện nhưng không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi được khám tại BV Nhi Đồng 1 vào tháng 6/2009, BS Đào Trọng Hiếu và BS Lê Tấn Sơn đánh giá đây là một trường hợp cực kỳ phức tạp vì dị tật không những chỉ ở hậu môn mà còn ở ống tiểu, tử cung và bộ phận sinh dục.
Bệnh thoát vị màng mô tủy ảnh hưởng tới hệ thần kinh khiến cháu không thể kiểm soát được việc tiểu tiện.Kết quả siêu âm cho thấy Tâm có 2 quả thận rất lớn do hậu quả của việc nước tiểu bị ngưng đọng, có thể dẫn tới hư thận hoặc nhiễm trùng máu. Nếu không làm thoát nước tiểu ra khỏi thận thì sẽ nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ phán đoán Tâm cần được phẫu thuật tái tạo lại đường tiểu và bộ phận sinh dục. Tuy nhiên việc này cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Hy vọng có thể có đoàn bác sĩ nước ngoài giúp cùng những tiến bộ y học mới có khả năng cứu chữa.
Tháng 3/2011 Tâm được một bác sĩ niệu người Mỹ là David Vandersteen khám sơ bộ tại BV Nhi Đồng 1, tuy nhiên vì không có đủ thời gian nên việc phẫu thuật chưa thể tiến hành. Bác sĩ Vandersteen sẽ tiếp tục làm việc với Nhi Đồng 1 vào tháng 3 năm 2012 và hứa sẽ cố gắng phẫu thuật cho Tâm khi đó.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Chị Nguyễn Thị Hiệp,ấp Hiệp Tâm 2, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, Đồng Nai. (Chị Hiệp không có CMND và hộ khẩu nên bạn đọc vui lòng không gửi tiền ủng hộ qua bưu điện). Điện thoại: 0167 907 4359 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Ngõ số 2, nhà 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 045 137 195 6482 SWIFT Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0451 001 944 487 Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
|
Hồng Nhung