Nỗi buồn tủi của đôi vợ chồng khuyết tật

(Dân trí) - Gần 10 năm chung sống, vợ chồng anh Hồ Văn Mỹ như đi đến tận cùng vất vả. Đói, rét, tật nguyền, con cái đau ốm triền miên…, gánh nặng cuộc đời như đặt trọn trên vai đôi vợ chồng người dân tộc Vân Kiều.

Trăm ngàn nỗi khổ

Trong ngôi nhà sàn rách nát, năm con người: hai lớn, ba bé ngồi co ro bên bếp lửa. Cái lạnh cắt da, cắt thịt cùng cái đói cồn cào… khiến những tấm thân gầy run lên bần bật. Từ lúc lấy nhau, rồi có ba mặt con, đôi vợ chồng khuyết tật: Hồ Văn Mỹ (1972), Hồ Thị Tràn (1978) chưa có ngày đủ ăn, đủ mặc.

Vốn tật nguyền từ bé, cuộc đời anh Mỹ, chị Tràn tưởng chừng không tránh khỏi cảnh “khăn đơn, gối chiếc”. Nhưng, duyên phận lại đưa họ đến với nhau. Tình yêu bắt đầu từ sự đồng cảm. Chị Hồ Thị Tràn cười e ấp, kể lại: “Thấy anh ấy mù loà, quanh năm cứ ru rú trong nhà, lòng em thương lắm. Em cũng bị tàn tật từ nhỏ, nên hiểu rõ anh ấy cực khổ thế nào. Rồi, chẳng biết từ bao giờ, em phải lòng anh ấy”.

Nỗi buồn tủi của đôi vợ chồng khuyết tật - 1

Gương mặt nhuốm buồn khi nghĩ đến tương lai các con.
 
Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ bắt đầu với không ít âu lo. “Cả em và vợ đều biết: bọn em tật nguyền thế này, về sống dưới một mái nhà thế nào cũng khổ. Nhưng, cái bụng bọn em lỡ thương nhau mất rồi”, anh Mỹ tâm sự.

Dự cảm ấy sớm thành hiện thực. Đôi mắt mù loà không cho phép anh Mỹ lên nương kiếm cái bỏ bụng như thanh niên, trai tráng trong thôn. Nhiều lần anh đánh liều, xách cuốc lên nương, nhưng chỉ khiến những vết thương thêm dày trên thân thể. Dù chỉ đủ sức bước chân tật nguyền ra mảnh vườn bé xíu trước nhà, chị Hồ Thị Tràn vẫn trở thành trụ cột của gia đình. Cuộc sống hai vợ chồng cứ thế trông cậy vào mảnh vườn và sự giúp đỡ của bà con.

Khó khăn thêm chất chồng khi các con lần lượt ra đời. Niềm vui sinh hạ ba cháu bé khoẻ mạnh chưa nở trên môi, anh chị lại phải đối diện với nỗi lo mới: “Vợ chồng em chỉ sợ, một ngày nào đó chúng em không đủ sức nuôi con”. Trăn trở ấy khiến bờ vai đôi vợ chồng trẻ như trĩu xuống.

Từ ngày có tiếng trẻ bi bô trong mái nhà sàn, anh chị cố gắng sắp đặt lại cuộc sống. Vậy mà, nghèo đói vẫn hoàn đói nghèo. Cái thúng, cái mủng anh Mỹ trầy trật đan, để bán lấy tiền mua gạo chỉ thu về đôi đồng bạc lẻ. Cái đói thường trực đeo bám cả gia đình, hai vợ chồng “thắt lưng, buộc bụng”, nhường miếng ăn đạm bạc cho con. “Đời chúng em khổ lắm rồi. Vất vả thêm một chút cũng chẳng sao. Chỉ thương các con, còn nhỏ thế này mà chưa có một bữa no”, chị Tràn rơm rớm nước mắt.

Đói nghèo kéo theo tật bệnh. Con anh chị đau ốm triền miên. Cháu Hồ Văn Nghiệp năm nay mới 6 tuổi đã mang ba, bốn chứng bệnh: chậm phát triển, bệnh gan, bệnh xoang… Cháu Hồ Thị Nguyên (2002) và Hồ Thị Huyền (2006) hết bị sốt rét lại mắc bệnh viêm phổi, dịch tả… Mỗi lần các cháu đổ bệnh, cả nhà lại dắt díu nhau đến trạm xá. Anh Mỹ cõng đứa con ốm trên vai, chị Tràn từng bước đi trước, dẫn lối cho chồng.

Nâng niu hạnh phúc bé nhỏ

Gần 10 năm chung sống, vợ chồng anh Mỹ như đi đến tận cùng vất vả. Tưởng chừng hạnh phúc gia đình “không chóng thì chày” cũng đến ngày sứt mẻ. Nhưng, đôi vợ chồng trẻ vẫn “cơm lành, canh ngọt”. Càng khó khăn, anh chị càng thấm thía giá trị của hai chữ: Hạnh phúc. Đến với nhau từ tình yêu, sự đồng cảm, đôi vợ chồng khuyết tật luôn ý thức giữ gìn ngọn lửa gia đình. Suốt 10 năm nay, mái tranh nghèo không hề có tiếng cải vã.

Cuộc sống lắm lo toan khiến tâm tính anh chị thay đổi theo hướng tích cực. Hai vợ chồng thường xuyên động viên nhau cùng nỗ lực vì tương lai các con. Nhưng, càng ý thức sâu sắc, lòng anh chị càng quặn thắt khi không lo nổi cái ăn, cái mặc cho các cháu.

Nặng gánh tật nguyền từ bé, vợ chồng anh Mỹ không biết đến mặt chữ. Đó là căn nguyên của trăm ngàn thiệt thòi. Nhiều chế độ dành cho hộ nghèo như: vay vốn, xin hưởng trợ cấp… đều không đến tay anh chị. Thấm thía nỗi khổ ấy, hai vợ chồng quyết tâm cho con đến trường. Hiện tại, cháu Hồ Thị Nguyên đang học lớp 1. Cháu Hồ Văn Nghiệp ngày ngày đến trường mẫu giáo. Anh chị cũng chuẩn bị xin cho cô con gái út đi học.

Con đến trường, vất vả thêm nặng gánh. Vợ chồng anh Mỹ chạy ngược, chạy xuôi kiếm tiền để con đóng các khoản thu nộp. Thế nhưng, cái ăn còn chưa đủ, chuyện bạc tiền hoá xa vời. Ước mơ về một tương lai tươi sáng của con không tìm ra lối. Mỗi lần thấy con chăm chú học chữ, lòng anh chị vừa hạnh phúc vừa rối như tơ vò.

Chiều xuống dần, cái lạnh chốn núi rừng mỗi lúc một đậm. Gương mặt vợ chồng anh Mỹ và ba đứa con dại thêm tím tái. Chẳng ai bảo ai, họ từ từ xích lại gần nhau bên bếp lửa hồng. Chị Tràn khe khẽ cất tiếng hát: “Anh ơi! Hãy đến với em. Chúng ta kết tóc, ăn thề. Yêu thương đưa ta qua đói khổ…”. Bỏ lửng lời hát, chị nói như thở dài: “Tết năm nay, có lẽ gia đình em lại chịu đói, chịu rét rồi”.
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Hồ Văn Mỹ hoặc Hồ Thị Tràn: thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

SWIFT Code: ICBVVNVX106

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương thành phố Hà Nội

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Trương Quang Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm