Những thầy thuốc không biên giới
Chỉ cách chợ Kompong Speau (Campuchia) khoảng 50km, nhưng đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang phải hối thúc nhau dậy từ 3 giờ sáng, thu dọn đồ đạc đến quận Oral sớm để khám bệnh và cấp thuốc cho người nghèo Campuchia.
Một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, vì vậy các thành viên của đoàn rất háo hức. Đây là chuyến đi khám bệnh theo lời đề nghị của Lực lượng Chuyên trách tỉnh Kompong Speau. Đây cũng là địa bàn Đội K93 tỉnh An Giang đang tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Xe chạy ra khỏi thị xã, xuôi theo quốc lộ 4 một đỗi rồi quẹo phải, vượt qua nhiều đoạn đường quanh co, dằn xốc suốt gần bốn tiếng đồng hồ mới tới Trạm y tế xã Sangke Satop, nơi tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1.000 người nghèo Campuchia. Không để bà con đợi chờ, đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang có mặt đúng hẹn và đã sẵn sàng.
Nhưng, mãi đến 7 giờ 30, rồi 8 giờ chỉ có vài người phụ nữ và trẻ em đến. Thấy có vẻ lặng lẽ quá, Quận trưởng Chem Sarim phân bua: “Do địa bàn rộng, bà con ở rải rác, cách xa mấy chục cây số.Được khám bệnh và cấp thuốc, bà con mừng lắm, dễ gì bỏ”. Do đặc thù núi rừng, nhiều người đã nấu cơm, ăn xong còn mang theo, phòng khi quay trở về nhà bị trễ buổi.
Quả đúng vậy, sau 8 giờ thì người già, phụ nữ ẳm trẻ con kéo tới. Lớp đi xe Honda chở hai, chở ba; lớp đánh cộ bò chở năm, bảy người; còn mấy chiếc máy dầu kéo cộ chở cả chục người… tấp nập đến từ phía chợ Oral, khiến không khí vắng lặng bỗng trở nên nhộn nhịp lên hẳn.
Oral là địa danh của khu vực núi rừng, sau chiến tranh mới được thành lập quận, thuộc vùng sâu tỉnh Kompong Speau. Dân số tổng cộng hơn 21.500 người, ở rải rác các phum tại 5 xã. Ông Chem Sarim nói, đời sống bà con khó khăn chiếm đến 50%, sốt rét hoành hành làm mọi người luôn sống trong lo sợ.
Mấy năm gần đây, tình trạng tử vong đã hạn chế, nhưng dịch bệnh vẫn còn dai dẳng. Có đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang - Việt Nam sang tận đây, người dân mừng khắp khởi, ai cũng cho rằng lạ quá, chưa thấy bao giờ.
Bác sĩ Or Vanthen - Phó Giám đốc Sở Y tế Kompong Speau cho biết, tỉnh không có bệnh viện quận hay phòng khám khu vực, trạm y tế xã làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường và sơ cứu; nếu mắc bệnh nặng thì phải đưa về chợ Kompong Speau hoặc đi thẳng lên Phnom Penh.
Anh không giấu được niềm vui: “Đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang - Việt Nam qua, chúng tôi mang ơn nhiều lắm, giúp sức cùng chúng tôi chăm lo cho người dân nghèo, chứ chúng tôi làm không nổi và không có kinh phí để hoạt động như vầy”.
Tháng giêng hàng năm, thời tiết trên đất nước Chùa Tháp chuyển sang mùa khô, khí hậu càng gay gắt đối với vùng núi rừng. Năm nay, mưa dứt sớm, lúa cấy bị thất mùa, người dân Oral làm nghề hầm than… phải lặn lội trong rừng thiêng nước độc để tìm kế sinh nhai, nên khó tránh được bệnh tật.
Nhiều trường hợp đáng thương
Mặc dù đem theo nhiều máy móc cần thiết để chuẩn bị cho chẩn đoán bệnh, hướng dẫn phương pháp điều trị, và cấp thuốc. Nhưng trước áp lực số lượng bệnh nhân quá đông, bác sĩ Huỳnh Thiện Minh, Bệnh xá trưởng Quân y An Giang, lúng túng: “Có quá nhiều trường hợp đáng thương, đòi hỏi phải điều trị kỹ thuật cao, dài ngày. Bà con tin tưởng, yêu cầu cứu giúp, mình phải ráng”.
Với kinh nghiệm của quân y, các anh vận dụng phác đồ điều trị và kết hợp với sinh hoạt, tập quán của bà con mà chữa bệnh.
Có những trường hợp ngoài khả năng của chuyến đi, như trường hợp ông Uonl Khone, 44 tuổi, bị đau cột sống do té từ cây thốt nốt rơi xuống đất làm liệt cả đôi chân. Thấy ông nằm trên chiếc xe bò đến mà đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang và ngay cả người dân Oral chứng kiến thấy rất thương cảm.
Nói chuyện với tôi, bà Suonl Bros, 75 tuổi, rưng rưng nước mắt kể: “Nhức chân quá, chịu không thấu nữa. Ngồi xe lăn hơn một năm rồi. Nhờ thầy thuốc Việt Nam cứu giúp, nhà nghèo không biết làm sao!”.
Ở tận bên xã Hong Sa Nom, cách Sangke Satop hơn 20km, bà đến bằng chiếc xe bò của đứa cháu và có mấy người bệnh trong phum quá giang. Được khám xong, cấp thuốc không lấy tiền, chỉ dẫn cách trị bệnh tê khớp, bà Suonl Bros lột khăn xá lạy, bày tỏ lòng cảm ơn với đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang - Việt Nam.
Còn chị Heng Nay ở Sa Nom, nhà có 5 người thì hai vợ chồng đều bị sốt rét, do phải đi rừng đốn cây, đem về hầm than để nuôi sống gia đình. Gặp tôi, chị Heng Nay hết lời cảm ơn các bác sĩ Quân y, làm việc nhân đạo vì người nghèo Campuchia, cầu mong mấy ông “sóc-sà-bai - mạnh giỏi”.
|
Trạm y tế Sangke Satop, quận Oral, |
Là con em đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), Sêng Sorya am hiểu chút ít tâm lý, sinh hoạt người dân Campuchia, bác sĩ đã cố gắng hỏi han cặn kẽ để chẩn đoán bệnh, nhanh chóng đưa ra toa thuốc và phác đồ điều trị hiệu quả.
Anh cho biết, chuyến đi này thật có ý nghĩa đặc biệt đối với anh, được trang bị thêm kiến thức thực tế và vì nghĩa tình anh em 2 tỉnh An Giang và Kompong Speau.
"Tấm lòng của anh bộ đội cụ Hồ"
Đối với đoàn y - bác sĩ Quân y An Giang, đây là chuyến đi Campuchia hoạt động từ thiện với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Người dân quận Oral cho đó như chuyện nằm mơ, mà sao nó hết sức thiết thực và đáp ứng đúng nhu cầu đời sống của người dân ở núi rừng. Do ít người, phải xoay xở công việc đến mệt đừ người, bác sĩ Nguyễn Thế Tài vẫn tỏ ra vui vẻ, niềm nở khi tiếp xúc bệnh nhân, ân cần hỏi thăm hoàn cảnh sống của bà con.
Anh bày tỏ: “Ở đâu, bệnh nhân cũng là con người, phải hết sức tận tâm phục vụ, cứu giúp mạng sống là trên hết. Huống hồ gì, mình đang mặc chiếc áo thầy thuốc Việt Nam và là Bộ đội Cụ Hồ”.
Hỗ trợ đồng nghiệp, có các y - bác sĩ quận Oral, trên tỉnh Kompong Speau xuống phụ giúp, cùng nhau khám bệnh và cấp thuốc cho bà con nhà xa về sớm.
Bác sĩ Trần Minh Cảnh nói: “Biết đoàn đến, bà con mừng rỡ, đem cả dừa tươi đến đãi thầy thuốc nữa, khiến anh em rất ngại ngùng, nhưng không uống e rằng bà con sẽ giận”. Vậy đó, của ít lòng nhiều, mình tạo tình cảm với bà con thì mọi người bày tỏ nghĩa cử thân thiện đáp lại.
Khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đội K93 tỉnh An Giang làm nhiệm vụ tại vùng núi Kirirom, bác sĩ Huỳnh Bảo Tâm kể, nửa đêm phum có người bệnh chở đến xin khám, các bác sĩ vẫn phục vụ, sẵn sàng giúp bà con, khiến Lực lượng Chuyên trách Kompong Speau rất cảm kích.
Trung tướng Keo Sa Muonl, Tư lệnh Quân khu 3 Campuchia, người luôn quan tâm đến công việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, tỏ ra rất hài lòng.
Ông nói: “Trong chiến tranh, bộ đội Việt Nam không ngại hy sinh xương máu, giúp bạn, bây giờ lại tiếp tục chia sẻ khó khăn với nhân dân Campuchia. Đó là những tấm gương của các anh Bộ đội cụ Hồ, những công lao to lớn, quý báu của các anh không có gì sánh bằng”.
Theo Phúc Danh
Sài Gòn Giải Phóng