Niềm vui của cô Tẩn Pà Mẩy ngày ra viện
(Dân trí) - Bị tim nặng và có nguy cơ chết não, người phụ nữ dân tộc Dao, Tẩn Pà Mẩy cần có 90 triệu đồng để mổ nhưng trong túi không có lấy 1 đồng. Những tưởng phải bỏ mạng, cô may mắn được tập thể các bác sĩ khoa C3 Tim mạch, BV Bạch Mai và đông đảo bạn đọc Dân trí giúp đỡ nên đã nhanh chóng được phẫu thuật và ra viện trở về nhà.
Gặp lại cô Tẩn Pà Mẩy sau hơn 1 tháng điều trị tại khoa C3 Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi không dấu nổi niềm vui khi thấy cô khỏe mạnh và đang chuẩn bị làm thủ tục ra viện. Nở nụ cười tươi và vô cùng phấn khởi, cô gửi lời cám ơn đến các bác sĩ và các nhà hảo tâm đã cứu sống mình:
“Mừng quá, cô lên viện không có tiền nhưng mà được mọi người giúp đỡ, giờ cô khỏe lại rồi. Cô còn dư hơn 20 triệu đồng để mua thuốc về nhà uống nữa cơ”.
Thấy mẹ vui, con trai cô Mẩy là anh Chảo A Sểnh bật khóc nhưng là giọt nước mắt của sự hạnh phúc bởi mẹ đã sống lại và trở về nhà. Nhớ lại quãng thời gian cách đây 1 tháng khi đưa mẹ xuống viện, anh kể :
“Đợt đó bác sĩ bảo phải mổ với chi phí hết 90 triệu. Mấy anh em trong nhà phân công nhau đi hỏi vay cả làng mới chỉ được có 20 triệu đồng, còn thiếu hẳn 70 triệu đồng không biết xoay sở ở đâu ra. Ngày đó em cứ tưởng là mẹ phải chết cơ, rồi mẹ em được các bác sĩ, các anh chị phòng CTXH bệnh viện và báo điện tử Dân trí giúp đỡ nên đã có tiền để phẫu thuật”.
Tổng số tiền bạn đọc ủng hộ cho cô khoảng gần 150 triệu đồng đủ chi trả ca phẫu thuật và thời gian nằm hồi sức. Anh Sểnh cho biết hôm nay thanh toán viện phí còn thừa khoảng hơn 20 triệu đồng, anh dùng để mua thuốc và về nhà bồi dưỡng cho mẹ.
Như một giấc mơ, đến giờ cô Mẩy cũng không tin mình đã được cứu sống và chuẩn bị trở về nhà thế này. Cô gửi lời cám ơn đến các bác sĩ và quý cơ quan báo cùng các nhà hảo tâm đã giúp cho cô để cô có thể được sống thêm được lần thứ 2. Cô còn bảo vui lắm, hạnh phúc lắm bởi trước khi xuống đến đây, cô đã rất sợ vì xem qua tivi, mọi thứ đều khác trên bản, trên làng nhưng xuống đến đây rồi người miền xuôi tốt quá, đã giúp cho cô để cô được sống. Với cô đấy là cái tình, cái nghĩa mà cô sẽ kể lại cho con cháu mình nghe để sau này chúng lớn lên làm người có ích.
Chia tay để cô lên xe trở về bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, chúng tôi cũng rưng rưng cảm động. Người phụ nữ dân tộc mộc mạc, chân chất cô bảo về làng lần này mọi người sẽ mừng lắm và sẽ hỏi chuyện cô, lúc đó cô sẽ không ngần ngại mà khoe rằng người thủ đô tốt lắm bởi chính họ đã cưu mang, giúp đỡ cô cho cô được sống đến ngày hôm nay.
Phạm Oanh