Tiền Giang
Niềm vui của những người con xa xứ chăm lo tết cho hộ nghèo
(Dân trí) - Hoạt động hỗ trợ hộ nghèo vui xuân, đón tết không chỉ ghi nhận nụ cười hạnh phúc của người nghèo mà còn ghi nhận tấm lòng thơm thảo của những người con xa xứ, luôn sẵn sàng chia sẻ với cảnh đời khó khăn ở quê nhà.
Sau một chặng đường dài đáp máy bay từ Mỹ về Việt Nam đón tết, chưa kịp nghỉ ngơi, chị Nguyễn Thị Thúy An đã cùng những người thân trong gia đình đến ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để trao tặng tay 104 phần quà Tết cho các hộ nghèo trong xã.
Tuy mỗi phần quà chỉ có giá trị hơn 160.000 đồng, gồm nhưng nhu yếu phẩm dùng trong ngày Tết. Đặc biệt là các phần quà của các cụ già còn được chị An gởi tặng thêm 01 chai dầu gió xanh được chị chắt chiu mua từ Mỹ mang về tặng cho các cụ phòng khi trái gió trở trời.
Chính niềm vui nhận quà của cá cụ già là động lực để những người con xa xứ như chị Thuý An trở về quê nhà, cùng chính quyền địa phương lo tết cho bà con
Cụ Nguyễn Thị Mai (80 tuổi) – xã Tân Hội cụ cười hiền khô cho biết: “Ông bà mình hay nói, “cách cho quý hơn của cho”, bởi thế bà con chúng tôi rất quý những món quà của các cháu ở nước ngoài về, phần quà nào cũng được các cháu gói cẩn thận và các cháu mang đến trao tặng tay từng người một và không quên động viên, chúc sức khoẻ mọi người. Tất cả tình cảm này, bà con chúng tôi rất quý”.
Mấy năm trước, do không có điều kiện về nước nhưng mỗi dịp Xuân về, Tết đến chị vẫn thường nhờ người thân, bạn bè của mình ở Việt Nam gởi quà tặng cho bà con nghèo. Chị An cho biết, tuy ở Mỹ nhưng chị là độc giả thường xuyên của báo Dân Trí, chuyên mục mà chị thường theo dõi là trang Nhân Ái. Khi đọc mà thấy cảnh đời nào nghèo, gặp bất hạnh chị thương lắm. Chị cũng thường gởi lời động viên, ủng hộ vật chất cho nhiều trường hợp mà Báo Dân Trí đã đăng tải nhất là những trường hợp ở miền Tây, chị còn nhớ rất rõ các nhân vật trong các bài viết như: “Sao cha nằm hoài mà không dậy chơi hả mẹ”, “Ba đứa trẻ sống nhờ máu của người khác”, “Tình cảnh của người thiếu phụ sẵn sàng chết để cứu con…”.
Sau đó, chị cũng gọi điện về thăm hỏi, thấy các cháu, các em mạnh khỏe, vượt qua được bệnh tật là chị mừng lắm. chị bảo: chị cũng cảm ơn Báo Dân Trí đã làm cầu nối, gieo duyên để chị có cơ hội làm từ thiện, giúp đỡ đúng đối tượng bà con nghèo ở quê hương mình...
Cũng là độc giả của báo Dân Trí, mấy chục năm xa quê, lập nghiệp tại thành phố Sài Gòn, chị Chín Hoàng quê ở Vĩnh Kim (Châu Thành) luôn tâm niệm sẽ chia sẻ khó khăn với hộ nghèo quê mình khi có đủ điều kiện. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, bà Chín Hoàng đã vận động mọi người trao quà Tết cho hộ nghèo ở các xã như: Vĩnh Kim, Nhị Quí, Bàn Long,... Các phần quà gồm: gạo, đường, dầu ăn, nước tương, tiền mặt… và mong muốn bà con có cái tết đầm ấm, sang năm mới có nhiều sức khoẻ, gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, dì còn hỗ trợ học bổng cho 02 em học sinh của trường THCS Nhị Quí. Bà Hoàng chia sẻ: "Có thể giá trị mỗi phần quà chưa nhiều nhưng chúng tôi mong muốn hộ nghèo nào cũng có được bữa cơm tươm tất ngày Tết". Dịp này, dì còn đến nơi thăm hỏi những nhân vật của chuyên mục Nhân Ái ở Tiền Giang mà báo Dân Trí đăng tải, như: hoàn cảnh em Nguyễn Quốc Đạt và em Nguyễn Thị Ngọc Trang – là hai nhân vật trong bài viết: “Con không sợ phải bỏ học, chỉ sợ mất mẹ” ở Tiền Giang; Hoàn cảnh 3 anh em mồ côi nương tựa nhau sống và học hành Ngô Văn Vương (1997), Ngô Văn Lên (1999) và em Ngô Văn Huy (2002) (ở ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, Châu Thành, Tiền Giang.) là các nhân vật trong bài viết: “Cha mất, mẹ bỏ đi, bé 15 tuổi gánh gồng nuôi 2 em ăn học”; …
Những ngày này, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đâu đâu cũng thấy hoạt động thăm hỏi, tặng quà Tết cho hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này nhiều năm qua đã nhận được sự cộng hưởng tích cực của những tấm lòng nhân ái, những người con thành đạt xa quê, bao giờ cũng hướng về nguồn cội để kết hợp với chính quyền địa phương chăm lo cho các hộ nghèo đón tết cổ truyền của dân tộc thêm đầm ấm.
Giọt nước mắt hạnh phúc và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khắc khổ của người nghèo là ghi nhận ý nghĩa nhất dành cho những tấm lòng hảo tâm khi họ đã góp thêm ngày xuân cho cảnh đời kém may mắn. Mỗi món quà được trích ra từ thành quả lao động của họ còn gửi gắm niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống, nhất là nhân dịp đầu năm mới. Đây cũng là động lực để những người con xa xứ quay trở về quê cha đất tổ lo cái tết đầm ấm cho bà con nghèo ở quê hương mình.
Ngô Nguyễn – Diệu Hiếu